Chiều 5-4, hội nghị các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách đã cho ý kiến về dự thảo Luật Quy hoạch. Đa số các đại biểu đều ủng hộ dự luật vì xây dựng hệ thống quy hoạch chung theo hướng tích hợp nhiều quy hoạch, tránh được tình trạng cát cứ, lợi ích nhóm trong lập quy hoạch từ trước đến nay.
Phải quy trách nhiệm trong lập quy hoạch
TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho rằng dự thảo đề cập đến vấn đề phân công, phân cấp, nhiệm vụ và quyền hạn nhưng lại không thấy nói đến vấn đề trách nhiệm trong lập quy hoạch.
“Nghị quyết Trung ương năm 2012 có yêu cầu làm rõ trách nhiệm người đứng đầu trong quy hoạch. Nhưng thực tế thì lập quy hoạch nhiều thứ nhưng không khả thi thì không thấy ai chịu trách nhiệm, kể cả trách nhiệm tập thể” - ông Liêm nói.
Cũng theo ông Liêm, từ trước đến nay nước ta luôn coi khâu thẩm định trong lập quy hoạch có vai trò rất quan trọng, là bắt buộc. “Khâu thẩm định có mối quan hệ với khâu phê duyệt. Hội đồng thẩm định thẩm định rồi, người ký ký theo kết quả thẩm định, vậy quy hoạch không khả thi người ký chịu trách nhiệm hay hội đồng thẩm định phải chịu?” - ông Liêm đặt câu hỏi.
Ông Liêm cho hay kinh nghiệm quốc tế coi hội đồng thẩm định là các chuyên gia, họ thuê một bộ phận lập và bộ phận khác đánh giá việc lập ra quy hoạch. Nhưng ở Việt Nam khâu thẩm định do người lập triệu tập và là công chức trong bộ máy cho nên quy hoạch chủ yếu là để không mâu thuẫn, cho nên mới có việc không nói rõ chất lượng, tính khả thi ở hướng nào.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cho rằng dự luật sẽ tránh được sự chồng chéo, xâm lấn, cũng rõ trách nhiệm của các bộ, ngành trong lập quy hoạch. Ảnh: T.Phú
Không có cơ quan nào quyền lực tuyệt đối
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, nhận định dự thảo Luật Quy hoạch là bước đột phá, chuyển từ tư duy bao cấp sang thị trường. “Thời gian qua ta mang tư duy bao cấp nên hệ thống quy hoạch bị chia cắt theo bộ, ngành… dẫn đến tình trạng chồng, trống quy hoạch. Có trường hợp một người vừa phê duyệt hai quy hoạch gần nhau nhưng lại ngược nhau. Quy hoạch là kịch bản phát triển, là cái vẽ ra trong tương lai để phát triển hơn. Do đó Luật Quy hoạch phải đưa ra bộ quy tắc xây dựng được kịch bản phát triển trong tương lai” - ông Võ nói.
Theo ông Võ, dự thảo Luật Quy hoạch đã đưa ra ý tưởng tích hợp các quy hoạch thành một bản quy hoạch thống nhất, khắc phục được tình trạng chồng lấn, thậm chí ngược nhau giữa các quy hoạch. Ví dụ quy hoạch sử dụng đất phải được lồng ghép, tích hợp với tất cả quy hoạch khác, như thế mới quản lý sử dụng đất một cách chính xác, hiệu quả.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cho hay điểm nổi bật của dự luật là đưa ra bản quy hoạch tổng thể ở cấp quốc gia, vùng, tỉnh theo hướng tích hợp. Và chỉ có làm như vậy mới tránh được sự chồng chéo, xâm lấn nhau, cũng rõ trách nhiệm của các bộ, ngành.
“Không có một cơ quan nào đứng độc lập có quyền lực tuyệt đối trong lập quy hoạch, bởi vì về bản chất của quy hoạch là sự phân chia, bố trí không gian tài nguyên quốc gia để lập kế hoạch phát triển” - ông Đông nhấn mạnh.
Đối với các sản phẩm cụ thể, việc quản lý đối với những ngành sản phẩm trong thời gian tới sẽ không bằng quy hoạch nữa mà theo hướng sử dụng các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật về thương mại, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường và đặc biệt là nhiệm vụ cung cấp thông tin, tín hiệu, xu hướng thị trường… Các nội dung này sẽ do các ngành tự xác định căn cứ vào nhu cầu quản lý của mình và sẽ được bổ sung trong quá trình sửa đổi các quy định hiện hành về quy hoạch. Trích báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH |