Ngày 29-1, theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 1-2024 của Cục Thống kê TP.HCM, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 ước đạt 103.241 tỉ đồng, tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 24,4% so với cùng kỳ.
Tháng 1 là tháng trước tết Nguyên đán nên nhu cầu mua sắm của người dân có xu hướng tăng.
Bên cạnh đó, mức tăng so với tháng trước chủ yếu từ hoạt động bán lẻ hàng hóa do đây là thời điểm kinh doanh sôi động nhất trong năm, nhiều siêu thị và cửa hàng thực hiện chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng.
Song song đó, nhằm đảm bảo cung cầu và ổn định giá hàng thiết yếu trước, trong và sau tết, ngay từ những tháng đầu năm 2023, thành phố đã ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng phục vụ học tập năm 2023- tết Giáp Thìn năm 2024.
Đến nay, các hệ thống phân phối trên địa bàn duy trì và đảm bảo khả năng cung ứng phục vụ xuyên suốt cho người dân.
Chiếm 47,8% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, trong tháng 1, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 49.335 tỉ đồng, tăng 5,4% so với tháng trước và tăng 15,5% so với cùng kỳ.
Hầu hết các nhóm hàng đều có doanh thu tăng so với cùng kỳ, trong đó có ba nhóm hàng có tỉ trọng cao nhất mức tăng lần lượt là lương thực, thực phẩm tăng 8,8%; hàng đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 16,4%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 18,7%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 10.620 tỉ đồng, giảm 1,4% so với tháng trước và tăng 18,6% so với cùng kỳ.
Trong đó, doanh thu ăn uống ước đạt 9.116 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 85,8%, giảm 1,3% so với tháng trước và tăng 11,6% so với cùng kỳ.
Theo đánh giá của Cục Thống kê TP.HCM, thông thường trước tết Nguyên đán, nhu cầu ăn uống, vui chơi của người dân tăng cao nhưng hiện nay Thành phố đang thực hiện chủ trương đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, siết chặt kiểm tra về vi phạm nồng độ cồn. Điều này dẫn đến doanh thu của một số đơn vị kinh doanh ăn uống trên địa bàn giảm nhẹ so với tháng trước.
Tháng 1, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào thành phố đạt 125,7 triệu USD
Từ ngày 1-1 đến 20-1, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào thành phố đạt 125,7 triệu USD, bằng 70,2% so với cùng kỳ.
Trong đó, có 80 dự án cấp phép mới, tăng 60,0% so với cùng kỳ và vốn đăng ký đạt 23,8 triệu USD, bằng 27,4%.
Nhật Bản là quốc gia dẫn đầu về dự án cấp phép mới với tám dự án, vốn đăng ký đạt 12,1 triệu USD, tiếp đến là Hàn Quốc với 13 dự án, vốn đăng ký 2,9 triệu USD, chiếm 12,3%...
Góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp có 136 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện với góp vốn là 93,0 triệu USD, tăng 70,1% về vốn so với cùng kỳ.
Singapore và Hồng Kông là hai quốc gia có tỉ trọng vốn góp cao nhất lần lượt chiếm 72,5% và 10,1%.
Điều chỉnh vốn đăng ký, có bảy dự án bằng 35,0% so với cùng kỳ và vốn điều chỉnh đạt 8,9 triệu USD, bằng 23,7%.