Ngày 3-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) họp cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015. Một trong những điểm đáng chú ý là dự thảo Chính phủ trình đã bỏ Điều 292 quy định về tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông.
“Tôi đồng ý với đề xuất này của Chính phủ. Cộng đồng doanh nghiệp cũng rất hoan nghênh. Nếu để điều luật này có khi lại không hợp với chủ trương khuyến khích phát triển công nghệ thông tin ở nước ta. Điều luật này mông lung lắm. Đây là điều khi BLHS 2015 thông qua bị nói nhiều nhất, trước cả khi phát hiện ra sai sót trong bộ luật này” - Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Cộng đồng doanh nghiệp rất hoan nghênh đề xuất bỏ tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng. Ảnh: HTD
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết đa số ý kiến của ủy ban tán thành việc bỏ Điều 292. Theo bản thuyết minh của Chính phủ, BLHS 2015 đã bỏ tội kinh doanh trái phép so với BLHS năm 1999. Theo Điều 292 BLHS 2015, cùng một hành vi kinh doanh các lĩnh vực nêu tại điều này, nếu tiến hành trên mạng máy tính, mạng viễn thông sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, còn nếu không thực hiện trên mạng thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự là bất hợp lý. Cạnh đó, mạng máy tính, mạng viễn thông chỉ là công cụ để tiến hành kinh doanh với phạm vi đối tượng sử dụng rất rộng, bao gồm cả ở trong nước và nước ngoài. Do vậy, quy định như Điều 292 là không bảo đảm tính khả thi.
Tuy nhiên, theo bà Nga, cũng có ý kiến đề nghị giữ lại và đưa vào các chương tương ứng quy định hành vi cấm kinh doanh vàng tài khoản (đã được quy định tại Nghị định 24/2012); kinh doanh đa cấp bất chính (được quy định tại Nghị định 45/2014)… trên mạng máy tính, mạng viễn thông. Bởi lẽ phạm vi ảnh hưởng, tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi là cao cho xã hội, hậu quả lớn, rất khó khắc phục, cần phải có quy định để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm. Ý kiến này cũng đề nghị sửa đổi lại cấu thành tội phạm (mức thu lợi bất chính, doanh thu…) cho phù hợp.
Tập trung kiểm toán những dự án thất thoát lớn Chiều 3-10, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt dẫn lại việc 11 đoàn thanh tra, kiểm toán vào mà không phát hiện được sai phạm tại Vinashin và coi đây là một trong những hạn chế của công tác kiểm toán hiện nay. “Cơ chế đất nước mình tồn tại hai loại sổ sách, hai khoản chi tiêu, thu nhập. Tôi lấy ví dụ người ta bảo lương với lậu, lương thì ít mà lậu mới là chính. Rồi luật với lệ, ngoài luật ra còn có lệ, mà lệ lại chi phối, làm vô hiệu hóa luật” - ông Việt nói. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhận xét kết quả phối hợp kiểm toán với công tác phòng, chống tham nhũng rất hạn chế. Theo thống kê năm 2016, kiểm toán chưa phát hiện được vụ việc tham nhũng nào chuyển cơ quan điều tra. Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đề nghị cần tính tới khả năng con người, quỹ thời gian để lựa chọn các cuộc kiểm toán. Thượng tướng Võ Trọng Việt thì đề xuất kiểm toán tập trung xác định cơ chế “xin-cho” ở đâu và các công trình, dự án gây thất thoát lớn ngân sách nhà nước. |