Ông Trần Sỹ Thanh, Tổng Kiểm toán Nhà nước hôm 15-7 đã được Bộ Chính trị điều động, phân công, chỉ định làm Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, đồng thời giới thiệu để bầu chức danh Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Cùng ngày, HĐND TP Hà Nội cũng có giấy triệu tập kỳ họp thứ tám, HĐND TP khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 (kỳ họp chuyên đề), diễn ra vào 22-7 để xem xét, quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền.
Theo dự kiến, tại kỳ họp, HĐND TP Hà Nội sẽ tiến hành quy trình bầu ông Trần Sỹ Thanh, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội làm tân Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Vậy quy trình bầu tân Chủ tịch Hà Nội được thực hiện theo trình tự ra sao? Căn cứ quy định tại Nghị định 08/2016 (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 115/2021), việc bầu Chủ tịch UBND cấp tỉnh, TP trực thuộc Trung ương được thực hiện thông qua hình thức bỏ phiếu kín và thực hiện theo quy trình.
Ông Trần Sỹ Thanh được giới thiệu để bầu chức danh Chủ tịch UBND TP Hà Nội. |
HĐND TP gửi văn bản xin ý kiến để Bộ Nội vụ kiểm tra, báo cáo Thủ tướng về việc bầu Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Sau khi có ý kiến bằng văn bản từ Bộ Nội vụ, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội giới thiệu để HĐND cùng cấp bầu chủ tịch UBND.
Chủ tịch UBND được bầu trong nhiệm kỳ không nhất thiết là đại biểu HĐND.
Khi bầu thành viên UBND tại kỳ họp HĐND, nếu có đại biểu HĐND ứng cử hoặc giới thiệu thêm người ứng cử ngoài danh sách đã được người có thẩm quyền giới thiệu thì Thường trực HĐND trình HĐND xem xét, quyết định.
Thành viên UBND trúng cử khi có quá nửa tổng số đại biểu HĐND bỏ phiếu tán thành. Trong trường hợp bầu lần đầu nhưng không được quá nửa tổng số đại biểu HĐND bỏ phiếu tán thành thì việc có bầu lại hay không bầu lại thành viên UBND ngay trong kỳ họp do Chủ tịch HĐND báo cáo HĐND xem xét, quyết định.
HĐND ban hành Nghị quyết về việc bầu thành viên UBND cùng cấp. Trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày HĐND bầu Chủ tịch cấp tỉnh, Thường trực HĐND gửi hai bộ hồ sơ kết quả bầu Chủ tịch UBND cùng cấp đến Bộ Nội vụ.
Trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hai bộ hồ sơ theo quy định, Bộ Nội vụ phải xem xét, thẩm định hồ sơ phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch UBND.
Trường hợp hồ sơ còn thiếu hoặc có sai sót theo quy định thì trong thời hạn ba ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền thẩm định có văn bản đề nghị Thường trực HĐND bổ sung, hoàn thiện hồ sơ trong thời hạn không quá bảy ngày làm việc.
Trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của Bộ Nội vụ (kèm theo hồ sơ đề nghị của Thường trực HĐND), Thủ tướng xem xét, phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Trường hợp Thủ tướng không phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch UBND cấp tỉnh thì phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do và yêu cầu HĐND tổ chức bầu lại chức danh không được phê chuẩn.
Trước đó, phát biểu tại lễ công bố và trao quyết định, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cũng nhìn nhận ông Trần Sỹ Thanh là cán bộ kinh qua nhiều vị trí ở các địa bàn, lĩnh vực khác nhau và đều hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Với kinh nghiệm công tác phong phú, sự am hiểu nhiều lĩnh vực và nhiều năm sống ở TP Hà Nội, Bộ Chính trị tin tưởng ông Thanh sẽ phát huy tốt năng lực, sở trường, kinh nghiệm đã có, tuân thủ nguyên tắc, năng động sáng tạo, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin, kỳ vọng của nhân dân về vị Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Còn Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng đề nghị các cán bộ, lãnh đạo của TP cùng đoàn kết, phối hợp với Phó Bí thư Thành uỷ Trần Sỹ Thanh, sớm tiếp cận với nhiệm vụ mới, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Cùng với việc ông Trần Sỹ Thanh được phân công làm Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, hiện Thành ủy Hà Nội có bốn Phó Bí thư là bà Nguyễn Thị Tuyến và các ông Trần Sỹ Thanh, Nguyễn Ngọc Tuấn, Nguyễn Văn Phong.
Đối với UBND TP Hà Nội, hiện có sáu phó chủ tịch gồm các ông Lê Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực, Nguyễn Trọng Đông, Chử Xuân Dũng, Hà Minh Hải, Nguyễn Mạnh Quyền, Dương Đức Tuấn.
Quá trình công tác của tân Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Trần Sỹ Thanh: