Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP.HCM Vũ Quốc Doanh đã ra quyết định thi hành án về việc Công ty TNHH Grab phải bồi thường thiệt hại cho Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun Taxi) 4,851 tỉ đồng.
Nếu Grab không thi hành bồi thường khoản tiền này thì hàng tháng Grab phải thanh toán tiền lãi trên số tiền còn phải thi hành. Grab cũng phải hoàn trả 347 triệu đồng chi phí giám định cho Vinasun.
Quyết định có hiệu lực từ ngày ký, 3-6-2020.
Đại diện Vinasun (trái) và một trong những đại diện của Grab. Ảnh: HY
Trước đó, ngày 10-3-2020, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã không chấp nhận kháng nghị của VKSND TP.HCM, không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn và bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM, buộc Grab buộc bồi thường thiệt cho Vinasun 4,851 tỉ đồng.
Tòa án sơ thẩm và phúc thẩm đều cho rằng cách thức kinh doanh của Grab không phải là cung cấp kết nối hành khách và lái xe theo Đề án 24, mà là kinh doanh vận tải taxi. Grab đã cung cấp một loại hình kinh doanh mới, kinh tế chia sẻ, tận dụng xe nhàn rỗi, người lao động có thêm thu nhập, người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn.
Tuy nhiên, mô hình này đang gây ra nhiều hệ lụy cho doanh nghiệp vận tải nói riêng, các doanh nghiệp taxi truyền thống nói chung vì Grab không phải đóng các loại thuế như các doanh nghiệp vận tải, không phải chịu điều kiện kinh doanh như taxi…
Ngoài ra, tòa còn kiến nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Quản lý hoạt động kinh doanh vận tải của Grab theo quy định của pháp luật; Sửa đổi nội dung “Đề án 24” cho phù hợp với thực tế nếu tiếp tục thực hiện đề án này; có giải pháp quản lý về giá cước vận chuyển, về thuế đối với Grab; xem xét trách nhiệm Grab trong việc thực hiện các nghĩa vụ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho người lao động tham gia làm việc cho Grab theo đúng quy định.
(PLO)- HĐXX cho rằng Grab tận dụng công nghệ, chia sẻ lợi ích kinh tế cho người dùng nhưng thực chất là đơn vị kinh doanh vận tải và hình thức đang biến tướng gây ra nhiều hệ lụy.