Bên cạnh những con hẻm vắng vẫn là một Sài Gòn nhộn nhịp hoa, cỏ với những đường hoa, lễ hội đã thành thương hiệu của Sài Gòn như đường hoa Nguyễn Huệ, Hội hoa xuân Công viên Tao Đàn... Năm nay, Sài Gòn lại có thêm nhiều đường sách, tô điểm cho sắc xuân thêm rạng rỡ.
Đường hoa thay áo mới
Đường hoa Nguyễn Huệ năm nay khoác lên mình chiếc áo mới. Đây là năm đầu tiên đường hoa Nguyễn Huệ được dựng trên phố đi bộ Nguyễn Huệ với tên gọi Đường hoa tết Bính Thân 2016.
Trong mùa tết Ất Mùi 2015, khi đường Nguyễn Huệ đang trong giai đoạn thi công thành phố đi bộ Nguyễn Huệ thì đường hoa dời sang đường Hàm Nghi. Dù chung khu vực và đều là trục đường chính của Sài Gòn nhưng dường như đường Nguyễn Huệ đã thành truyền thống đường hoa nên khi thay thế không ít người dân ngậm ngùi và chờ đợi đến năm nay đường hoa lại trở về đường Nguyễn Huệ.
Đường hoa trên phố đi bộ
Sự chờ đợi của người dân được đền đáp bởi khi trở lại con đường cũ, đường hoa Nguyễn Huệ năm nay là năm đầu tiên được dựng trên phố đi bộ Nguyễn Huệ với tên gọi Đường hoa tết Bính Thân 2016 và mang chủ đề Thành phố Hồ Chí Minh - Sáng tạo, Hội nhập, Phát triển. Đường hoa năm nay trải dài dọc tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ từ phía đầu đường Lê Thánh Tôn đến đường Tôn Đức Thắng với tổng chiều dài khoảng 720 m. Với tính chất phố đi bộ nên mặt đường Nguyễn Huệ được lát đá, vì thế việc thi công đường hoa phải thay đổi so với các năm trước để làm sao đảm bảo an toàn cho hiện trạng phố đi bộ.
Còn với tính chất đường hoa, dù làm gì thì chính vẫn là hoa nên lượng hoa tươi cho đường hoa năm nay sẽ tăng so với năm ngoái khoảng 30%. Suốt 12 năm qua đại cảnh cổng đường hoa với hình ảnh linh vật luôn nằm ở vị trí trung tâm thì năm nay gia đình khỉ sẽ được bố trí ở hai bên, chính giữa sẽ là đại cảnh Hoa kết đoàn nhiều màu sắc. Xuyên suốt trục đường hoa đoạn đường từ giao lộ Lê Lợi - Nguyễn Huệ đến đường Tôn Đức Thắng được chia làm ba phân đoạn chính với ba cụm chủ đề: Đoàn kết - Nghĩa tình, Năng động - Sáng tạo và Hội nhập - Phát triển. Các cụm chủ đề này sẽ được thể hiện bằng những giỏ hoa, chậu hoa được bố trí theo cụm như tiểu cảnh: Lăng kính hoa, Bánh xe hoa, Hoa tụ hội...
Rút kinh nghiệm các năm trước, sau khi tham quan du khách mỏi chân, đường hoa năm nay bố trí thêm những chiếc ghế ngồi trong các tiểu cảnh. Tại đây du khách vừa có thể tạm nghỉ chân trong hành trình khám phá đường hoa, vừa có thể lưu lại những hình ảnh đẹp khi chính mình trở thành tâm điểm của tiểu cảnh.
Và cũng từ việc trở thành phố đi bộ nên trong thời gian qua hệ thống ẩm thực của trục phố đi bộ cũng đã phát triển để phục vụ người dân; trong suốt thời gian tết hệ thống dịch vụ ăn uống trên trục đường này vẫn phục vụ thông tầm tết. Mới và nổi bật nhất trong đó là hệ thống Vườn Sài Gòn (Saigon Garden) với diện tích sử dụng 7.000 m2. Ở Saigon Garden, người dân sau khi vui chơi ở phố đi bộ có thể đến để thưởng thức ẩm thực truyền thống Việt và xem biểu diễn âm nhạc truyền thống lẫn các chương trình biểu diễn âm nhạc nước ngoài.
Về với hoa đồng cỏ nội ở quận 7
Dù ra đời sau đường hoa Nguyễn Huệ nhưng đường hoa Phú Mỹ Hưng trong khuôn khổ Hội chợ hoa xuân Phú Mỹ Hưng đã trở thành điểm đến yên bình cho nhiều gia đình trong dịp tết. Luôn bám vào chủ đề Hoa đồng cỏ nội, Hội chợ hoa xuân Phú Mỹ Hưng tết Bính Thân 2016 sẽ mang đến cho khách tham quan một không gian văn hóa làng quê ở cả ba miền của đất nước với chủ đề chính là Về làng.
Hội chợ hoa xuân Phú Mỹ Hưng tết Bính Thân sẽ diễn ra tại khu vực The Crescent (Hồ Bán Nguyệt), Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7). Ngoài là nơi để người dân đến mua những chậu hoa, giỏ hoa… về trang trí tại nhà trong dịp tết thì các hạng mục Đường xuân, Vườn xuân luôn là điểm thu hút người dân đến tham quan, chụp ảnh lưu niệm suốt mùa tết. Người dân Sài Gòn vẫn thường gọi đây là đường hoa Phú Mỹ Hưng để phân biệt với đường hoa Nguyễn Huệ.
Nếu đường hoa Nguyễn Huệ ở ngay trung tâm với lượng người lớn tập trung trong một không gian vừa phải thì đường hoa Phú Mỹ Hưng mang dáng vẻ yên bình hơn. Đặc trưng của đường hoa Phú Mỹ Hưng là trải dọc khu vực hồ Bán Nguyệt nên không gian mát mẻ. Chính từ tận dụng sự thoáng đãng đó mà ban tổ chức đường hoa Phú Mỹ Hưng luôn chọn những chủ đề dân dã cho đường hoa của mình. Với chủ đề Về làng năm nay, ban tổ chức mong muốn nhắc đến một mùa xuân là mùa đoàn viên, ai cũng háo hức trong lòng một mơ ước trở về. Đó có thể là về với gia đình, với người thân hoặc là về quê ngay trong phố với những cảnh trí thôn dã, thanh bình.Vì thế Đường xuân của đường hoa Phú Mỹ Hưng sẽ là khu vực thể hiện rõ nét nhất chủ đề này với những biểu tượng của làng quê được phục dựng: Chiếc cổng làng của các vùng văn hóa từ Bắc đến Nam; con đường làng quanh co; giếng làng của miền Bắc; là guồng xe nước, là thuyền thúng của miền Trung; là chiếc vó cá trên sông nước miền Nam… Và để chào đón năm Bính Thân, những chú khỉ sẽ xuất hiện tại khu vực Đường xuân qua tiểu cảnh mô phỏng một góc rừng Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ (thường gọi là Đảo khỉ). Cùng với Đường xuân, khu vực Vườn xuân sẽ là một khu vườn dân dã với những cây trái mộc mạc làng quê như cà, ớt, bầu, bí, mướp, bưởi, mận, ổi, đu đủ, lựu… Những cánh đồng mạ non hay lúa chín vàng trĩu hạt, vườn cải hoa vàng rực rỡ, những ụ rơm vàng…
Mỗi vùng đất mùi tết sẽ khác nhau, còn với Sài Gòn, mùi tết chính là mùi lễ hội hoa giữa phố phường…
Ngày diễn ra lễ hội Đường hoa Nguyễn Huệ và lễ hội sách tết Bính Thân 2016 (quận 1): Từ ngày 5 đến 12-2 (27 tháng Chạp đến mùng 5 tết). Đường hoa và Hội hoa xuân Phú Mỹ Hưng (quận 7): Hội hoa xuân Phú Mỹ Hưng diễn ra từ ngày 1 đến 7-2 (tức từ 23 đến 29 tháng Chạp) với hơn 500 gian hàng hoa cảnh; riêng Đường xuân, Bến xuân và Vườn xuân thường được người dân gọi là Đường hoa Phú Mỹ Hưng sẽ mở cửa đến ngày 13-2 (mùng 6 tết). Hội hoa xuân Công viên Tao Đàn (quận 1): Từ ngày 3 đến 14-2 (25 tháng Chạp đến mùng 7 tết). Chợ hoa Bến Bình Đông (quận 8): Từ nay đến 7-2 (đến 29 tháng Chạp). Lễ hội tết Việt (Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, quận 1): Từ 28-1 đến 12-2 (19 tháng Chạp đến mùng 5 tết) với phố ông đồ, triển lãm báo xuân… các đêm nhạc mừng xuân. Gala Sài Gòn tết (Vườn Sài Gòn - Saigon Garden, đường Nguyễn Huệ, quận 1): Từ ngày 30-1 đến 6-2 (21 đến 28 tháng Chạp) với những gian hàng mứt tết, trái cây, món ăn truyền thống, áo dài, phụ kiện trang trí gia đình, ông đồ ngồi viết chữ… Phiên chợ xuân Bính Thân 2016 (Đường sách TP.HCM, đường Nguyễn Văn Bình, quận 1): Từ ngày 1 đến 14-2 (23 tháng Chạp đến mùng 7 tết). |