Sẽ có Trường Luật trực thuộc Đại học Cần Thơ

(PLO)- Dự kiến đến năm 2030, khoa Luật sẽ trở thành Trường Luật thuộc Đại học Cần Thơ.

Ngày 23-10, Khoa Luật Trường đại học Cần Thơ tổ chức Hội thảo phát triển công tác đào tạo tại đơn vị trong bối cảnh mới.

Hội thảo nhằm lắng nghe ý kiến của những nhà nghiên cứu, chuyên gia thực tiễn, nhà tuyển dụng... Từ đó, xác định hướng trọng tâm trong cải tiến chương trình đào tạo đại họcvà sau đại học, cạnh đó, tìm ra phương pháp nâng cao công tác đào tạo tại đơn vị.

Dự kiến năm 2030 sẽ có Trường Luật thuộc Đại học Cần Thơ

Dự kiến năm 2030 khoa Luật sẽ trở thành Trường Luật thuộc Đại học Cần Thơ
TS Lê Văn Lâm, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Cần Thơ phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: CHÂU ANH

Phát biểu chào mừng TS Lê Văn Lâm, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Cần Thơ đánh giá việc khoa Luật tổ chức Hội thảo để lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học nhằm hoàn thiện hơn công tác đào tạo cho đơn vị việc đáng biểu dương. Qua đó, ngày càng nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu của xã hội, của nhà tuyển dụng ngày càng tốt hơn.

Theo PGS. TS Phan Trung Hiền, Trưởng Khoa Luật Trường đại học Cần Thơ, năm 2022, chương trình đào tạo ngành Luật trình độ đại học đã hoàn thành đánh giá ngoài. Từ đó, đã nhận được Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng chương trình đào tạo “Đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành”.

Đến năm 2024, chương trình đào tạo ngành Luật Kinh tế trình độ Thạc sĩ được tiến hành đánh giá ngoài giai đoạn 2019-2023 theo tiêu chuẩn đánh giá chất lượng các chương trình đào tạo của Bộ GD&ĐT. Dự kiến đến năm 2030, khoa Luật sẽ trở thành Trường Luật thuộc Đại học Cần Thơ. Và tầm nhìn đến năm 2045 sẽ trở thành một trong các đơn vị đào tạo hàng đầu về chất lượng đào tạo luật ở Việt Nam.

truong-dai-hoc-can-tho-hoi-thao-5.jpg
Theo PGS. TS Phan Trung Hiền, Trưởng Khoa Luật Trường đại học Cần Thơ dự kiến đến năm 2030 khoa Luật sẽ trở thành Trường Luật thuộc Đại học Cần Thơ. Ảnh: CHÂU ANH

“Để đảm bảo chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực cho xã hội, Khoa Luật luôn chú trọng việc tiếp nhận thông tin đóng góp, phản hồi từ các bên liên quan. Qua đó, có thêm cơ sở trong việc điều chỉnh, bổ sung, thiết kế, phát triển chương trình đào tạo đảm bảo chất lượng tốt nhất.

Khoa Luật tổ chức Hội thảo này để lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà tuyển dụng, người học và cựu người học về công tác đào tạo tại đơn vị trong thời gian qua. Từ đó, xác định hướng trọng tâm trong cải tiến chương trình đào tạo, tìm ra những giải pháp tối ưu để nâng cao chất lượng đào tạo trong bối cảnh đẩy mạnh cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế” - PGS. TS Phan Trung Hiền nhấn mạnh.

Xây dựng các môn học mới phù hợp với xu hướng phát triển

Báo cáo tham luận tại Hội thảo Viện sĩ, PGS.TS Nguyễn Văn Điện, Trường đại học Quốc gia TP.HCM nhận định chương trình đào tạo của khoa Luật Trường đại học Cần Thơ có những nét rất riêng so với các cơ sở đào tạo luật trong nước. Phương pháp giảng dạy cũng được xây dựng theo hướng hiện đại và hội nhập.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay, việc đào tạo về luật ở Việt Nam nói chung và ở Trường đại học Cần Thơ nói riêng cũng phải được cải cách tương ứng để phục vụ tốt các yêu cầu chung.

truong-dai-hoc-can-tho-hoi-thao-1.jpg
Viện sĩ, PGS.TS Nguyễn Văn Điện, Trường đại học Quốc gia TP.HCM nhận định chương trình đào tạo của khoa Luật Trường đại học Cần Thơ có những nét rất riêng so với các cơ sở đào tạo luật trong nước. Ảnh: CHÂU ANH

PGS.TS Nguyễn Văn Điện cũng chỉ ra hướng hoàn thiện cho việc đào tạo luật ở Khoa Luật Trường đại học Cần Thơ. Đó là trung thành với quan điểm xây dựng chương trình đào tạo luật phản ánh bức tranh đời sống pháp lý của chủ thể. Cạnh đó, tiếp tục đầu tư vào các môn học tạo thành nét đặc trưng của chương trình đào tạo luật tại Trường đại học Cần Thơ.

Đồng thời, xây dựng các môn học mới phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội hiện đại như: pháp luật về trí tuệ nhân tạo, tài sản số, phát triển xanh... Ngoài ra, cần khôi phục và hoàn thiện môn luật so sánh; chú trọng trau dồi kỹ năng giao tiếp chuyên môn bằng ngoại ngữ...

Nhận xét về thực trạng trong đổi mới phương pháp giảng dạy, Ths Lâm Bá Khánh Toàn, Phó phòng Thanh tra - Pháp chế, Trường đại học Cần Thơ cho biết hiện trường vẫn chưa tổ chức lấy ý kiến giảng viên về các hoạt động dạy và học qua các học kỳ và định kỳ năm học.

Trong khi đây là hoạt động rất quan trọng và và cần thiết triển khai, vì hơn ai hết, giảng viên chính là người trực tiếp ứng dụng các phương pháp giảng dạy vào các học phần cụ thể, từ đó, cảm nhận được sự phù hợp, hiệu quả của các phương pháp giảng dạy.

“Việc lấy ý kiến giảng viên về các hoạt động dạy và học là cơ sở quan trọng để nâng cao hiệu quả, kịp thời đổi mới phương pháp giảng dạy” - Ths Lâm Bá Khánh Toàn cho biết thêm.

Cũng tại Hội thảo, đại biểu tham dự còn được nghe các tham luận về cải tiến chương trình Thạc sĩ Luật kinh tế thông qua hợp tác quốc tế; Đào tạo Thạc sĩ chuyên ngành Bất động sản tại Pháp và gợi mở cho Việt Nam trong bối cảnh hội nhập; Chuyển đổi chương trình đào tạo chuyên ngành Luật Hành chính sang ngành Luật...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm