Ra khơi bị nước bạn bắt, khổ trăm bề!

(PLO)- Luật pháp các nước quy định rất ngặt nghèo về hành vi IUU. Nhẹ thì cũng phạt tiền tỉ, nặng thì tốn nhiều tỉ cùng với án tù, có khi đến vài năm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là IUU) không chỉ tác động ở tầm vĩ mô, như hoạt động xuất nhập khẩu hay vấn đề chủ quyền trên biển, mà đằng sau đó là thân phận những người thợ thuyền lao đao, khốn khổ vì dính vào lao lý, nợ nần.

Một buổi tối năm 2020, chúng tôi nhận tin nhắn của một nhóm ngư dân Việt Nam (VN) bị các lực lượng chức năng Philippines bắt giữ vì dính vào hoạt động IUU trên vùng biển nước bạn. Họ bị án tù, bị phạt tiền, bị tịch thu tàu thuyền và ngư cụ, thiệt hại tiền tỉ. Vì vài lý do, họ kẹt lại Philippines sau những tháng ngày tù tội. Cơ quan ngoại giao VN tại Philippines đã tìm giải pháp can thiệp, bảo hộ công dân để họ được sớm về với mẹ già, vợ trẻ, con thơ và mái nhà liêu xiêu ở vùng biển miền Trung nắng gió.

Anh L, thành viên nhóm ngư dân hàng chục người, khi về đến VN chia sẻ: Phải mất đôi năm mới được thả về lại quê hương. Đứa con trai lớn của anh ngày anh ra khơi học lớp 10, nay vào đại học, đứa nhỏ vừa vào cấp III. Vợ ôm thùng kem bán, ngày lãi vài chục ngàn đồng chẳng thấm vào đâu so với món nợ vài trăm triệu đồng mà anh phải gánh sau chuyến đi “bão táp”.

Không riêng gì nhà anh L, nhà các thuyền viên còn lại cũng lao đao không kém. Nhiều tháng tù cùng với số tiền gia đình ở VN phải chạy vay nợ để gửi qua Philippines chi trả khi hầu tòa, ăn ở, trú ngụ, đi lại… khiến nhiều gia đình khánh kiệt. Những ngày bên đất khách cũng không tránh khỏi ánh mắt kỳ thị của nhiều người vì mang tội đánh bắt cá trái phép.

Luật pháp các nước quy định rất ngặt nghèo về hành vi IUU. Nhẹ thì cũng phạt tiền tỉ, nặng thì tốn nhiều tỉ cùng với án tù, có khi đến vài năm. Đó là chưa kể ở đất khách quê người phải thiệt thòi đủ thứ, mất công ăn việc làm, gia đình nghèo càng nghèo hơn. Vì vậy, dính tới IUU thì đa phần bà con ngư dân tán gia bại sản, dù rằng những kẻ đằng sau chủ mưu, như chủ tàu thuyền, người hưởng lợi cuối cùng trong việc dụ dỗ, thuê mướn bà con ngư dân thì không ra khơi, khó bị xử lý.

Hầu hết bà con ngư dân có học vấn thấp, ra khơi theo “cha truyền con nối”. “Trót lọt” vụ nào thì những người chủ mưu hưởng chính, còn họ cũng chẳng được bao nhiêu. Vậy nên, cần có các giải pháp chế tài nhắm vào các nhóm chủ mưu, hưởng lợi sau cùng; trong khi đó, tìm cách tuyên truyền một cách trực quan, sinh động, rõ ràng nhất để ngư dân thấm thía bài học “khổ trăm bề” khi dính vào IUU.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm