Sân bay Long Thành: 10 năm sống khổ trong khu quy hoạch

Từ khi quy hoạch dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được phê duyệt (năm 2005), hàng chục ngàn người dân trong vùng quy hoạch bắt đầu sống trong hồi hộp. Họ không biết bao giờ dự án sẽ được thực hiện, mình sẽ đi đâu, cuộc sống sau này ra sao... Cũng trong 10 năm qua, người dân buộc phải giữ nguyên hiện trạng nhà cửa, đất đai. Những ngôi nhà xuống cấp chỉ được thay mái tôn, sửa chữa những hạng mục nhỏ chứ không được xây mới.

Trời mưa không dám ở trong nhà

Theo bà Nguyễn Thị Phương, 60 tuổi, ngụ xã Cẩm Đường, huyện Long Thành, ngôi nhà của bà được xây dựng từ năm 1980. Hiện cột, kèo bằng gỗ đã mục rỗng, tường bong tróc, nứt nẻ. Mỗi lúc mưa to, bà Phương phải qua nhà hàng xóm trú tạm vì sợ nhà sập. Khu vực sân và đường vào nhà do không được sửa sang nên mỗi khi trời mưa là lầy lội, đi lại rất khó khăn.

Anh Nguyễn Văn Sơn, ngụ ấp 1, xã Suối Trầu, Long Thành, nói: “Kể từ khi có dự án, chúng tôi rất thiệt thòi do không được làm các thủ tục tách hộ khẩu, tách giấy đỏ, bán nhà, bán đất… Nhiều thế hệ gia đình phải sống chen chúc trong những ngôi nhà xập xệ, thiếu an toàn. Có người ốm đau, kẹt tiền quá phải bán chui đất với giá rẻ mạt”.

Trong nhà đã vậy, bước chân ra đường người dân cũng cực không kém. Tại xã Suối Trầu có nhiều tuyến đường từ lâu không được duy tu nên vào mùa khô thì bụi bay mù mịt, còn mùa mưa lầy lội như vũng bùn. Trường học, trạm y tế xã, UBND xã được xây từ hàng chục năm trước cũng không được sửa chữa. “Các công trình công cộng đã xuống cấp nhưng do không được xây mới nên hư đâu chúng tôi sẽ sửa đó. Người dân địa phương đang rất mong dự án sân bay sớm triển khai để họ ổn định cuộc sống” - ông Dương Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Suối Trầu, cho biết.

Chị Nhung lo lắng khi di dời chưa biết làm gì để kiếm sống, trong khi vườn điều của gia đình chị cũng già cỗi, thất thu nhưng không chuyển đổi được vì dự án. Ảnh: TD

Lo lắng cho tương lai

Không chỉ sống trong nhà dột nát, hàng ngàn hộ dân huyện Long Thành đang đối diện cuộc sống hết sức khó khăn do sụt giảm, thậm chí mất nguồn thu nhập. Chị Nguyễn Thị Nhung, 48 tuổi, ngụ xã Suối Trầu, nói: “Vườn điều diện tích hơn 2 ha của gia đình đã già cỗi, năng suất kém nhưng tôi không dám chặt bỏ để tái sản xuất vì không biết sẽ bị giải tỏa khi nào”.

Theo chị Nhung, gia đình chị cũng như nhiều hộ dân trong vùng dự án đã phải chuyển sang trồng cây ngắn ngày. “Trồng bắp, mì, đậu nành… thu nhập không cao bằng hồ tiêu, điều nhưng đó là giải pháp tốt nhất trong khi chờ di dời. Trước kia, 2 ha điều tôi thu về ít nhất 150 triệu đồng/năm. Giờ chuyển sang trồng mì, mỗi năm chỉ được 40 triệu đồng” - chị Nhung than thở. 

Anh Nguyễn Văn Nam, ngụ xã Long An, kể: Gia đình anh tới sinh sống tại ấp 1, xã Suối Trầu từ sau năm 1975. Nhờ chịu khó khai hoang nên gia đình có được 3 ha đất trồng cây công nghiệp dài ngày, cuộc sống khá ổn định. Thế nhưng từ khi có quy hoạch sân bay, cuộc sống rơi vào khó khăn do gia đình không dám tiếp tục trồng mới cây công nghiệp.

“Hơn hai tháng trước, xã có gọi tôi lên kê khai đất đai, nhà cửa nhưng không cho biết khi nào sẽ di dời. Hiện chúng tôi rất hoang mang, không hiểu khi ra khu tái định cư, không có đất sản xuất thì gia đình sẽ sinh sống bằng cách nào” - anh Nam lo lắng.

Chị Lê Thị Hội, 55 tuổi, ngụ ấp 1, xã Suối Trầu, có ba sào đất, trong đó có 200 m2 thổ cư và đã kê khai từ hai năm trước. “Chỉ mong Nhà nước bồi thường thỏa đáng để người dân yên tâm làm ăn. Hiện tôi rất hoang mang vì chưa biết bao giờ sẽ di dời, di dời về đâu và làm gì để sinh sống nữa. Xã có tổ chức dạy nghề (nấu ăn) cho người lớn tuổi như tôi nhưng dạy sơ sài nên học xong chưa thể sống với nghề được” - chị Hội nói.

Nghe vậy, chị Nguyễn Thị Nhung bày tỏ thêm: Lâu nay thu nhập từ 2 ha cà phê, tiêu, điều vẫn đủ để cho con cái ăn học. Nếu bây giờ nhà, vườn bị giải tỏa trắng thì cuộc sống sẽ rất khó khăn. “Tôi có tuổi rồi, bây giờ đi làm công nhân cũng không ai nhận nữa, lại không có nghề nghiệp gì cả, xưa nay chỉ biết làm ruộng, khi ra tái định cư không có đất thì không biết tính sao nữa” - chị Nhung thở dài.

4.500 hộ dân phải di dời. Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được quy hoạch trên diện tích 5.000 ha thuộc địa bàn sáu xã Long An, Bình Sơn, Cẩm Đường, Suối Trầu, Bàu Cạn, Long Phước (huyện Long Thành, Đồng Nai). Có khoảng 4.500 hộ dân với trên 15.000 nhân khẩu buộc phải di dời, nhường mặt bằng cho dự án. Theo UBND tỉnh Đồng Nai, có tới hơn 3.900 căn nhà nằm trong vùng quy hoạch. Tổng diện tích đất phải thu hồi của các hộ dân là hơn 3.000 ha, trong đó đất trồng cây hằng năm và lâu năm chiếm 95%. Có ba nghĩa trang phải di dời với khoảng 2.000 ngôi mộ. Tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ dự kiến trên 13.000 tỉ đồng, trong đó bồi thường, hỗ trợ về đất trên 6.680 tỉ đồng; nhà và vật kiến trúc trên 840 tỉ đồng.

Thành lập tổ giúp việc triển khai dự án. Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng vừa thành lập tổ giúp việc ban chỉ đạo triển khai dự án sân bay Long Thành. Tổ gồm 22 thành viên, do ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, làm tổ trưởng. Tổ giúp việc có nhiệm vụ theo dõi tiến độ, đôn đốc các đơn vị liên quan thực hiện dự án; kịp thời phát hiện những vướng mắc trong quá trình triển khai, báo cáo ban chỉ đạo đề xuất Chính phủ có giải pháp xử lý thích hợp.

TIẾN DŨNG - VIẾT LONG

Rất mong cơ quan chức năng cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến dự án và thời gian di dời cụ thể để chúng tôi chủ động sắp xếp cuộc sống. Chứ cứ sống trong cảnh đợi chờ, nơm nớp lo âu như thế này mãi khổ lắm.

Ông NGUYỄN VĂN HÙNG, xã Cẩm Đường,
huyện Long Thành, Đồng Nai

Chính quyền và người dân xã Long An đang rất lo lắng. Thực tế từ nhiều dự án cho thấy số tiền bồi thường khi thu hồi đất không đủ cho người dân ổn định cuộc sống. Họ sống tại khu tái định cư cũng khó khăn hơn trước. Do vậy Nhà nước cần xem xét mức bồi thường thỏa đáng cho người dân bị thu hồi đất, đồng thời có chính sách hỗ trợ phù hợp để người dân sớm ổn định lại cuộc sống.

Đại diện UBND xã Long An, huyện Long Thành, Đồng Nai

____________________________________

Kỳ sau: Dân sẽ được di dời tới đâu? Cuộc sống ở đó sẽ như thế nào?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm