Đây là Lễ hội thường niên, tổ chức dưới sự góp sức chung vui của cả 18 bản của xã Thượng Trạch. Nhưng công tác chuẩn bị cho lễ hội thường là liên tục trong cả một năm ròng. Già làng Đinh Xon, chủ lễ cho biết, "đây là hoạt động chung nên công tác chuẩn bị cũng là chung, từ trống cho đến lễ vật dâng cúng như rượu hiêng, thịt gà nấu với đọt non, xôi, một ít lúa gạo, cá, ngọn cây đoác… đều là của nhà làm ra và do mọi người đóng góp".
Đồng bào Ma Coong vốn sinh sống lâu đời ở nhiều nơi của phía Tây Quảng Bình nhưng tập trung nhiều nhất tại xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch. Lễ hội được tổ chức tại xã Thượng Trạch nên tập trung đông đảo bà con đến tham dự, thậm chí là người dân nước bạn Lào cũng tìm đến từ sớm để tham gia.
Lễ hội diễn ra bao gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức vào khoảng 7 giờ tối (06/03), do ông Đinh Xon, Già làng làm chủ lễ kính báo lên Giàng xin phép cho lễ hội được bắt đầu. Qua bài khấn, già làng cũng xin Giàng phù hộ cho dân làng một năm mới làm lúa được lúa, trồng ngô được ngô, con gà con lợn mau lớn, làng xóm yên vui… Phần hội được tổ chức liền ngay sau đó với nghi thức là "đập trống" trong tiếng hô "roa lữ, roa lữ Giàng ơi!" - (vui quá, sướng quá Giàng ơi!).
Ông Đinh Xon cho biết, phần hội với việc đập vỡ trống là hấp dẫn nhất trong đêm. Mặt trống phải được đánh vỡ trước khi trời sáng thì Giàng mới chứng giám cho lòng thành kính của dân làng. Giữa bãi đất ở trung tâm, công tác làm chiếc trống phục vụ cho lễ hội được các thanh niên trai tráng khéo tay đảm nhiệm dưới sự dẫn dắt của những người có kinh nghiệm. Một chòi nhỏ bằng tre được dựng lên làm nơi cúng lễ và thực hiện phần hội. Trong lúc đó, các mâm cúng cũng được những người phụ nữ vén khéo thực hiện trong các mái nhà gần đó.
Sau khi già làng tiến hành cúng Giàng, ông Đinh Hợp, Chủ tịch xã Thượng Trạch sẽ tiến hành đánh trống khai hội. Phần hội ngay lập tức được các thanh niên trong làng thực hiện. Hàng chục cây gậy được sử dụng liên tục để đánh vào mặt trống trong tiếng reo hò. 10 hũ rượu cần cũng được cấp nước để phục vụ cho những người tham gia.
"Mặc dù sôi động náo nhiệt nhưng lễ hội luôn đảm bảo trật tự và an ninh, không xảy ra chuyện gì phức tạp về an ninh, trật tự do có sự bảo vệ của Bộ đội biên phòng cũng như mức phạt một con trâu và 20 triệu đồng cho những người đánh nhau nên lâu lắm chẳng ai vi phạm", ông Đinh Hợp cho hay.
Lễ hội Đập trống của người Ma Coong đối với những đôi tình nhân là một dịp đặc biệt. Vào thời khắc lễ hội diễn ra các đôi tình nhân có thể tự do hò hẹn, thể hiện những nhớ nhung của mình mà không sợ bị ai ngăn cản.
Địa điểm diễn ra lễ hội nằm giữa trung tâm của bản Cà Roòng.
Công việc làm chiếc trống cho đêm hội chiếm rất nhiều thời gian công sức.
Chiếc trống do những người thanh niên khéo léo có kinh nghiệm thực hiện.
Những thanh tre được sử dụng để "nong" dây mây cho mặt trống được chắc chắn.
Chiếc trống được hoàn tất trước 18 giờ tối.
Khoảng 18 giờ tối các mâm lễ cũng được bày biện để chuẩn bị cho việc cúng tế.
Mâm lễ được chuẩn bị bao gồm rượu hiêng, thịt gà nấu với đọt non, xôi, một ít lúa gạo, cá, ngọn cây đoác…
Đến khoảng 19 giờ, Già làng Đinh Son thực hiện lễ cúng tế.
Những chum rượu được chuẩn bị vừa phục vụ cúng tế vừa sử dụng.
Sau phần cúng tế, ông Đinh Hợp, Chủ tịch xã tiến hành đánh trống khai hội.
Người dân dùng đùi và cố gắng đánh vỡ mặt trống.
Đến khoảng 21 giờ tối, một mặt trống bị đánh vỡ.
Lễ hội kéo dài suốt đêm và kết thúc vào sáng ngày hôm sau khi cả hai mặt trống đều vỡ.
Kết thúc lễ hội, Già làng Đinh Xon cũng kính báo lên Giàng để lễ hội được kết thúc.