Quản lý an toàn thực phẩm - Từ chính sách tới thực thi - Bài 3:

Sở An toàn thực phẩm, trám kẽ hở mô hình thí điểm

(PLO)- TP.HCM đang xây dựng đề án thành lập Sở An toàn thực phẩm để giải quyết những tồn tại, vướng mắc của mô hình thí điểm Ban quản lý An toàn thực phẩm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Qua sáu năm hoạt động, mặc dù mô hình thí điểm Ban quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) (BQL) ở TP.HCM, TP Đà Nẵng và tỉnh Bắc Ninh bước đầu mang lại nhiều hiệu quả nhưng cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế quyền hạn.

Thịt heo có nguồn gốc rõ ràng được kinh doanh trong chợ đầu mối Hóc Môn, TP.HCM. Ảnh: TRẦN NGỌC

Thịt heo có nguồn gốc rõ ràng được kinh doanh trong chợ đầu mối Hóc Môn, TP.HCM. Ảnh: TRẦN NGỌC

Gặp khó khăn trong tham mưu, báo cáo

Ông Nguyễn Vinh Thanh, Trưởng BQL tỉnh Bắc Ninh, cho biết sau gần sáu năm hoạt động theo mô hình thống nhất một đầu mối, BQL cũng gặp một số khó khăn khi cơ chế và quy định pháp luật trong một số trường hợp không có hướng dẫn cụ thể của các bộ, ngành có liên quan cho mô hình thí điểm BQL. Điều này gây khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP.

“BQL hoạt động chịu sự quản lý của Bộ Y tế, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT nên đôi khi còn gặp khó khăn trong công tác tham mưu, báo cáo…” - ông Thanh cho biết thêm.

Theo ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng BQL TP Đà Nẵng, do đang trong giai đoạn thí điểm nên mô hình BQL vẫn còn những bất cập, hạn chế trong quyền hạn. Điều này dẫn đến quá trình hoạt động chưa đạt được hiệu quả tối đa do chưa phải là mô hình cơ quan chính thức.

“BQL tương đương cấp sở, có chức năng tham mưu UBND TP tổ chức thực thi pháp luật về ATTP trên địa bàn nhưng các cơ chế và quy định pháp luật trong một số trường hợp không có hướng dẫn cụ thể của các bộ, ngành có liên quan cho mô hình thí điểm là BQL.

Điều này gây lúng túng trong quá trình hoạt động của BQL. Đặc biệt là các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP” - ông Hải thông tin.

Cá kinh doanh trong chợ đầu mối Bình Điền, TP.HCM có chứng từ đầy đủ. Ảnh: TRẦN NGỌC

Cá kinh doanh trong chợ đầu mối Bình Điền, TP.HCM có chứng từ đầy đủ. Ảnh: TRẦN NGỌC

Liên quan công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, hiện nay ban quản lý chỉ mới thực hiện thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, chưa có chức năng thanh tra hành chính.

Bị “trói tay” khi xử lý vi phạm hành chính

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng BQL TP.HCM, liên quan công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực ATTP, hiện nay BQL chỉ mới thực hiện thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, chưa có chức năng thanh tra hành chính.

“Xử lý vi phạm hành chính về ATTP, trước đây BQL áp dụng theo chức danh tương đương. Tuy nhiên, hiện nay do các văn bản quy phạm pháp luật thay đổi, không còn chức danh tương đương nên công tác kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính gặp khó khăn về cơ sở pháp lý” - bà Lan cho biết.

Khối lượng công việc của BQL hiện rất lớn do tình hình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trái luật trên địa bàn TP ngày càng tinh vi. Trong khi nguồn nhân lực thực hiện công tác bảo đảm ATTP tại TP.HCM chưa đủ mạnh cả về số lượng và chất lượng.

“BQL được giao thêm nhiệm vụ kiểm dịch sản phẩm động vật ra khỏi TP.HCM nhưng biên chế được giao hằng năm và biên chế có mặt tại BQL giảm dần theo thời gian (nghỉ việc, nghỉ hưu, chuyển công tác) và việc tuyển dụng mới rất khó khăn theo tình hình chung của TP.HCM” - bà Lan nói.

Theo bà Lan, các đội quản lý ATTP thuộc phòng Thanh tra của BQL đang thực hiện nhiều chức năng, nhiệm vụ vượt quá chức năng, nhiệm vụ của phòng Thanh tra. Cụ thể, là thành viên đại diện cho BQL trong ban chỉ đạo liên ngành về ATTP của quận, huyện để tham gia các hoạt động của địa phương, thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, kiểm dịch sản phẩm động vật ra khỏi TP.HCM; kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thịt và trứng gia cầm; phối hợp với các phòng chức năng của BQL trong thẩm định cấp phép, lấy mẫu, giám sát nguy cơ, xử lý ngộ độc thực phẩm, giám sát chợ, thức ăn đường phố…

Theo Nghị quyết 98, HĐND TP.HCM thành lập Sở ATTP là cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Sở ATTP trên cơ sở chuyển chức năng quản lý nhà nước về ATTP, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về ATTP, việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn TP.HCM từ Sở Y tế, Sở NN&PTNT, Sở Công Thương cho Sở ATTP.

Sở ATTP sẽ giải quyết các vướng mắc của ban quản lý

“Căn cứ vào đặc điểm thực tế của TP.HCM và để nhanh chóng ngăn chặn, giải quyết căn cơ tình trạng không đảm bảo ATTP trên địa bàn, khắc phục các bất cập và rào cản trong hoạt động phối hợp liên ngành, UBND TP.HCM đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cho phép chính thức hóa mô hình thí điểm, cụ thể là thành lập Sở ATTP, là cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP.HCM” - bà Lan chia sẻ.

UBND TP.HCM cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung chức năng thanh tra chuyên ngành tại Quyết định 2349/QĐ-TTg ngày 5-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ thí điểm thành lập BQL nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của BQL trong công tác xử lý vi phạm hành chính về thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính.

“UBND TP.HCM còn đề xuất thành lập cơ quan thanh tra về ATTP để thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, thành lập mạng lưới các đội quản lý ATTP liên quận - huyện, chợ đầu mối trực thuộc Sở ATTP. Mạng lưới này có chức năng tham mưu, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, giám sát ATTP và thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm” - bà Lan nói.•

TP.HCM đang xây dựng đề án thành lập Sở ATTP

Ngày 21-10-2022, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Chỉ thị 17-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường đảm bảo an ninh, ATTP trong tình hình mới. Theo Chỉ thị 17, với tính chất và tầm quan trọng của công tác bảo đảm an ninh, ATTP, cần sớm kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, ATTP từ trung ương tới địa phương.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng BQL TP.HCM, cho biết theo tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị 17 cùng các cơ sở pháp lý và thực tiễn, đặc biệt kết quả đạt được sau thời gian thí điểm mô hình BQL, UBND TP.HCM đang tiến hành xây dựng đề án thành lập Sở ATTP, là cơ quan đầu mối phụ trách quản lý ATTP trên địa bàn TP.HCM.

UBND TP.HCM đã nhận được sự quan tâm, góp ý từ Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ đối với dự thảo đề án thành lập Sở ATTP TP.HCM và đa số đồng thuận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm