Còn đúng sáu ngày nữa, kỳ thi THPT quốc gia 2019 sẽ chính thức diễn ra. Tại những điểm nóng như Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang, công tác chuẩn bị thi vô cùng căng thẳng.
Địa phương lớn đã sẵn sàng
Báo cáo tại cuộc họp Ban chỉ đạo thi sáng 17-6, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hà Nội Phạm Văn Đại cho biết Hà Nội là địa phương có số lượng thí sinh (TS) đăng ký dự thi đông nhất cả nước với hơn 74.000 TS. Kỳ thi THPT quốc gia 2019, toàn TP Hà Nội có 125 điểm thi, 3.119 phòng thi; 7.755 cán bộ, giảng viên, giáo viên tham gia công tác coi thi; 1.376 nhân viên, an ninh, trật tự viên phục vụ tại các điểm thi.
Tại buổi họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý, Trưởng Ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia 2019 TP Hà Nội, đặc biệt nhấn mạnh việc có hướng dẫn công tác coi thi để phát hiện kịp thời gian lận thi cử, phải triển khai tốt công tác bảo mật đề thi, đồng thời yêu cầu các quận, huyện phải kiểm tra thật kỹ công tác chuẩn bị ở các điểm thi để có phương án tốt nhất.
Tương tự Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Trung, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết kỳ thi THPT quốc gia 2019, TP.HCM có hơn 71.000 TS đăng ký dự thi, trong đó có gần 4.000 TS tự do. Năm nay, kỳ thi được tổ chức tại 111 điểm thi, giảm 16 điểm thi so với kỳ thi năm 2018. Riêng ở huyện Cần Giờ, năm nay TS sẽ tập trung thi tại một điểm duy nhất. TS ở xã đảo Thạnh An và những khu vực ở xa sẽ được tập trung tại ký túc xá một ngày trước khi kỳ thi diễn ra.
Năm nay, công tác rà soát, kiểm tra tình hình cơ sở vật chất được triển khai sớm hơn mọi năm. Dù tổng số điểm thi và số TS năm nay đều giảm so với năm trước nhưng để đảm bảo an ninh, TP đã tăng cường lực lượng thanh tra, giám sát lên hơn 10.000 người, tăng 2.000 người so với kỳ thi năm 2018. Cụ thể, tại mỗi điểm thi sẽ có ba cán bộ công an trực chốt, trong đó một cán bộ làm nhiệm vụ ở phòng bảo quản đề thi và bài thi, một cán bộ ở bên trong hội đồng thi và một cán bộ ngoài cổng.
Điểm mới của công tác tổ chức là tất cả phòng bảo quản đề thi và bài thi đều được gắn camera giám sát, vận hành 24/24 giờ, bắt đầu từ thời điểm nhận đề thi môn đầu tiên đến khi bài thi cuối cùng được đưa đi.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại Điện Biên. Ảnh: MOET
Sơn La, Hòa Bình bị áp lực khâu chuẩn bị
Kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại hai điểm nóng là Sơn La và Hòa Bình 10 ngày trước khi kỳ thi diễn ra, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Lê Hải An đều đặc biệt kiểm tra từng chi tiết nhỏ.
Có lẽ chưa ở đâu việc kiểm tra lại tiến hành tỉ mỉ và những nhắc nhở, lưu ý lại cặn kẽ, chi tiết như ở hai cụm thi này.
Theo ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La, kỳ thi năm nay Sở gặp phải khó khăn trong vấn đề thiếu lãnh đạo Sở, cấp phòng của Sở để tham gia hội đồng thi và các ban của hội đồng thi. Sở đã đề nghị các trường ĐH, CĐ phối hợp cử nhân sự tham gia lãnh đạo các ban của hội đồng thi.
Ngoài ra, do toàn bộ hệ thống máy móc phục vụ công tác chấm thi năm 2018 đã bị niêm phong để phục vụ công tác điều tra nên năm nay Sơn La phải mua mới toàn bộ máy tính, máy quét, máy in phục vụ thi và chấm thi.
Đến thời điểm này, ban chỉ đạo tỉnh Sơn La chỉ có thể trang bị được một máy quét bài trắc nghiệm nên Sở đã lên phương án mượn máy của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 - đơn vị chủ trì chấm thi trắc nghiệm tại Sơn La. Việc làm này theo quy chế là không phù hợp, do đó Sở phải báo cáo sớm lên Bộ để nhận được sự hỗ trợ.
Gặp khó khăn tương tự Sơn La, tại tỉnh Hòa Bình, ông Bùi Trọng Đắc, Giám đốc Sở GD&ĐT, cho hay số cán bộ lãnh đạo, trưởng các phòng, ban của Sở GD&ĐT không đủ để đảm nhận các vị trí lãnh đạo các ban của hội đồng thi. Cán bộ, chuyên viên Phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục mới được bổ sung, tăng cường về phòng, kinh nghiệm về công tác tổ chức thi còn hạn chế. Việc mất hàng loạt nhân lực khi kỳ thi đang cận kề khiến Sơn La, Hòa Bình không tránh khỏi bị động, lúng túng trong việc tổ chức, chuẩn bị.
Làm việc với hai điểm nóng Sơn La, Hòa Bình, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, nhắc nhở hai điểm thi lưu ý cần tiếp tục hoàn thiện cán bộ để đảm bảo một kỳ thi thực sự an toàn. Bên cạnh đó, năm nay Bộ đã có nhiều đổi mới ở kỳ thi THPT quốc gia, đặc biệt là quy trình chấm thi giao cho các trường ĐH chủ trì nên áp lực hiện nay tập trung ở khâu tổ chức thi và coi thi. Điều quan trọng nhất là tránh mọi tình huống có thể xảy ra lộ, lọt đề thi từ khâu in sao, vận chuyển đến bảo quản đề thi. |