Sẽ công bố danh sách chủ đầu tư nợ kéo dài trong xây dựng

(PLO)- Tình trạng nợ đọng xây dựng kéo dài, trầm trọng khiến nhiều nhà thầu xây dựng kiệt quệ tài chính, không có tiền để trả lương cho người lao động, tái đầu tư phát triển và tác động tiêu cực đến lĩnh vực kinh tế xây dựng. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 18-8, Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo Nợ đọng xây dựng - Kiến nghị giải pháp.

100 % nhà thầu bị nợ đọng xây dựng

Tại hội thảo, ông Nguyễn Hữu Ngọc, Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (Bộ Quốc phòng), cho biết nợ đọng xây dựng đang trở thành vấn đề nghiêm trọng nhiều năm qua đối với các nhà thầu xây dựng. Bản thân công ty của ông - đơn vị chuyên thi công những công trình có vốn từ ngân sách cũng không thoát được tình trạng phải đối mặt với những khoản nợ đọng kéo dài nhiều năm.

“Hiện chúng tôi có 1.280 hợp đồng có giá trị công nợ phải thu với tổng số nợ phải thu đến thời điểm 31-3-2022 là 1.539 tỉ đồng. Trong đó, công nợ các công trình chủ đầu tư là đơn vị vốn quản lý nhà nước là 1.004 tỉ đồng, doanh nghiệp tư nhân là 535 tỉ đồng. Nợ 1-3 năm là 506 tỉ đồng, nợ 3-5 năm là 539 tỉ đồng, nợ trên năm năm là 149 tỉ đồng” - ông Ngọc nói.

Ông Nguyễn Đình Tài, Tập đoàn Hòa Bình, cho biết tập đoàn cũng bị nợ đọng xây dựng rất nhiều, có những vụ nợ cả 10 năm, kêu hoài không được chủ đầu tư thanh toán. “Cực chẳng đã chúng tôi phải kiện ra tòa vì quá ngưỡng chịu đựng rồi” - ông Tài nói.

Đại diện Tập đoàn Hòa Bình cho hay một trong những nguyên nhân khiến tình trạng nợ đọng xây dựng kéo dài, ngày một thêm trầm trọng là cơ chế bất bình đẳng trong hợp đồng xây dựng giữa chủ đầu tư và nhà thầu. Trong đó, nhà thầu luôn nằm ở “kèo dưới” và nếu không chấp nhận tham gia ký kết thì tự vuột mất cơ hội kinh doanh.

“Đây là một sự bất hợp lý, vì nhà thầu làm trễ tiến độ thì bị chủ đầu tư phạt hợp đồng nhưng tiếp tục làm trong khi không được thanh toán nợ thì nhà thầu cạn kiệt về tài chính…” - ông Tài nói và đề nghị cần có giải pháp giải quyết tình trạng nợ đọng xây dựng từ căn bản để tháo gỡ khó khăn cho nhà thầu.

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch VACC Nguyễn Quốc Hiệp cho hay tình trạng nợ đọng xây dựng hiện nay rất lớn, phổ biến ở cả dự án sử dụng ngân sách nhà nước, dự án sử dụng vốn tư nhân. Kết quả khảo sát khoảng 2.000 nhà thầu xây dựng trên cả nước do VACC thực hiện thời gian qua cũng cho thấy 100% nhà thầu có nợ đọng xây dựng.

“Nếu tình trạng nợ đọng không giải quyết được thì 5-7 năm tới, doanh nghiệp xây dựng, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ biến mất. Vì vậy, đây là tiếng kêu cứu của ngành xây dựng mà cơ quan chức năng cần xem xét nghiêm túc” - ông Hiệp nói.

Chủ tịch VACC Nguyễn Quốc Hiệp cho biết sẽ tổng hợp các kiến nghị của nhà thầu để có văn bản kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành vào cuộc xử lý, gỡ vướng cho các nhà thầu. Ảnh: TRỌNG PHÚ

Chủ tịch VACC Nguyễn Quốc Hiệp cho biết sẽ tổng hợp các kiến nghị của nhà thầu để có văn bản kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành vào cuộc xử lý, gỡ vướng cho các nhà thầu. Ảnh: TRỌNG PHÚ

Nhà thầu nói không vi công trình có nguồn vốn từ ngân sách

Tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI, cho hay một trong những nguyên tắc căn bản của nền kinh tế thị trường là phải đảm bảo được quyền tài sản và quyền hợp đồng. Nếu quyền lợi hợp đồng không được bảo vệ thì các hoạt động kinh tế rủi ro, tạo thiệt hại trước mắt và dài hạn cho nền kinh tế.

Vấn đề nợ đọng xây dựng kéo dài và ngày càng trầm trọng khiến doanh nghiệp xây dựng gặp khó khăn về tài chính, không thể đầu tư để phát triển nhân lực cũng như công nghệ.

VACC sẽ phối hợp vi VCCI để đánh giá, xếp hạng chủ đầu tư và công bố thông tin công khai để giúp nhà thầu tránh được rủi ro phải đối mặt với chủ đầu tư yếu kém về tài chính hay chủ đầu tư có tiền sử nợ đọng.

“Tôi được biết tình trạng nợ đọng nhiều quá, đặc biệt là nợ đọng tại các dự án đầu tư công khiến nhiều nhà thầu nói không với công trình có nguồn vốn từ ngân sách. Nếu các nhà thầu lớn có năng lực, kinh nghiệm không tham gia nữa thì chất lượng của các công trình quốc gia sẽ như thế nào?” - ông Tuấn nói.

Để giải quyết vấn đề này, ông Tuấn cho rằng cần phải sửa đổi các quy định về xây dựng, đấu thầu. Chẳng hạn như tăng cường vai trò của nhà thầu trong việc nghiệm thu công trình, có ràng buộc chủ đầu tư phải thanh toán khối lượng xây dựng đã hoàn thành cho nhà thầu.

Đặc biệt, đối với các cơ quan nhà nước, chủ đầu tư dự án đầu tư công cũng phải được đối xử bình đẳng như các chủ đầu tư khác. “Nếu cơ quan nhà nước gây nợ đọng xây dựng, không thực hiện tốt nhiệm vụ gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp thì cũng phải bị xử lý” - ông Tuấn nói.

Cùng với đó, ông Tuấn cũng đề nghị VACC - cơ quan đại diện quyền lợi cho các nhà thầu cần thực hiện việc công bố danh sách xếp hạng chủ đầu tư. Đồng thời tổ chức việc chia sẻ thông tin, thực hiện các chương trình đào tạo để chia sẻ kinh nghiệm cho nhà thầu phòng ngừa các tranh chấp, bẫy hay gặp dẫn đến nợ đọng…

Kết luận tại hội thảo, Chủ tịch VACC Nguyễn Quốc Hiệp cho biết sẽ tổng hợp các kiến nghị của nhà thầu để có văn bản kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành vào cuộc xử lý, gỡ vướng cho các nhà đầu thầu.

Thời gian tới, VACC sẽ kiến nghị Bộ Xây dựng bổ sung quy định chủ đầu tư phải hoàn thành thanh toán với nhà thầu trong quá trình khi nghiệm thu, đánh giá, xếp hạng công trình xây dựng. Cùng với đó, VACC sẽ phối hợp với VCCI để đánh giá, xếp hạng chủ đầu tư và công bố thông tin công khai để giúp nhà thầu tránh được rủi ro phải đối mặt với chủ đầu tư yếu kém về tài chính hay chủ đầu tư có tiền sử nợ đọng

Nợ đọng ngành xây dựng là “đặc sản”

Đại diện Bộ Xây dựng cho hay nợ đọng ngành xây dựng là “đặc sản” và năm nào cũng phát sinh. Chính vì vậy, một số quy định cứng trong Luật Đầu tư công cũng như các quy định pháp luật khác cần phải được sửa đổi, nếu không sẽ rất vướng.

Đại diện Bộ Xây dựng cũng khẳng định sẽ ghi nhận những phản ánh của các nhà thầu và có giải pháp tháo gỡ ngay đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của bộ. Những gì vượt quá thẩm quyền, Bộ Xây dựng sẽ đề xuất cơ quan cấp trên tháo gỡ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm