Thế nhưng cách làm của hai liên đoàn và hai bộ máy điều hành thì cho thấy sự khác biệt rất lớn về tính chuyên nghiệp.
V-League xác định cứ đi rồi thành đường nhưng lại không khống chế được giá trị thật của cầu thủ để cò liên kết với nhiều lãnh đạo CLB làm giá và chung chi huê hồng với nhau. Ngược lại thì VBA có mức giá trần và cũng không có sự khác biệt lớn giữa cầu thủ ngoại với cầu thủ Việt kiều cùng cầu thủ nội.
V-League mang tiếng là chuyên nghiệp nhưng nhiều đội bóng vẫn phải dựa vào chuyện lách ngân sách, hoặc nếu các ông bầu đổ tiền làm đội bóng thì sẽ lấy lãi nhiều hơn từ dự án, từ đất vàng của địa phương. Đó cũng là lý do có ông bầu xác định làm bóng đá không có lời nhưng dám nuôi đến bốn đội bóng của bốn địa phương.
Ngược lại thì VBA chẳng ông bầu nào lấy ngân sách mà hoàn toàn là tiền đầu tư cho đội, cũng là một hình thức quảng bá thương hiệu rất hiệu quả.
Chỉ mới sinh sự, xô đẩy và thủ thế, hai cầu thủ VBA đã nhận hình phạt tức thời. Tương tự là sau lỗi lầm của nhà tổ chức, chỉ vài tiếng sau người hâm mộ đã nhận được thông báo xin lỗi. Ảnh: HUY PHẠM
V-League các khán đài trống trơn trong khi VBA trận nào cũng đông cùng 1.001 cách giữ khán giả bằng việc trân trọng lẫn tôn trọng khán giả. Khán giả đến sân xem VBA rõ ràng họ được đáp ứng về nhiều mặt, trong đó cái được lớn nhất là “không bị lừa”. Họ như sống chung với những ngày hội bóng rổ.
V-League ban tổ chức luôn tìm cách giấu giếm, bao che những cái sai, những phần chưa được của mình mà rõ nhất là những án kỷ luật ít khi nào làm thỏa mãn người hâm mộ cùng giới chuyên môn. Trong khi đó, VBA chỉ một sự cố của bộ phận điều hành nơi các trọng tài bấm giờ thì chỉ vài giờ đồng hồ sau ban tổ chức đã lên tiếng nhận lỗi và xin lỗi, đồng thời hứa sẽ có trách nhiệm khắc phục.
V-League có bạo lực và nhiều bạo lực được dung túng, còn VBA thì cũng có bạo lực và lập tức truất quyền ngay hai cầu thủ gây hấn với nhau rồi thủ thế như sắp đánh võ đài. Điều quan trọng là sau án kỷ luật của trọng tài, tất cả HLV cùng những thành viên của hai đội bóng đều ủng hộ bởi cái chính mà họ xác định là chuyên môn, là phục vụ khán giả.
V-League cho việc tạo nên một đội tuyển mạnh, còn VBA mới chỉ sau một mùa chuyên nghiệp đã góp phần nâng chất rất rõ đội tuyển bóng rổ Việt Nam dự SEA Games.
Trao đổi với chúng tôi về tuổi lên hai của VBA, những nhà điều hành xác định mục tiêu của họ là phát triển bóng rổ nước nhà và nâng chất đặc biệt các VĐV trong nước, đồng thời cũng tạo nên tính cộng đồng cao trong xã hội.
Nếu VBA hằng tuần và thậm chí là hằng tháng, họ có những VĐV đến với các trường học dạy và phổ biến bóng rổ lẫn cùng chơi bóng rổ với các học sinh và xem đấy là điều bắt buộc thì V-League cầu thủ chỉ cắm đầu vào ăn, tập, kiếm tiền và… xài tiền mà ít chú ý đến tính cộng đồng.