Rộn ràng lễ hội Ramưwan ở Ninh Thuận

(PLO)- Những ngày này, cộng đồng người Chăm theo Hồi giáo Bàni và Hồi giáo Islam ở Ninh Thuận đang tất bật chuẩn bị vui đón lễ hội Ramuwan truyền thống của dân tộc.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cũng giống như Lễ hội Ka Tê của người Chăm theo đạo Bàlamôn, Lễ Ramưwan cũng là dịp để những người đi xa, con cháu trong gia đình về sum họp, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, nhớ về tổ tiên, cầu xin bình an, mưa thuận gió hòa mùa màng bội thu.

Lễ Ramưwan có thể ví như là tết Nguyên đán cổ truyền

Trong những ngày này không khí chuẩn bị cho lễ hội Ramưwan đã nhộn nhịp khắp các làng Chăm theo Hồi giáo Bàni. Khắp đường làng ngõ xóm trang trí rực rỡ cờ hoa, mọi người đều cảm nhận được sức sống của vùng nông thôn mới đang chuyển mình, rõ nhất là các công trình giao thông, cổng thôn, chợ làng, nhà sinh hoạt cộng đồng... được xây dựng khang trang.

người Chăm
Ngày tảo mộ tất các gia đình tín đồ Chăm mặc trang phục truyền thống mang theo lễ vật đi đến các Ghur để cúng viếng. Ảnh: NÚI XANH

Trong chợ, bên lề các con đường chính, quần áo, giày dép, vật dụng gia đình, các loại hoa trái được đưa về địa phương phục vụ nhu cầu tiêu dùng của mọi người vào dịp lễ. Trong từng gia đình, nhộn nhịp trang hoàng nhà cửa, gói bánh, ép cốm để chuẩn bị phục vụ lễ Ramưwan truyền thống.

Lễ Ramưwan của người Chăm Bàni diễn ra vào đầu tháng 9 lịch Hồi và kéo dài một tháng. Trước khi bước vào tháng chay của các chức sắc ở Thánh đường, người ta dành 3 - 4 ngày để thực hiện lễ tảo mộ và dâng cúng tưởng nhớ ông bà tổ tiên. Lễ Ramưwan (hay còn gọi là Ramadan, hay tháng Chay - niệm) có thể ví như là tết cổ truyền mang đậm sắc thái riêng của đồng bào Chăm Hồi giáo Bàni, nên lễ Ramưwan còn được gọi là “Lễ Hội” hay “Tết” Ramưwan.

4.2. Làng Chăm Bàni Ninh Thuận rộn ràng Lễ hội Ramưwan.jpg
Mọi người trong các dòng họ sửa soạn trang phục trước khi cúng tế.

Lễ có ba phần chính gồm; Lễ tảo mộ, lễ cúng gia tiên và lễ chay niệm tại chùa Hồi giáo Bàni. Trong đó, lễ tảo mộ là phần khởi đầu, cũng là phần quan trọng nhất của lễ hội Ramưwan.

Độc đáo lễ tảo mộ và cúng gia tiên

Lễ tảo mộ được người Chăm theo Hồi giáo Bàni thực hiện rất trang trọng tại các Ghur (nghĩa trang). Đầu tiên là viếng Nao Ghur Garay Naih (Nghĩa trang xa làng) rồi mới viếng Nao Ghur Palei Drei (Nghĩa trang trong làng) và thông thường trước ngày lễ chính vài ngày.

Ngày tảo mộ, các gia đình tín đồ người Chăm mặc trang phục truyền thống, mang theo lễ vật đi đến các Ghur.

Đồ cúng được người Chăm bày biện khá đơn giản gồm: Trầu cau, thuốc, nước uống và bánh kẹo… sau đó mọi người thành kính ngồi vòng tròn quanh mộ theo từng dòng tộc.

2. Làng Chăm Bàni Ninh Thuận rộn ràng Lễ hội Ramưwan.jpg
Trong đồ cúng có 1 thứ không bao giờ được thiếu, đó là trầu cau được têm sẵn.

Thầy Char là người chủ lễ cúng, cầu kinh Coran bằng tiếng Ả Rập, các vị phụ tế vẩy nước thánh lên từng viên đá (bia mộ) với ý nghĩa tẩy uế, làm cho người chết được mát mẻ, sạch sẽ, thanh khiết hơn, sau đó đọc kinh, cúng bái rước tổ tiên về nhà ăn Tết...

3. Làng Chăm Bàni Ninh Thuận rộn ràng Lễ hội Ramưwan.jpg
Nghi thức vẩy nước thánh lên từng viên đá (bia mộ) với ý nghĩa tẩy uế, làm cho người chết được mát mẻ, sạch sẽ, thanh khiết hơn trước khi được mời về gia đình vui lễ.

Sau đọc kinh cầu nguyện cùng với mọi người, Po Acar dùng hai ngón tay làm dấu ấn thánh lên trên các bia mộ để rước ông bà tổ tiên về.

5. Làng Chăm Bàni Ninh Thuận rộn ràng Lễ hội Ramưwan.jpg
Các Po Acar đang niệm kinh rước linh hồn ông bà tổ tiên sẽ về nhà trong mùa Ramưwan và phù hộ cho xóm làng được bình yên, nhà nhà sung túc, người người an lành, hạnh phúc, mùa màng tươi tốt.

Lễ tảo mộ tại Ghur cũng là dịp mọi người đi xa về gặp anh chị em, bạn bè để hàn huyên hỏi thăm chúc sức khoẻ nhau. Lễ tảo mộ hiện nay cũng thu hút nhiều du khách thập phương tới tham dự, bởi đây là một sự kiện độc đáo của người Chăm theo đạo Bàni, Islam nói riêng, nổi bật trong văn hoá Chăm tại Ninh Thuận nói chung.

7. Làng Chăm Bàni Ninh Thuận rộn ràng Lễ hội Ramưwan.jpg
Phút nấn ná của người sống với linh hồn người quá cố.

Sau Lễ tảo mộ, các gia đình người Chăm về nhà cúng gia tiên theo phong tục truyền thống và mở tiệc khoản đãi khách, bạn bè thân mật. Mỗi nhà sẽ chuẩn bị đồ lễ, con cháu sum họp đông đủ để dâng cúng mời ông bà tổ tiên về chung vui cùng gia đình.

Người Chăm Bàni chỉ lập bàn thờ tại nhà trong hai ngày, sau đó rước ông bà tổ tiên vào chùa trong suốt mùa Ramưwan. Người Chăm tại các làng tổ chức mở hội tại sân vận động với sự tham gia của vài trăm người với đủ mọi lứa tuổi với những tiết mục hát múa tập thể đặc sắc.

8. Làng Chăm Bàni Ninh Thuận rộn ràng Lễ hội Ramưwan.jpg
Lễ tảo mộ cũng là lúc bạn bè lâu ngày gặp lại, là dịp thu hút khách du lịch tới chiêm ngưỡng nét đẹp văn hóa trong lễ hội Ramưwan.

Các chức sắc Hồi giáo Bàni chay tịnh tại chùa

Chiều tối ngày 1-9 (Hồi lịch), các vị chức sắc Bà ni vào chùa và các Ban Hakem vào thánh đường thực hiện nghi lễ tháng tịnh chay. Hội đồng sư cả của làng Bàni thường có 13 người, theo thứ tự gồm 1 người chức sắc Sư cả, 6 người Muncụ, 1 người Muntân, 1 ông Tiếp, 2 ông Tình và 2 ông Chang.

Hội đồng sư cả Hồi giáo Bàni cũng là những người bước vào chay tịnh trong Tết Ramuwan (không ăn uống từ 5 giờ sáng đến 5 giờ chiều) kéo dài trong năm ngày tại chùa Bàni.

Trong tháng Ramưwan, các vị chức sắc Bà ni và mọi người sinh hoạt tại chùa, chỉ được phép ăn uống khi mặt trời đã lặn (trừ phụ nữ có thai, trẻ em, người già bệnh đau). Người Chăm quan niệm thực hiện tháng tịnh chay là làm cho thể xác, tinh thần trong sạch, chế ngự những ham muốn tầm thường; hướng tới cuộc sống chân thiện mỹ, đoàn kết cộng đồng, dân tộc.

Riêng cộng đồng người Chăm theo Hồi giáo Islam sẽ thực hiện nghi thức chay tịnh tại thánh đường, thường kéo dài một tháng.

Cơ hội quảng bá nét đẹp văn hóa Chăm

Đang tất bật chuẩn bị các món lễ vật đón lễ Ramưwan, Sư cả Châu Minh Hương – Chủ tịch Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bàni tỉnh Ninh Thuận cho biết: “Ramưwan năm nay bà con người Chăm ở các làng rất phấn khởi vì được sự quan tâm. Hy vọng năm mới mưa thuận gió hòa, vụ mùa thuận lợi, gia đình bình yên và sung túc…”

9. Làng Chăm Bàni Ninh Thuận rộn ràng Lễ hội Ramưwan.jpg
Sư cả Châu Minh Hương – Chủ tịch Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bàni tỉnh Ninh Thuận cùng gia đình đang chuẩn bị cho mùa lễ Ramưwan

Nét đặc trưng của dân tộc người Chăm là yếu tố dân tộc luôn quyện chặt với yếu tố tôn giáo, trong đó yếu tố dân tộc luôn mang tính vượt trội, với nhiều luật tục, lễ nghi mang đậm nét tín ngưỡng tôn giáo dân gian và văn hóa truyền thống dân tộc.

Ramưwan là một trong những lễ hội lớn nhất của người Chăm ở địa phương, trở thành điểm sáng trong du lịch Ninh Thuận, thu hút những du khách muốn tìm hiểu về văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc anh em trên miền đất đầy nắng và gió này.

Lịch lễ hội Ramưwan 2024 của người Chăm Hồi giáo Bàni tại Ninh Thuận:

- Thứ Năm ngày 07-3, lễ tảo mộ Nao Ghur Darak Anaih (ở trong khu vực thôn Khánh Nhơn, huyện Ninh Hải nằm sát biển).

- Thứ Sáu ngày 08-3, lễ tảo mộ Nao Ghur Nduk (đi nghĩa trang ở Hộ Diêm thuộc xã Hộ Hải, huyện Ninh Hải)

- Thứ Bảy ngày 9-3 lễ tảo mộ Nao Ghur Palei (đi nghĩa trang trong làng và cúng tổ gia tiên tại nhà)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm