Sẽ có 5 quảng trường quanh hồ Thiền Quang, Hà Nội

(PLO)- Nhiều chuyên gia tán thành việc cải tạo chỉnh trang lại cảnh quan, kiến trúc quanh khu vực hồ Thiền Quang vốn đã cũ nát, xuống cấp nhưng cần gia tăng diện tích cây xanh, tránh bê tông hóa.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

UBND quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đang tổ chức lấy ý kiến của người dân về đồ án thiết kế đô thị khu vực xung quanh hồ Thiền Quang, tỉ lệ 1/500. Hồ sơ đồ án đã được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của quận, đồng thời bản vẽ cũng được công khai tại trụ sở UBND hai phường Nguyễn Du và Lê Đại Hành để công chúng đóng góp ý kiến trong thời gian 30 ngày.

Thiết kế 13 khu vực

Theo thuyết minh của đồ án, khu đất nghiên cứu lập thiết kế đô thị rộng 11,7 ha, nằm trên hai phường Nguyễn Du và Lê Đại Hành. Phía bắc khu vực này giáp đường Nguyễn Du, phía tây giáp phố Trần Bình Trọng, phía đông giáp phố Quang Trung và phía nam giáp phố Trần Nhân Tông.

Đơn vị tư vấn đề xuất thiết kế đô thị với 13 khu vực, trong đó có điểm nhấn là năm quảng trường xung quanh hồ. Trong đó, quảng trường trung tâm nằm ở phía đường Trần Nhân Tông, giáp Công viên Thống Nhất, là khu văn hóa nghệ thuật đa năng, trung tâm buôn bán, giao thương hàng hóa và nơi dừng nghỉ cho du khách. Quảng trường này cũng kết nối với Công viên Thống Nhất và các khu vực khác.

Bốn quảng trường Xuân, Hạ, Thu, Đông được xây gần bốn góc hồ Thiền Quang. Trong đó, quảng trường mùa Xuân, mùa Hạ nằm ở hai góc hồ phía đường Trần Nhân Tông sẽ diễn ra sự kiện, hoạt động chính với không gian mở để ngắm toàn cảnh hồ. Quảng trường mùa Thu giáp ngã tư Nguyễn Du - Quang Trung với các hoạt động vui nhộn. Quảng trường mùa Đông, đầu ngã tư Nguyễn Du - Trần Bình Trọng, là không gian chuyển tiếp giữa công viên ven hồ và cụm ba chùa Thiền Quang - Quang Hoa - Pháp Hoa, các hoạt động sẽ tĩnh hơn như chơi cờ, thể dục, câu cá.

Khu vực dự kiến sẽ làm bậc thềm ngắm toàn cảnh hồ Thiền Quang sau khi chỉnh trang, cải tạo lại. Ảnh: TRỌNG PHÚ
Khu vực dự kiến sẽ làm bậc thềm ngắm toàn cảnh hồ Thiền Quang sau khi chỉnh trang, cải tạo lại. Ảnh: TRỌNG PHÚ

Đồ án cũng nêu định hướng thiết kế đài phun nước ở giữa hồ. Khu biểu diễn nhạc nước gần bờ phía đường Trần Nhân Tông. Để người dân và du khách có thể nghỉ ngơi thư giãn và xem nhạc nước, sát hồ sẽ được xây bậc thềm ngắm cảnh.

Theo UBND quận Hai Bà Trưng, hiện trạng hồ Thiền Quang và vỉa hè có rất ít tiện ích công cộng và dịch vụ thương mại, cơ sở hạ tầng đã cũ, lỗi thời và xuống cấp, nhiều khu vực mất mỹ quan, nhất là khu vực công trình Cung Thanh Niên (nằm ven hồ) đã cũ, hình thức và công năng không còn phù hợp với hiện tại. Do vậy, việc chỉnh trang khu vực xung quanh hồ là cần thiết với mục tiêu phát huy giá trị cảnh quan thống nhất với Công viên Thống Nhất. Đồng thời tạo ra một không gian mở, thân thiện, hiện đại để phục vụ người dân và du khách, phục vụ các hoạt động chính của tuyến phố đi bộ Trần Nhân Tông cũng như hoạt động chung của quận.

P9-Bai_TrongPhu_hothienquang -h2-thylan.docx.jpg
Phối cảnh khu vực hồ Thiền Quang sau khi được cải tạo. (Ảnh do đơn vị tư vấn cung cấp)

Tránh bê tông hóa

Hầu hết các chuyên gia, kiến trúc sư đều tán thành với chủ trương quy hoạch, chỉnh trang lại kiến trúc, cảnh quan xung quanh hồ Thiền Quang để phục vụ người dân, du khách tốt hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý quá trình cải tạo, chỉnh trang cảnh quan xung quanh hồ cần phát huy được giá trị của các di tích văn hóa ven hồ, tăng diện tích vườn hoa, cây xanh, tránh bê tông hóa tạo cảm giác ngột ngạt.

TS - kiến trúc sư (KTS) Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho hay đây là khu vực có dấu ấn của các công trình di tích văn hóa trong nhiều giai đoạn lịch sử. Điển hình là cụm di tích ba ngôi chùa từ lâu đời (gồm các chùa Thiền Quang, Quang Hoa, Pháp Hoa), các biệt thự cũ mặt phố Nguyễn Du, Quang Trung, công trình Nhà văn hóa Học sinh, sinh viên Hà Nội thuộc giai đoạn sau hòa bình lập lại. Bên cạnh đó, đây cũng là khu vực liên kết với Công viên Thống Nhất, biểu tượng thể hiện mong muốn của nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân Hà Nội nói riêng về thống nhất đất nước.

“Với những đặc thù như vậy, khi lập đồ án, quận Hai Bà Trưng cần hết sức lưu tâm để lúc đưa vào khai thác, sử dụng có thể đạt được đa mục tiêu chứ không chỉ nhằm tạo không gian vui chơi, giải trí. Đặc biệt, cần lấy người dân làm trung tâm trong khai thác, sử dụng và cần quan tâm đến ý kiến của người dân sống trong khu vực, coi đó là yếu tố cơ bản, quyết định phương án thiết kế” - ông Nghiêm góp ý.

KTS Ngô Doãn Đức, nguyên Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, cho rằng nên gia tăng diện tích cây xanh, vườn hoa xung quanh hồ Thiền Quang. “Do thiếu cây xanh, ao hồ nên người dân thủ đô luôn cảm thấy ngột ngạt. Vì vậy, trong quá trình cải tạo hồ Thiền Quang cần đặc biệt lưu ý đến việc không xây dựng quá nhiều công trình, đá hóa, bê tông hóa ven hồ” - ông Đức nói.

Ông Đức cũng cho rằng xung quanh hồ Thiền Quang không nhất thiết cần tới năm quảng trường như thiết kế. Nơi đây chỉ cần một quảng trường đủ lớn để phục vụ người dân vui chơi, giải trí, tổ chức các sự kiện văn hóa. “Nếu làm năm quảng trường, hồ Thiền Quang sẽ không có điểm nhấn, cảnh quan cũng sẽ bị chia vụn. Đồng thời nhồi nhét quá nhiều công trình, bê tông hóa ven hồ tạo cảm giác ngột ngạt, nặng nề” - ông Đức góp ý.•

Trước đó vào tháng 9-2023, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định 4546 phê duyệt nhiệm vụ thiết kế đô thị riêng khu vực xung quanh hồ Thiền Quang.

Mục tiêu của thiết kế đô thị riêng khu vực xung quanh hồ Thiền Quang nhằm đề xuất giải pháp tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan hài hòa giữa khu vực xây mới và khu vực cải tạo chỉnh trang, nghiên cứu vị trí điểm nhấn kiến trúc tạo bộ mặt đô thị; đề xuất giải pháp chỉnh trang công trình về biển hiệu, biển quảng cáo, màu sắc công trình… ở các tuyến phố ven hồ; tổ chức không gian cảnh quan không gian đi bộ, không gian văn hóa khu vực phố Trần Nhân Tông; cải tạo cây xanh, đường dạo, các tiện ích đô thị và hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại khu vực xung quanh hồ Thiền Quang; tổ chức không gian, bảo tồn lại cụm di tích ba ngôi chùa. Khớp nối đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm và nổi của đồ án với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm