Mục tiêu của kế hoạch là đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, bình ổn thị trường; ngăn chặn việc lợi dụng tình hình dịch để đầu cơ, găm hàng, tăng giá gây bức xúc trong dư luận xã hội…
Theo đó, Sở Công Thương phối hợp sở ngành chức năng, doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh trên địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch tạo nguồn, dự trữ, cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, đảm bảo nguồn cung chủ yếu từ ba nguồn chính.
Thứ nhất là nguồn hàng từ các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường chiếm 30%-40% thị phần. Các DN này tiếp tục chuẩn bị nguồn hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trong quý I tăng 30%-40% so cùng kỳ năm 2019 trong trường hợp dịch bệnh lan rộng.
Bên cạnh đó, các DN bình ổn thị trường đã có kế hoạch ứng phó, sẵn sàng cung ứng vượt 30%-50% kế hoạch thành phố giao. Đáng chú ý, một số DN như Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương đảm bảo cung ứng gạo đến tháng 1-2021; Công ty cổ phần Acecook Việt Nam đảm bảo nguồn cung, duy trì cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm chế biến như mì, phở, hủ tiếu… đến cuối năm 2020. Trong trường hợp dịch bệnh lan rộng cộng đồng, đơn vị sẽ tổ chức các chương trình cung cấp miễn phí các sản phẩm thực phẩm cho người tiêu dùng.
Thứ hai là nguồn hàng từ các chợ đầu mối chiếm 60%-70% thị phần. Ban quản lý chợ kịp thời thông tin về nhu cầu thị trường đến thương nhân, tăng cường công tác kiểm tra lượng hàng cung ứng, không để xảy ra hiện tượng khan hiếm hàng hóa cục bộ, tăng giá đột biến.
Thứ ba, các đơn vị khác là các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại xây dựng kế hoạch chuẩn bị dự trữ hàng hóa phục vụ phòng chống dịch, tăng lượng hàng dự trữ 2-3 lần so với tháng thường.
Các hệ thống siêu thị dự trữ hàng hóa tăng 2-3 lần so với tháng bình thường.
Theo Sở Công Thương, về ngắn hạn, Sở sẽ vận động, khuyến khích các DN trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, dự trữ, cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu gồm lương thực như gạo, mì gói; thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả... Cam kết cung ứng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn.
Trong tháng 2- , các DN sản xuất phối hợp hệ thống phân phối sẽ tổ chức bán hàng giảm giá 10%-15% tùy theo mặt hàng đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu.
Về dài hạn, sẽ phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh thực hiện việc thông tin thị trường để các DN tỉnh thành, tổ chức sản xuất hiệu quả, chăn nuôi, trồng trọt tập trung, gia tăng sản lượng. Tích cực tái đàn đảm bảo tuân thủ quy trình sản xuất thực phẩm an toàn, chăn nuôi theo quy trình VietGAP, Global G.A.P, Lifsap, đảm bảo nguồn cung, đáp ứng đúng nhu cầu thị trường của thành phố và cả nước.
Khuyến khích các DN bình ổn thị trường, DN sản xuất, kinh doanh thực phẩm đẩy mạnh thu mua các nguyên liệu, sản phẩm trong nước. Tăng cường dự trữ đối với thực phẩm chế biến, sản phẩm gia súc, gia cầm. Đồng thời, chuẩn bị phương án nhập khẩu các sản phẩm lương thực, thực phẩm khác thay thế, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa.
Nếu trong trường hợp dịch bệnh lan rộng, người dân có tâm lý dự trữ hàng hóa, Sở chủ động làm việc với các hệ thống phân phối có kế hoạch cung ứng hàng hóa theo phương thức phù hợp, tránh tình trạng đứt hàng cục bộ gây tâm lý hoang mang. Đồng thời vận động các DN có chính sách, chế độ chăm lo người lao động hợp lý để an tâm tăng gia sản xuất, đảm bảo nguồn thực phẩm cung ứng trong gia đoạn cấp bách.
Bên canh đó, Sở phối hợp Cục QLTT, UBND các quận huyện tăng cường kiểm tra. Kiên quyết xử lý việc chấp hành các quy định trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn nhằm phát hiện xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh, khan hiếm cục bộ để đầu cơ, tăng giá bất hợp lý. Đồng thời, ngăn chặn kịp thời các hành vi sản xuất, kinh doanh, buôn bán, hàng gian, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Nguồn cung trứng gia cầm nguồn 62,4 triệu quả/tháng và 187,1 triệu quả/ba tháng. Thực phẩm chế biến cung ứng 631,7 tấn/tháng và 1.895,1 tấn/ba tháng. Rau củ quả 6.409 tấn/tháng và 19.227 tấn/ ba tháng. Thịt gia súc 2.224,7 tấn/tháng và 15.674,1 tấn/ba tháng. Thịt gia cầm 11.780,6 tấn/tháng và 35.341,8 tấn/ba tháng... |