Bà Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM chủ trì cuộc họp với đại diện 95 tổ chức hành nghề công chứng tại TP.HCM để thông tin về sự cố phần mềm công chứng ngày 17-7.
Bà Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì cuộc họp, chiều 19-7. Ảnh: K.P
Phần mềm công chứng trục trặc
Bà Lâm Quỳnh Thơ, Giám đốc Trung tâm thông tin và tư vấn công chứng TP.HCM (gọi tắt là Trung tâm) thông tin: trước đây Sở Tư pháp TP chỉ có phần mềm thông tin ngăn chặn nên Sở nhận thấy chỉ là thông tin về ngăn chặn không là chưa đủ và cần có thông tin lịch sử giao dịch về công chứng và điều này được UBND TP chấp thuận. Năm 2009, Sở Tư pháp tổ chức đấu thầu và công ty CMC trúng thầu. Năm 2010, phần mềm công chứng được xây dựng xong và chạy thử nghiệm, năm 2012 thì triển khai và hoạt động chính thức cho đến ngày nay vẫn ổn định cho đến ngày xảy ra sự cố kỹ thuật vừa qua.
Bà Thơ cho biết, ngay khi phát hiện sự cố trục trặc phần mềm công chứng không tra cứu được thì 8 giờ 30 ngày 17-7, Trung tâm đã nhắn tin về việc bảo trì đột xuất cho tất cả các trưởng tổ chức hành nghề công chứng biết sẽ và khắc phục trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, Trung tâm cũng yêu cầu công ty CMC lập ngay phương án dự phòng. Lúc này dự kiến khoảng 15 giờ ngày 17-7 là khắc phục được ngay sự cố này nhưng do dữ liệu công chứng quá lớn nên mãi đến 23 giờ 50 hôm đó dữ liệu mới đổ xong để chạy đường dự phòng.
Ngày 18-7, do hồ sơ tồn đọng ngày hôm trước nên khi phần mềm được khôi phục thì lượng công chứng viên truy cập rất nhiều nên bị nghẽn khó truy cập vào phần công chứng. Công ty CMC phải khắc phục việc này nữa và đến sáng hôm nay (19-7), đường dự phòng cơ bản là ổn nhưng chỉ cho trên 400 tài khoản truy cập sử dụng phần mềm này cùng một lúc chứ không phải là tất cả hơn 900 tài khoản truy cập như lúc trước.
Lỗi hệ thống máy chủ
Ông Đỗ Quang Yên, đại diện Công ty CMC (chủ phần mềm công chứng) lý giải sự cố kỹ thuật vừa qua là do lỗi hệ thống kết nối giữa các máy chủ của phần mềm công chứng.
Ngày 17-7, các máy chủ này không kết nối đồng bộ được với nhau nên dẫn đến không truy cập được phần mềm công chứng. Sau đó, theo yêu cầu của Trung tâm, công ty CMC đã xây dựng một hệ thống máy chủ dự phòng. Trong thời gian xây dựng hệ hống này thì công ty CMC phải đổ dữ liệu từ máy chủ cũ sang hệ thống mới. Tuy nhiên, do dữ liệu hệ thống công chứng khá lớn nên việc sắp xếp, đồng bộ dữ liệu tốn quá nhiều thời gian hơn dự liệu.
Ngày 18-7, hệ thống dự phòng đã sử dụng được nhưng do lượng truy cập, sử dụng của công chứng viên quá lớn nên hệ thống dự phòng này lại bị nghẽn nơi vào được nơi không. Hôm nay, các tài khoản đã hoạt động bình thường ở hệ thống dự phòng tương đương đường truyền cũ.
“Tôi đảm bảo thứ 2 tuần tới, phần mềm công chứng sẽ hoạt động trở lại bình thường chứ không phải dự phòng nữa”-Ông Yên khẳng định.
Để khắc phục sớm sự cố trong tương lai thì CMC dự kiến mua thêm thiết bị, tăng số lượng máy chủ lên ba máy và vị trí lắp đặt nhiều nơi. Tăng số lượng khả dụng người dùng. Nếu máy chủ này bị lỗi thì tự động sẽ chuyển kết nối sang máy chủ khác ngay tránh sự cố kéo dài như vừa qua. Việc bảo trì, nâng cấp này giúp các phần mềm chạy nhanh hơn dữ liệu ổn hơn.
Công chứng viên phát biểu tại cuộc họp chiều 19-7. Ảnh: K.P
Bị thiệt hại, ai bồi thường?
Các công chứng viên đặt vấn đề bồi thường thiệt hại xảy ra (nếu có) trong thời gian sự cố này sẽ phải do ai chịu nếu họ mất đi cơ hội khi giao dịch đặt cọc, mua bán nhà đất, rồi một căn nhà bán hai nơi... Rồi khi phần mềm hoạt động trở lại nhưng khi tra cứu không đủ dữ liệu hoặc dữ liệu không đầy đủ thì bấy giờ lỗi thuộc về ai bồi thường...
Ông Từ Dương Tuấn, Trưởng Phòng Công chứng số 5 nêu thắc mắc là giả sử một số hợp đồng đã ký rơi đúng vào lúc truy cập phần mềm công chứng bị mất dữ liệu hoặc thiếu dữ liệu thì phải tính sao?
Bà Lâm Quỳnh Thơ, Giám đốc Trung tâm mong các anh chị công chứng viên chia sẻ sự cố này và nếu các công chứng viên có trong tay hồ sơ mà anh chị tìm không thấy trên hệ thống phần mềm công chứng thì vui lòng gửi mail để Trung tâm rà soát lại ngay.
Bà Ngô Minh Hồng, Chủ tịch Hội Công chứng viên TP.HCM, nói đối với việc bồi thường thiệt hại khi có vụ kiện xảy ra rồi chúng ta hãy bàn. Đây là sự cố bất khả kháng, không ai mong muốn xảy ra.
Kết luận cuộc họp, bà Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP, nói sự cố ngày 17-7 xảy ra ngoài ý muốn và đây là trường hợp bất khả kháng. Bà Thuận đề nghị: Công ty CMC thực hiện như đã cam kết là từ thứ hai phần mềm này được đưa vào sử dụng bình thường như trước đây; Công ty CMC triển khai biện pháp khắc phục sớm nhất các sự cố trong tương lai.