Ra mắt tập hồi ký của chiến sĩ Trường Sơn: Trường Sơn có một thời như thế

Tác giả của tập hồi ký là các cán bộ, chiến sĩ thuộc đủ các binh chủng: bộ binh, công binh, phòng không, xăng dầu, lái xe, quân y.... Vì vậy, dù đều kể về Trường Sơn, nhưng mỗi câu chuyện có dấu ấn riêng của từng bộ phận công tác, của mỗi con người với mỗi nhiệm vụ khác nhau.

Bìa sách Trường Sơn có một thời như thế.
Bìa sách Trường Sơn có một thời như thế.

Không ít những trang hồi ký nghẹn ngào: “Nhanh cáng cái Thúy đi... Huệ vào thau mau lên, cho xe xuống ngầm!... Lại thêm một đồng chí công binh - một cọc tiêu sống ngã xuống, lập tức có đồng chí khác đứng thay ngay vào vị trí. Trời ơi!” (Những cọc tiêu sống trên đường Trường Sơn - Nguyễn Công Tứ, nguyên Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn xe tăng 201B). Và những trang viết về sự thiếu thốn, gian khổ nhưng vẫn lạc quan, hồn nhiên của chiến sĩ: “Báo cáo đồng chí, anh em mỗi ngày ăn ba lạng gạo, cõng thêm sắn, sau đó lại “tráng miệng” bằng thân cây chuối non ạ!” (Người đi, rau cũng đi trên lưng người - thiếu tướng Nguyễn An). Có khi kỷ niệm về Trường Sơn là một rừng hoa mai, hoa đào nở rộ vào dịp Tết. Với người khác, Trường Sơn là cánh rừng “cháy xém và xơ xác, tất cả thân cây đều tơi tả. Những mảnh đạn xé toạt thân cây, những cành cây thành than đen còn bốc khói...” (Chùm hoa dại Trường Sơn - kỹ sư Phạm Văn Bảy)...

Ban tuyển chọn tập hồi ký tự nhận: lời văn trong sách bộc bạch, nhớ đâu kể đó, rất thật thà chất lính Trường Sơn. Điều đó đã toát lên được mục tiêu người thật, việc thật của cốt truyện, giữ gìn nguyên vẹn một lịch sử đầy hào hùng, đầy khí phách Trường Sơn...

TRÀ GIANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm