Sau 2 tháng, Nga vẫn kiên trì tìm tàu ngầm Argentina

Lực lượng hải quân Argentina cho hay các chuyên gia Nga vận hành tàu ngầm điều khiển từ xa Panther Plus, cùng với tàu hải quân Islas Malvinas sẽ được triển khai từ căn cứ hải quân Ushuaia về lại khu vực nơi tàu ngầm ARA San Juan mất tích để tiếp tục chiến dịch tìm kiếm.

Tàu Islas Malvinas, tạm thời được rút khỏi chiến dịch tìm kiếm từ ngày 4-1, dự kiến sẽ đến khu vực tìm kiếm vào ngày 17-1. Chiến dịch tìm kiếm tàu ARA San Juan mất tích cùng 44 thủy thủ hiện có sự tham gia của tàu hộ tống Spiro của Argentina và tàu nghiên cứu hải dương Yantar của Nga.

Tàu ngầm Argentina ARA San Juan mất tích ngày 15-11 cùng 44 thủy thủ trên tàu. Ảnh: AP

Tàu Nga trước đó cho biết đã phát hiện một vật thể dài 60 m ở độ sâu 477 m nơi tàu ngầm mất tích, tuy nhiên đã xác nhận vật thể này không phải từ tàu ARA San Juan.

Tàu ngầm điện-diesel ARA San Juan của hải quân Argentina mất tích trên vùng biển phía Nam Argentina, hướng ra Đại Tây Dương vào ngày 15-11 khi đang đi từ một căn cứ ở quần đảo Tierra del Fuego đến căn cứ Mar del Plata, cách thủ đô Buenos Aires khoảng 400 km. Lúc gặp nạn, trên tàu có 44 thủy thủ, bao gồm nữ thủy thủ tàu ngầm đầu tiên của Argentina.

Chiến dịch tìm kiếm tàu bắt đầu từ ngày 16-11 nhưng chưa mang lại kết quả. Hải quân Argentina cho biết tàu ngầm ARA San Juan đã báo cáo gặp sự cố pin trước khi mất tích. Lực lượng Mỹ tham gia tìm kiếm cũng xác nhận vài giờ sau đó, một âm thanh giống như một vụ nổ được phát hiện gần nơi tàu ARA San Juan báo tin lần cuối.

Cuối tháng 11, hải quân Argentina tuyên bố ngừng chiến dịch cứu hộ thủy thủ để tập trung tìm kiếm xác tàu, vì hy vọng sống sót của các thủy thủ gần như không còn.

Hải quân Mỹ trong tuần này đưa ra báo cáo cho biết tàu ARA San Juan đã bị nổ tung trong vòng chưa đến 0,04 giây ở độ sâu 468 m. Vụ nổ có sức công phá tương đương với 5.669 kg thuốc nổ TNT, do đó các thủy thủ trên tàu đã "thiệt mạng ngay tức khắc".

Cũng theo báo cáo này, toàn bộ phần thân tàu chìm xuống đáy Đại Tây Dương với tốc độ 18-24 km/giờ và vụ va chạm với đáy biển không gây tiếng động đủ lớn để xuất hiện trên cảm biến thủy âm ở khoảng cách xa. Hải quân Argentina hiện chưa có bình luận về thông tin trên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới