Quy hoạch TP.HCM: Đô thị toàn cầu, bám sông, hướng biển

(PLO)- Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết sẽ cùng đội ngũ tư vấn nghiên cứu kỹ, tiếp tục hoàn thiện đồ án quy hoạch TP, phấn đấu để đồ án được chính thức thông qua trước ngày 30-6.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 28-2, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đồng chủ trì Hội thảo tham vấn quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hạ tầng TP.HCM đang quá tải

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng vai trò đầu tàu, dẫn dắt của TP.HCM với vùng Đông Nam Bộ, với cả nước đang có chiều hướng suy giảm qua các năm, thời kỳ. Cùng với đó, trong bối cảnh các địa phương khác vượt lên thì TP.HCM đang có dấu hiệu chững lại. Cơ cấu kinh tế cũng đang chậm thay đổi, năng suất lao động cũng là vấn đề quan ngại.

Với vai trò là chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch, Bộ trưởng Dũng thẳng thắn nêu rõ hạ tầng đô thị TP.HCM đang quá tải, chậm phát triển hạ tầng ngầm. Điều này khiến chất lượng cuộc sống người dân không được tăng cao, đối mặt với các vấn đề về ngập úng, ùn tắc giao thông…

TP.HCM.jpg
TP.HCM đang hoàn thiện đồ án quy hoạch, phấn đấu để được chính thức thông qua vào ngày 30-6. Ảnh: HOÀNG GIANG

Bộ trưởng Dũng lưu ý các giải pháp đột phá cần tập trung giải tỏa ba vấn đề lớn: Ùn tắc giao thông, ô nhiễm, ngập. Chưa giải quyết được ba vấn đề này thì TP.HCM và cả Hà Nội đều chưa thể trở thành những trung tâm phát triển hàng đầu như mong muốn.

Đồng tình, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi bày tỏ mong muốn hội thảo giúp nhận diện rõ hơn những hạn chế, khai mở hết tiềm năng để TP làm tròn vai trò là một trung tâm phát triển, không chỉ của vùng Đông Nam Bộ, mà của cả nước và xa hơn là của khu vực.

“Quy hoạch phải làm sao để nhận diện hết các điểm nghẽn, hạn chế hiện nay và khai mở hết tiềm năng, động lực để TP có thể đảm đương được các vai trò trên. Trên nền chuẩn bị của TP về hồ sơ quy hoạch, mong các đại biểu nhận diện ra các điểm then chốt đó” - Chủ tịch Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cũng khẳng định nhận thức, quyết tâm của TP.HCM trong việc xây dựng quy hoạch. “Quy hoạch TP.HCM không chỉ vì sự phát triển của TP và cũng không tự làm một mình được” - ông Mãi nói thêm

Sẽ là một trong 20 siêu đô thị

GS-TS-kiến trúc sư (KTS) Trần Trọng Hanh, Chủ nhiệm Đồ án quy hoạch TP.HCM, cho rằng với quy mô dân số gần 10 triệu dân, TP sẽ là một trong 20 siêu TP trên thế giới, trong khi quỹ đất thuận lợi để khai thác còn lại rất ít.

“Kiểu phát triển “vết dầu loang” (đô thị đơn cực) lâu nay không thích hợp nữa, thay vào đó TP phải phát triển đa cực, xanh, thông minh, đảm bảo môi trường bền vững. Mô hình phát triển mới cũng sẽ ngăn chặn được tình trạng di dân ồ ạt, nâng cao chất lượng sống cho người dân” - ông Hanh nêu.

Bổ sung ý kiến, TS Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, đề nghị làm rõ hơn vai trò của TP.HCM trong vùng khu vực. Ông cho rằng TP.HCM từng là ví dụ tiêu biểu của đổi mới sáng tạo nhưng bây giờ dường như “dè dặt hơn nhiều”.

Về các kịch bản tăng trưởng dự kiến trong dự thảo đồ án quy hoạch, ông Sinh cho rằng các kịch bản nêu trong quy hoạch có phần chưa hợp lý, bởi nếu TP chỉ chọn tăng trưởng 8,3% (mức kịch bản trung bình) thì vùng không thể đạt 9% như quy hoạch vùng đã xác định. Ông đề xuất mức hợp lý với TP phải là 9%.

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cũng cho rằng TP.HCM có thể hướng đến mục tiêu tăng trưởng cao hơn nhiều nhưng điểm nghẽn là chưa có đột phá thể chế.

“Tôi cho rằng TP.HCM có thể chọn phương án 3 (tăng trưởng trên 10%), thậm chí cao hơn, vẫn có thể khả thi. Vấn đề là chúng ta có dám chọn, dám có tư duy đột biến, khác biệt, có cơ chế ra quyết định “phi truyền thống” và giải pháp cách làm khác biệt, quyết liệt hay không. Hàn Quốc, Nhật Bản… đã có tăng trưởng 10%-15%/năm liên tục trong 20-30 năm” - ông Cung nói.

Theo báo cáo tại hội nghị, TP.HCM năm 2030 và 2050 sẽ trở thành TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đây sẽ là TP dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số; là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á.

Các chỉ tiêu chung, tăng trưởng bình quân đạt khoảng 8%-8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người khoảng 14.500 USD; kinh tế số đóng góp 40% vào GRDP. Hệ thống giao thông vận tải sẽ được đầu tư lớn, trong đó TP.HCM là cửa ngõ kết nối của chín tuyến đường cao tốc, hai đường vành đai lớn.

Ngoài ra, hệ thống giao thông, hạ tầng của TP.HCM và các địa phương phía Nam còn có hai cảng hàng không lớn nhất cả nước là Tân Sơn Nhất và Long Thành, với tổng quy mô từ 75 triệu hành khách.

Phấn đấu để được thông qua trước 30-6

Tiếp thu ý kiến, Chủ tịch UBND TP.HCM hứa sẽ cùng đội ngũ tư vấn nghiên cứu kỹ; tiếp tục hoàn thiện đồ án, đồng bộ hóa các quy hoạch đã được phê duyệt vào quy hoạch của TP, phấn đấu để quy hoạch được chính thức thông qua trước ngày 30-6.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ tổ chức họp hội đồng ngay đầu tháng 5, dự kiến có thể thông qua quy hoạch trước ngày 30-6”. Người đứng đầu ngành KH&ĐT cũng nhận định TP như lò xo đang bị “bó cứng”, nếu quy hoạch này được thông qua, triển khai thì có thể làm cho chiếc lò xo này bung bật mạnh mẽ. Được như thế thì mức tăng trưởng hai con số là hoàn toàn khả thi với TP.HCM.

“Tôi rất thích hình ảnh mà Tổng Bí thư vừa nhắc lại một lần nữa trong chuyến thăm TP.HCM mới đây. Đó là làm thế nào để TP.HCM thực sự trở lại là hòn ngọc Viễn Đông” - Bộ trưởng chia sẻ.

Ngoài ra, Bộ trưởng thống nhất cao quan điểm của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi về mục tiêu đưa TP.HCM trở thành đô thị toàn cầu đa trung tâm, bám sông, hướng biển, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển hài hòa đô thị - nông thôn; là trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu cả nước và khu vực, dựa trên nguồn lực dồi dào về trí tuệ.•

Cần chú trọng về phát triển kinh tế - xã hội

P8_hinhBOX...jpg
TP.HCM có thể và cần phát huy thế mạnh của mình về đội ngũ nhân lực trẻ, thông minh, năng động với trình độ công nghệ cao. Ảnh: N.TIẾN

Ông Chris Malone, Giám đốc điều hành của Boston Consulting Group (BCG), cho rằng đồ án quy hoạch khá tập trung vào phát triển không gian, cần chú trọng hơn về phát triển kinh tế - xã hội.

“Tôi thấy có 39 bản đồ được tích hợp công phu trong đồ án nhưng từ khóa AI (trí tuệ nhân tạo) chỉ xuất hiện một lần. Cần tập trung hơn vào động lực phát triển kinh tế của TP.HCM và đánh giá tác động của sự phát triển đó đến GDP như thế nào” - chuyên gia này phát biểu.

Ví von TP.HCM như một chiếc xe hơi, muốn chạy được với tốc độ cao thì trước hết phải đánh giá rất cụ thể động cơ của chiếc xe đó cũng như chế độ vận hành. Ông Chris Malone cho rằng TP.HCM có thể và cần phát huy thế mạnh của mình về đội ngũ nhân lực trẻ, thông minh, năng động với trình độ công nghệ cao để phát triển mạnh mẽ các ngành dịch vụ nói chung và dịch vụ phục vụ sản xuất nói riêng.

“Trong 20 năm qua, Việt Nam đã rất thành công trong khai thác dòng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc về Việt Nam, rõ nhất là sản xuất điện thoại thông minh. Thế nhưng còn thiết kế thì sao vẫn ở Trung Quốc” - ông Chris Malone lưu ý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm