Sau vụ học sinh quây cô giáo, cử tri đề nghị xây dựng luật để bảo vệ giáo viên

(PLO)- Cử tri đề nghị Quốc hội xây dựng luật và có biện pháp bảo vệ giáo viên sau vụ học sinh quây cô giáo ở Tuyên Quang.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng nay (7-12), Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị TP Đà Nẵng tiếp xúc cử tri các quận Sơn Trà, Hải Châu, Thanh Khê và Cẩm Lệ để báo cáo kết quả kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khoá XV. Lần tiếp xúc này có 14 ý kiến trực tiếp và một số ý kiến khác sẽ được ghi nhận, tiếp thu để trả lời bằng văn bản.

Phẫn nộ trước việc học sinh bạo hành cô giáo

Trong các ý kiến sáng nay, đáng chú ý là cử tri rất phẫn nộ trước hành động học sinh quây cô giáo của nhóm học sinh ở Trường THCS Văn Phú (Tuyên Quang) khi có hành động quây cô giáo khiến cộng đồng mạng sục sôi mấy ngày qua.

sau-vu-hoc-sinh-quay-co-giao-cu-tri-de-nghi-xay-dung-luat-de-bao-ve-giao-vien.jpg
Cử tri Đà Nẵng bức xúc vụ học sinh quây cô giáo. Ảnh: LÊ PHI.

Cử tri Nguyễn Thanh Ngọc (phường Tân Chính, quận Thanh Khê) cho rằng, thời gian qua tình trạng bạo hành học sinh, bạo hành các giáo viên xảy ra liên tục, trong đó vụ học sinh quây cô giáo mới đây. Đây là câu chuyện dài nhiều tập, vì vậy nhà nước cần phải có giải pháp căn cơ, làm mạnh tay để giải quyết các bất cập của ngành giáo dục. Để ngành giáo dục trở thành quốc sách hàng đầu của đất nước, được nhân dân tin cậy.

Cùng quan điểm, cử tri Hồ Thế Phấn (phường Hoà Xuân, quận Cẩm Lệ) lo lắng: “Tôi không hiểu điều gì đang xảy ra với ngành giáo dục của chúng ta khi học sinh quây cô giáo như thế. Một cô giáo yếu đuối không thể nào chống đỡ, bất lực và không ai bảo vệ cô ấy”.

Từ đó, ông Phấn đề nghị Quốc hội xem xét lại các điều luật, dựa trên nền tảng giáo dục bản sắc dân tộc, tôn sư trọng đạo của đất nước đã có 4.000 năm văn hiến. “Tiên học lễ, hậu học văn. Dân tộc ta đã duy trì cái đó. Bây giờ chúng ta phải bảo vệ cái đó như thế nào?”, ông Phấn kiến nghị.

Theo vị cử tri này, nếu như cô giáo đụng đến các em học sinh, phản kháng lại thì chắc chắn sẽ bị cha mẹ, phụ huynh, cộng đồng lên án ngay.

“Phải xem lại các điều luật. Vì đây là các thầy cô giáo trồng người và những đứa trẻ đó là tương lai đất nước. Ngày xưa thế hệ chúng tôi thấy thầy cô giáo từ xa là đứng dậy chào rồi, không dám rục rịch. Chứ bây giờ là bạo lực từ dưới lên trên”, ông Phấn bức xúc.

Cần có luật để bảo vệ các thầy cô giáo

Ngoài các ý kiến trên, nhiều cử tri cũng đề nghị Quốc hội xem lại vấn đề in ấn sách giáo khoa, giá cả quá đắt đỏ, nhiều bộ sách học xong rồi không thể sử dụng tiếp. Giáo dục thì nghiêng về lý thuyết gây quá tải nhưng lại thiếu các kỹ năng.

thầy cô giáo
Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội trả lời ý kiến cử tri về giáo dục. Ảnh: LÊ PHI.

Trả lời cử tri, ông Nguyễn Duy Minh, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách TP Đà Nẵng, cho hay sẽ tiếp thu ý kiến của các cử tri về các vấn đề đang diễn ra trong ngành giáo dục. Những sự việc vừa qua là rất đáng lo ngại. Việc này xuất phát từ nguyên nhân gia đình, xã hội và cả nhà trường.

“Tình trạng bạo lực học đường phổ biến từ các em ở độ tuổi có sự thay đổi về thể chất, biến đổi về tâm sinh lý, cộng với những tác động từ bên ngoài. Nếu chúng ta không có những giải pháp để giáo dục, ngăn chặn các tác động tiêu cực đến các em học sinh thì rất dễ xảy ra bạo lực học đường”, ông Minh nói.

Phó chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội, bà Nguyễn Thị Kim Thúy cũng cho biết, thời gian qua công tác quản lý giá, xuất bản, lưu hành sách giáo khoa đã có nhiều tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn một số khâu yếu như công tác quản lý về giá mà cử tri phản ánh. Trong đó, khâu kê khai, niêm yết giá đều có nhiều vấn đề.

“Do đó, Luật Giá được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2024 tới đây có quy định sách giáo khoa các cấp sẽ do nhà nước định giá”, bà Thuý nói.

Xem thêm clip:

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm