Sáng nay tòa tuyên án, cựu đại tá Phùng Anh Lê nói ‘kêu oan đến lúc chết thì thôi'

(PLO)- Trong lời nói sau cùng, cựu đại tá Phùng Anh Lê mong muốn tòa tuyên vô tội, nếu không bị cáo sẽ kêu đến cơ quan khác, “kêu đến lúc chết thì thôi”.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

10 giờ sáng nay (14-8), TAND TP Hà Nội sẽ tuyên án bốn bị cáo trong vụ tha người trái pháp luật và nhận hối lộ, xảy ra tại Công an quận Tây Hồ, Hà Nội.

Trước đó, tại phần tranh luận, đại diện VKS đề nghị tuyên phạt bị cáo Phùng Anh Lê (cựu trưởng Công an quận Tây Hồ) 9-10 năm tù về tội nhận hối lộ.

Ba bị cáo còn lại cùng bị đề nghị phạm tội tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù.

Nguyễn Đức Châu (cựu đội trưởng cảnh sát hình sự) bị đề nghị án tù bằng thời hạn tạm giam – tức 10 tháng 27 ngày, trả tự do tại tòa. Hai bị cáo Vũ Công Ngọc (cựu đội phó cảnh sát hình sự) và Lê Đình Trung (cựu đội phó cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp) cùng bị đề nghị 8-10 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Bị cáo Phùng Anh Lê, cựu trưởng Công an quận Tây Hồ. Ảnh: UYÊN TRANG

Bị cáo Phùng Anh Lê, cựu trưởng Công an quận Tây Hồ. Ảnh: UYÊN TRANG

‘Chúng tôi là nạn nhân của anh Lê’

Trong phần tự bào chữa, bị cáo Lê Đình Trung nói nhận thức được hành vi vi phạm của mình, tuy nhiên mong muốn HĐXX xem xét toàn diện vụ án để cho hưởng mức án nhẹ nhất.

Khi nhận được yêu cầu thả người của ông Lê, bị cáo đã gọi điện báo cáo cấp trên trực tiếp của mình là đội trưởng Đội cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, và được nói rằng “quận này của sếp cả”, “không thể làm khác được”. Tiếp đó, bị cáo gọi cho một phó trưởng Công an quận đồng thời là thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự, nhưng cũng chỉ bảo “anh em mình là lính, sếp chỉ đạo thì phải thực hiện”.

Theo bị cáo Trung, vì nhận thức được việc thả người không đúng thủ tục, đã báo cáo cấp trên trực tiếp, thậm chí báo cáo vượt cấp lên phó trưởng Công an quận, nhưng không ai có sự phản hồi mà chỉ nói phải chấp hành, do vậy bị cáo không thể làm khác được.

“Bản thân tôi, hay anh Châu, anh Ngọc đều là nạn nhân của anh Lê” – bị cáo nói và khẳng định không vì mục đích gì ngoài thực hiện mệnh lệnh của cấp trên.

Tương tự, hai bị cáo Nguyễn Đức Châu và Vũ Công Ngọc cũng cho rằng đã báo cáo sự việc với cấp trên của mình là các phó trưởng Công an quận Tây Hồ. Các bị cáo không có thẩm quyền báo cáo sang VKS, trừ khi vụ án đã phân công cho điều tra viên thụ lý.

“Việc chấp hành mệnh lệnh của thủ trưởng là cấp dưới phục tùng cấp trên, đúng điều lệnh CAND. Tôi chỉ là người xuống nhận bàn giao người, không tác động, không có thẩm quyền trong việc quyết định và thực hiện thả người” – bị cáo Ngọc nói.

Bị cáo Lê Đình Trung, cựu đội phó cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp. Ảnh: UYÊN TRANG

Bị cáo Lê Đình Trung, cựu đội phó cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp. Ảnh: UYÊN TRANG

Cựu đại tá nói “kêu oan tới lúc chết”

Về phía mình, cựu đại tá Phùng Anh Lê cho rằng đại diện VKS đánh giá không khách quan vụ việc, các chứng cứ vật chất chưa thuyết phục.

“Nếu tôi bị tuyên một năm hay 10 năm cũng như nhau, bởi tôi không có tội. Nếu tuyên tôi có tội, tôi sẽ kêu oan, chống án tới cùng” và “trước khi chết tôi sẽ di chúc cho vợ tôi, các con tôi kêu oan bằng được, bởi đây là danh dự của cả dòng họ nhà tôi" – bị cáo nói.

Trước HĐXX, cựu trưởng Công an quận Tây Hồ nhiều lần khẳng định không chỉ đạo thả người trái pháp luật, cũng không nhận hối lộ số tiền 110 triệu đồng.

Theo bị cáo, nếu có trường hợp phó thủ trưởng cơ quan điều tra Công an quận Tây Hồ ký quyết định tạm giữ Nguyễn Hữu Tài, với thẩm quyền của trưởng công an quận kiêm thủ trưởng cơ quan điều tra, bị cáo hoàn toàn có quyền ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ đó. "Vậy thì việc gì tôi phải tự từ bỏ quyền đó của mình", cựu đại tá phản bác.

Bị cáo còn nói bản thân vướng lao lý là do nhân chứng Phùng Văn Bảy (chú họ) đã khai không trung thực về việc nhận tiền rồi đưa hối lộ. Cựu trưởng công an quận Tây Hồ có lúc hỏi chú họ mình “có dám giơ tay lên thề trước HĐXX, những người tham dự phiên tòa và thề trước mạng sống của mình rằng hôm đó có đưa cho tôi 110 triệu không?”.

Đại diện VKS khẳng định việc buộc tội các bị cáo là có căn cứ pháp luật. Ảnh: UYÊN TRANG

Đại diện VKS khẳng định việc buộc tội các bị cáo là có căn cứ pháp luật. Ảnh: UYÊN TRANG

“Chúng tôi không làm vụ án cho nó đẹp

Đối đáp lại các bị cáo và luật sư, đại diện VKS nhận định “chẳng ai đang làm công an lại đi nhận tội để vào tù ngồi cả, trừ khi có sự việc xảy ra, có vi phạm xảy ra” để khẳng định lời khai của ba bị cáo Châu, Ngọc, Trung về việc ông Lê chỉ đạo thả người, là khách quan.

Theo kiểm sát viên, sau năm năm vụ án tha người trái pháp luật mới được làm rõ, việc người liên quan có những lời khai khác nhau là điều khó tránh khỏi. Điều đó để cho thấy cơ quan điều tra VKSND Tối cao không nắn chỉnh, thể hiện sự khách quan trong công tác tố tụng.

"Chúng tôi không làm vụ án cho nó đẹp, cho nó tròn mà là làm đúng", kiểm sát viên nhấn mạnh.

Đại diện VKS cũng khẳng định không chỉ dựa vào lời khai duy nhất của ông Phùng Văn Bảy để buộc tội bị cáo Lê, mà còn sử dụng hệ thống chứng cứ có tính logic, câu chuyện “có đầu, có đuôi”, phù hợp với diễn biến khách quan của vụ án.

Trong đó, hai bị cáo Trung và Ngọc là “nhân chứng sống” thể hiện hành vi của bị cáo Lê. Bị cáo Ngọc xuống nhà tạm giữ đề nghị ông Trung thả người theo yêu cầu của bị cáo Lê. Bị cáo Ngọc còn gọi điện thoại cho bị cáo Lê, rồi mở loa ngoài để bị cáo Lê chỉ đạo bị cáo Trung thả người.

"Riêng tội phạm này, không có ai mà đi quay phim, chụp ảnh việc đưa hối lộ cho người khác. Việc làm đó là cực kỳ kín đáo và không có dấu vết...", đại diện VKS phân tích.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm