Quỹ viễn thông tồn hơn 5.000 tỉ 'không tiêu được': có nên duy trì Quỹ này?

(PLO)- Đó là vấn đề được đại biểu Quốc hội nêu ra tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội sáng nay về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) diễn ra sáng nay 10-6.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thảo luận tại tổ, đại biểu Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật nêu băn khoăn về Quỹ dịch vụ viễn thông công ích. Theo ông, nguồn quỹ này thực chất được thu từ đóng góp bắt buộc với tỷ lệ nhất định từ phía doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông như một khoản thu ngoài thuế, bắt buộc đóng góp vào quỹ này.

Còn về nhiệm vụ chi, ông Tùng cho biết, một số nội dung chi lại trùng với việc chi ngân sách, ví dụ chi hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo để tiếp cận dịch vụ viễn thông; hay chi một số dự án công nghệ thông tin hạ tầng viễn thông…đó đều là những chính sách thuộc nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp Luật Hoàng Thanh Tùng (Ảnh; QH)

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp Luật Hoàng Thanh Tùng (Ảnh; QH)

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật cũng băn khoăn khi số dư quỹ này còn lớn, không sử dụng được. Theo ông, Chính phủ báo cáo Quỹ còn tồn hơn 5.000 tỉ đồng không chi được, vậy có nên tiếp tục duy trì Quỹ này hay không?

“Quỹ nhà nước ngoài ngân sách như thế này, thực sự cần thiết thì chúng ta làm, không cần thiết thì không nên. Ngành nào cũng sinh ra Quỹ thế này, rồi phân tán hết, đáng nộp ngân sách thì nộp, nếu không thì thôi, đừng bắt doanh nghiệp đóng nữa, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển”, ông Tùng nói.

Trước đó, đại diện Chính phủ trình Quốc hội tờ trình dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, dự thảo Luật kế thừa các quy định hiện hành về việc duy trì quỹ Dịch vụ viễn thông công ích, theo hướng xác định rõ mục tiêu hỗ trợ của Quỹ, các quy định về đóng góp và giải ngân thực hiện theo nguyên tắc thu và chi tương ứng. Chính phủ cũng nhấn mạnh, khi chưa có nhiệm vụ chi thì không thu để tránh tồn dư quỹ.

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Lê Quang Huy đánh giá, trong thời gian qua, Quỹ này đã thực hiện chính sách của Nhà nước hỗ trợ cung cấp dịch vụ viễn thông công ích ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các khu vực kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; nhằm giảm bớt sự chênh lệch về khoảng cách số giữa các vùng miền.

Theo ông, đa số ý kiến trong Ủy ban thấy rằng, nên tiếp tục duy trì Quỹ theo đề nghị của Chính phủ. Tuy nhiên, Ủy ban thẩm tra cho rằng, cần cân nhắc để để bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng, cụ thể và tăng tính hiệu quả trong hoạt động của Quỹ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm