Cũng có ý kiến cho rằng những người như bầu Đức, bầu Thắng hay bầu Hiển quan tâm nhiều thứ chứ không chi tiết với kiểu đây là công tôi, cầu thủ này là của “lò” tôi, hay tôi trả lương, trả thuế cho ông Park Hang-seo… mà đa phần là những “kênh thông tin” chạy công cho các ông bầu đấy.
Các ông bầu không có kiểu chia phần, sợ người ta quên bởi lâu nay các ông âm thầm đầu tư tốn cả triệu đô để làm bóng đá rồi và cũng đâu cần tranh công.
Mà cũng đâu chỉ các ông bầu trên, các CLB khác như SL Nghệ An, B. Bình Dương, Thanh Hóa, Hải Phòng… cũng góp quân đó thôi. Nó khác với kiểu một nhãn hàng đang tìm mọi cách đăng đàn mình có công trong việc góp phần trả lương HLV người Hàn Quốc… Mọi thứ trông rất tự phát và manh mún.
Nếu đã đề cập đến việc tranh công thì điều cần nhắc là những ông bố, bà mẹ đã hy sinh cho con em mình theo nghiệp bóng đá vào thời điểm bóng đá chưa có đủ niềm tin. Có những ông bố, bà mẹ cho con đi đá bóng rồi ở nhà cầu nguyện mong con được bình an và đừng chấn thương. Xa hơn là những ông bố, bà mẹ có con từng lên tuyển rồi chấn thương và phải ngậm ngùi cùng con chữa trị mà mất cơ hội lên tuyển như cha mẹ của Văn Thanh, Tuấn Anh hay của hậu vệ Xuân Mạnh…
Có rất nhiều sự hy sinh thầm lặng để có ngôi vô địch hôm nay, ngôi vô địch chung của bóng đá Việt Nam. Thậm chí có cả chiếc huy chương lặng lẽ mà sau khi nhận được, ông Park Hang-seo đã tìm đến người hy sinh và lặng lẽ lo cho đội tuyển nhưng không dám hé mặt trong lễ mừng công.
Lịch sử sẽ ghi nhận và không bao giờ quên lãng nên xin đừng tranh thủ hô hào tranh công theo kiểu PR như mua bán sản phẩm.