Sẽ cảnh báo nếu tài xế vi phạm về thời gian lái xe

(PLO)- Dự thảo về thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô được Bộ GTVT bổ sung nhiều điểm mới nhằm cảnh báo tài xế vi phạm. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ GTVT đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô (sửa đổi, bổ sung QCVN 31:2014/BGTVT).

Dự thảo được Bộ GTVT đề xuất một số điểm mới sau thời gian áp dụng chính thức về thiết bị giám sát hành trình trên xe ô tô.

Bổ sung nhiều quy định mới

Tại dự thảo, đơn vị soạn thảo bổ sung định nghĩa về hành trình xe chạy, được xác định bởi điểm đi, điểm đến, các tuyến đường bộ, các điểm dừng, đỗ trên tuyến đường (được xác định cụ thể về thời gian, tọa độ/địa điểm) mà phương tiện đi qua.

Đồng thời định nghĩa về quá thời gian lái xe liên tục được xác định khi người lái xe điều khiển phương tiện liên tục từ 4 giờ trở lên nhưng không dừng nghỉ theo quy định.

Bộ GTVT đề xuất bổ sung chức năng cảnh báo đối với trường hợp lái xe không thực hiện đăng nhập hoặc đăng nhập không thành công khi điều khiển xe.

Đồng thời bổ sung quy định về tốc độ cài đặt trên TBGSHT để các đơn vị có cơ sở cài đặt cảnh báo quá tốc độ cho phương tiện theo điều kiện thực tế và theo quy định tại Thông tư số 31/2019. Cụ thể, tốc độ giới hạn được cài đặt trên thiết bị trên cơ sở tốc độ tối đa cho phép đối với từng loại xe cơ giới tham gia giao thông trên đường đôi, đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên ngoài khu vực đông dân cư (trừ đường cao tốc) hoặc tốc độ tối đa theo từng cung đường trên bản đồ số.

Bộ GTVT bổ sung một số tính năng cho giám sát hành trình trên xe ô tô.
Bộ GTVT bổ sung một số tính năng cho giám sát hành trình trên xe ô tô. Ảnh: PLO

Để phục vụ việc cảnh báo vi phạm thời gian lái xe của tài xế, dự thảo quy chuẩn cũng bổ sung quy định về cài đặt thời gian lái xe liên tục.

Theo dự thảo quy chuẩn, đã bỏ yêu cầu tương thích với các hệ điều hành Microsoft Windows để phần mềm có thể xây dựng trên nhiều nền tảng, đồng thời, làm rõ quy định về phông chữ.

Cụ thể, phần mềm quản lý, khai thác của đơn vị kinh doanh vận tải phải cài đặt trên máy tính; có giao diện tiếng Việt; dữ liệu nhập, chuyển đổi vào phần mềm phải sử dụng phông chữ Unicode TCVN 6909:2001 và gõ dấu tiếng Việt.

Phần mềm phải có 3 tính năng gồm: Tính năng giám sát trực tuyến, hiển thị các thông tin vị trí xe trên bản đồ số, biển số xe, thông tin lái xe hiện tại (tên lái xe và số GPLX), tốc độ tức thời, tổng số lần quá tốc độ, số lần và thời gian dừng đỗ, thời gian lái xe liên tục và tổng thời gian lái xe trong ngày của lái xe đó.

Tính năng quản lý, khai thác dữ liệu, truy cập, tìm kiếm, lập bảng biểu, báo cáo, thống kê các dữ liệu theo quy định của Bộ GTVT về cung cấp, quản lý và sử dụng dữ liệu từ TBGSHT của xe ô tô.

Tính năng thông báo trạng thái hoạt động của TBGSHT, phần mềm phải hiển thị được trạng thái của thiết bị tương ứng lắp trên xe hoạt động bình thường hoặc mất tín hiệu quá 30 phút.

Cần bổ sung thiết bị phù hợp từng loại xe

Trao đổi với PLO, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô hành khách TP.HCM, cho rằng việc lắp đặt giám sát hành trình để giám sát các phương tiện vận tải trong quá trình hoạt động là tốt, đặc biệt là đối với các đơn vị tư nhân có lượng phương tiện nhiều.

“Ví dụ một đơn vị vận hành 5-7 xe thì không cần quản lý chỉ cần ở nhà vẫn có thể kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên đòi hỏi bộ phận điều hành hoạt động thường xuyên, kết nối thường xuyên chứ lắp đặt theo kiểu “đối phó” thì khá lãng phí”- ông Tính cho hay.

Ông Tính cũng nhận định Bộ GTVT bổ sung tích hợp thêm các điểm mới của dự thảo này là vừa tiện lợi cho chủ xe và sự kết nối, truyền tải thông tin đến cơ quan quản lý dữ liệu là phù hợp hơn.

lap-camera-khoang-hanh-khach_SAMA.jpg
Dự thảo quy định giám sát hành trình có thể cảnh báo vi phạm thời gian lái xe của tài xế. Ảnh: THY NHUNG

Đại diện một đơn vị vận tải tại TP.HCM cho biết bất cập trong quá trình vận hành của giám sát hành trình là hiện nay các loại này đều dùng chung cho các dòng xe kinh doanh vận tải. Trong khi đó, một số quy định về luật giao thông đường bộ giữa các loại xe khác nhau.

Vị này đưa ra ví dụ, trên một cung đường sẽ cho phép xe kinh doanh vận tải dưới 16 chỗ đi vào còn xe tải hạng nhẹ không được. Hay giới hạn tốc độ trên một số tuyến đường cũng có sự khác nhau giữa xe chở hàng hoá và xe chở khách.

“Hiện nay các loại giám sát hành trình chưa cập nhật được sự nhận diện này nên nhiều lái xe sẽ không biết được mình đang vi phạm luật giao thông”- vị này cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm