GS Bửu Kế - một học giả có nhiều công trình nghiên cứu về triều Nguyễn, viết về sen hồ Tịnh như sau: “Khắp mặt hồ trồng sen, mỗi khi đến mùa đều rực rỡ như gấm dệt. Huế nổi tiếng về hạt sen vừa bở vừa thơm nhưng phải nếm hạt sen Tịnh Tâm mới thưởng thức được cái mùi vị tuyệt vời của nó…”.
Sen khắp nơi, trừ hồ Tịnh!
Huế tháng 7 đang vào mùa thu hoạch sen hạt. Những mủng, mẹt hạt sen vàng ruộm theo chân người bán dạo đi khắp phố phường. Chợ Đông Ba, chợ Bến Ngự… hoặc trong các quầy bán đặc sản Huế, đâu đâu cũng thấy sen hạt và sản phẩm về sen được bày bán. Do phẩm hạng đã được khẳng định từ xưa, giá sen Huế không hề rẻ. Sen khô bóc vỏ có giá 250.000 đồng/kg, tươi 80.000 đồng/kg và tươi chưa bóc vỏ có giá 40.000 đồng/kg.
Đang giữa trưa nắng nóng, ghé thăm nhà người em gái, được mời một chén chè hạt sen ướp lạnh, tôi buột miệng thốt lên: “Sen hồ Tịnh”! Đúng, không thể nhầm được cái mùi vị thơm ngon lạ kỳ ấy mà người Huế quê tôi thường diễn tả là “ngon ngậm mà nghe”. Ngậm từng hạt sen bở tơi, thơm lừng tan dần trong miệng mà “nghe” cái ngon lắng đọng đầu lưỡi thấm dần trong thần kinh vị giác và cả khứu giác để rồi lưu mãi trong ký ức.
Hồ Tịnh năm nay chỉ có rau muống và bèo! Ảnh: TKH
Câu trả lời của cô em cắt dòng ký ức: “Đúng là hạt sen hồ Tịnh em lưu lại từ mùa trước để đãi khách đó. Chớ năm ni hồ Tịnh làm chi còn sen…”. Tôi hoài nghi? Hồ Tịnh không thể không có sen. Mới mùa hè năm kia (2012), tôi về thăm quê, chứng kiến sen hồ Tịnh hồi sinh bát ngát mà vui lây niềm hân hoan của bà con xứ Huế. Năm nay sen nở rộ khắp nơi. Ngay trong hồ Xã Tắc, một nơi trước đây chỉ trồng được rau muống, sen cũng đua nhau chen chúc thì lý do gì mà sen hồ Tịnh lại vắng bóng?...
Hồ Tịnh giờ rau bèo dập dềnh!
Vội vã ghé thăm hồ Tịnh, quả thật là chẳng thấy sen đâu nữa. Thấy tôi tần ngần trước cảnh bèo, rau muống… dập dềnh trên mặt hồ, một người đàn ông xưng tên Hiệp có nhà ở ngay góc hồ, bước tới nói: “Sen mần răng mà sống được hở chú, nước thải từ chợ Cầu Kho, quanh khu vực đều đổ dồn vào cái hồ này hằng ngày, đã thế các đường thoát đều bị tắc nghẽn. Sen mọc vài lá, ngoi lên khỏi mặt nước được một đoạn là không phát triển, rồi chết…”. Như để minh chứng lời ông Hiệp, một làn gió đưa mùi xú uế từ mặt hồ bay lên làm chúng tôi ai nấy thấy khó chịu.
Biết có người cùng tâm trạng, ông Hiệp giãi bày: “Sống cạnh hồ hơn 60 năm, tuy mưu sinh nơi khác nhưng hồ Tịnh lại là nguồn sống tinh thần cho gia đình tôi. Sau một ngày lao động là tôi lại bắc ghế ra ngồi ngắm cảnh mặt hồ, làn gió trong lành và mát rượi giúp tôi vơi nhanh nhọc nhằn… Và tự hào khi mình được sống bên một cảnh đẹp mà du khách khắp nơi tới đây thăm thú hằng ngày… Mấy năm trước, chính quyền cũng nỗ lực giải quyết nhưng chưa tận gốc, sen sống được vài mùa rồi lại chết”.
Hồ Tịnh Tâm rộng hơn 4 ha nằm trong kinh thành Huế, trước có tên là hồ Ký Tế, được vua Gia Long kiến tạo từ một đoạn sông sau khi xây dựng xong kinh thành Huế. Vị vua thứ hai triều Nguyễn là Minh Mạng cho tôn tạo lại thành thắng cảnh tiêu dao và đổi tên là hồ Tịnh Tâm (hay Tĩnh Tâm). Dưới thời vua Thiệu Trị, thắng cảnh này được xếp hạng vị thứ ba trong danh mục Thần Kinh nhị thập cảnh. Thời gian và biến cố lịch sử đã khiến các công trình kiến trúc hoành tráng ấy hiện nay chỉ còn lại cốt nền và chính quyền đang có hướng phục dựng lại. Dù hồ Tịnh Tâm đã được xếp hạng là di tích cấp quốc gia theo Quyết định số 99/2004/QĐ-BVHTT, tuy vậy đến nay vẫn chưa có gì khởi sắc lắm. Nhưng hồ Tịnh Tâm lưu lại trong lòng người dân xứ Huế và du khách không phải là những công trình được xây dựng trên ba hòn đảo nổi trên mặt hồ là Bồng Lai, Phương Trượng và Dinh Châu mà là giống sen quý được trồng trong lòng hồ ấy.
Do đó khi Huế được quảng bá là “thành phố hoa sen” thì mặc nhiên du khách và những người xa Huế như tôi sẽ nghĩ đến sen hồ Tịnh. Bởi từ xưa người xứ Thần Kinh đã tôn vinh sen hồ Tịnh là “bề trên” của loài sen Huế và là linh hồn của danh lam thắng cảnh Tịnh Tâm. Du khách đến Huế sẽ tìm đến Hồ Tịnh, để ngắm lại loài sen quý đã đi sâu vào tâm thức mình. Ngờ đâu…
TRẦN KIÊM HẠ
Các hồ ở TP Huế bị ô nhiễm nặng Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết trải qua hơn 200 năm, hệ thống thủy đạo Kinh thành Huế (gồm Hộ Thành Hà, Hộ Thành Hào, sông Ngự Hà, hồ Tịnh Tâm, hồ Học Hải và gần 40 hồ lớn nhỏ khác) đã xuống cấp nhiều vì tác động của khí hậu, chiến tranh và quá trình phát triển dân cư mang tính tự phát. Bên cạnh đó, nhiều hạn chế trong công tác quản lý, bảo vệ và ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận cư dân đã làm cho hệ thống thủy đạo kinh thành bị bồi lấp, lấn chiếm, ô nhiễm môi trường nước… "Đối với hai hồ Tịnh Tâm và Học Hải, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đang khẩn trương lập dự án để di dời các hộ dân lấn chiếm, tu bổ và phục hồi công trình dự án, dự kiến triển khai trong năm 2015" - ông Thọ nói. Ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng PCLB&TKCN tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho hay UBND tỉnh đã trình Chính phủ phê duyệt dự án gia cố, nâng cấp hệ thống Hộ Thành Hào, hồ Tịnh Tâm và hồ Học Hải nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Hiện dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo danh mục dự án ưu tiên, thuộc chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC) nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2015. VIẾT LONG |