Trong vòng hai tuần qua, cả hai “gã khổng lồ” trong làng báo Mỹ là tờ The New York Times và The Washington Post đều đã đăng tải nhiều bài viết lên án các bình luận của ông Donald Trump. Cả hai tờ báo đều mô tả chiến dịch tranh cử của ứng cử viên đảng Cộng hòa là nhắm đến kích động tư tưởng thù hằn trong lòng nước Mỹ.
“Bán” nỗi sợ hãi để “mua” phiếu bầu?
Tờ The Washington Post bình luận, chiến dịch của vị tỉ phú này cố ý sử dụng những lập luận “sai lệch về chính trị” nhằm mục đích thúc đẩy sự lo lắng và thù hằn của một bộ phận lớn các cử tri người da trắng. Chiến dịch này mong muốn dựa vào tư duy sợ hãi và cuồng nộ của đám đông để thu về các lợi ích chính trị nhất định, hoặc ít nhất là để đánh lạc hướng cử tri Mỹ trong những khoảnh khắc quyết định của cuộc chạy đua tổng thống 2016. Tờ The Daily Beast bình luận, những ứng cử viên từ đảng Cộng hòa đang tìm cách “bán” nỗi sợ hãi để mở đường vào Nhà Trắng.
Trước vấn đề tiếp nhận người tị nạn Hồi giáo, cũng như vụ xả súng vừa qua tại Bernardino, bang California, ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump đã đưa ra tuyên bố yêu cầu “cấm cửa” người nhập cư Hồi giáo bước chân vào nước Mỹ. Tuyên bố của ông đã nhanh chóng gây ra vô số các tranh cãi với một bộ phận lớn cáo buộc ông là một ứng cử viên phân biệt chủng tộc và không phù hợp với chiếc ghế tổng thống. Nhiều ứng viên thuộc đảng Cộng hòa cũng lên tiếng cho rằng phát ngôn của Donald Trump đã đi quá xa. Tuy nhiên, bà Hilary Cliton cũng phát biểu cho rằng không những ông Trump mà các ứng viên cùng đảng của ông cũng từng có những ý tưởng “cực đoan” tương tự, chỉ có ngôn từ là nhẹ nhàng hơn. Bà cáo buộc những ý tưởng mà phe Cộng hòa đang theo đuổi là “vô cùng nguy hiểm”.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là mặc dù các phát ngôn của các ứng viên Cộng hòa mang đậm màu sắc kỳ thị tôn giáo và sắc tộc, lượng ủng hộ của họ vẫn tăng cao. Ông Donald Trump tính đến ngày 12-12 vẫn tiếp tục dẫn dầu danh sách ứng cử viên đảng Cộng hòa với 35% cử tri nội đảng. 64% cử tri cho biết họ thậm chí không cảm thấy phẫn nộ trước các tuyên bố của của vị tỉ phú này. Trong khi đó, một ứng cử viên khác của đảng Cộng hòa là Marco Rubio cho rằng mặc dù ông không đồng tình với cách mà ông Donald Trump bình luận vẫn phải thừa nhận là ông đang nói đúng với những mối lo ngại đang tồn tại trong tâm trí người dân Mỹ.
Tuần qua, chuyên trang bình luận về chính trị Mỹ Politico cũng tiến hành một cuộc điều tra cho thấy: Các trang mạng của những nhóm ủng hộ “độc tôn da trắng” đang gia tăng đột biến về lượng truy cập, đồng thời thu hút được rất nhiều sự quan tâm của công chúng. Stormfront, một trong những trang mạng ủng hộ quyền lợi của người da trắng nổi nhất nước Mỹ, tuần qua đã phải tiến hành nâng cấp máy chủ để theo kịp sự gia tăng đột biến về lượng truy cập. Cựu nghị sĩ bang Louisiana - ông David Duke cũng cho biết những phát ngôn của ông Donald Trump từ đầu tranh cử đến nay đã tạo điều kiện để các nhóm “chủ nghĩa dân tộc da trắng” tại Mỹ phát ngôn nhiều hơn bao giờ hết kể từ những năm 1990 đến nay.
Tờ The Daily Beast (Mỹ) bình luận những ứng cử viên đảng Cộng hòa đang “bán” nỗi sợ hãi để mua phiếu vào Nhà Trắng. Ảnh minh họa: THE DAILY BEAST
Cộng đồng người Hồi giáo tại Mỹ cáo buộc “Ông Trump đang đẩy nước Mỹ trở lại với sự thù hằn”. Ảnh: AFP
Chính sách nhập cư: Lá bài của hai đảng
Mỹ vốn được biết đến là đất nước của những người nhập cư, của sự đa dạng về sắc tộc và tôn giáo nhưng việc đưa các cộng đồng người nhập cư ra bàn luận, tranh cãi không còn là chuyện hiếm ở nước này. Đặc thù chính trị ở Mỹ với hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tranh nhau vị trí cầm quyền dĩ nhiên không bỏ qua vấn đề nhập cư để phân bì và các ứng cử viên chạy đua vào Nhà Trắng cũng men theo đó trong những chính sách của mình suốt mùa tranh cử.
Trên thực tế, trong hai mùa bầu cử gần đây, Tổng thống Barack Obama đã ghi điểm một phần nhờ chính sách cải cách nhập cư, vốn có thể lấy lòng các cộng đồng cử tri đa dạng ở Mỹ. Chỉ riêng với cộng đồng người Hồi giáo, trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2008, có tới 89% cử tri người Hồi giáo tại Mỹ đã bỏ phiếu cho ông Obama, con số này là 85% trong cuộc bầu cử vào năm 2012. Tiếp đó, trong suốt nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Obama cũng thúc đẩy chính sách nhập cư, đỉnh điểm là việc ký sắc lệnh cứu gần 5 triệu người nhập cư bất hợp pháp hồi tháng 11-2014, một động thái mở đường cho ứng viên tiếp theo của đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Chính sách này vốn đã bị đảng Cộng hòa chống đối từ những năm đầu tiên ông Obama bước vào nhiệm sở lại tiếp tục gặp khó khăn khi đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát tại lưỡng viện Quốc hội Mỹ. Các cuộc tranh cãi về người nhập cư giữa hai đảng này càng trở nên căng thẳng, thậm chí đơn kiện cũng đã được trình lên tòa vì sắc lệnh này của Tổng thống Obama. Mâu thuẫn xung quanh chính sách nhập cư đã đẩy chính phủ Mỹ phải chật vật với nguy cơ đóng cửa vì khoản ngân sách về nhập cư.
Những ngày vừa qua, câu chuyện về người nhập cư được bổ sung thêm một hình thái mới liên quan đến mối đe dọa an ninh, theo sau các vụ tấn công đẫm máu mà nghi phạm được xác định là người Hồi giáo. Trong những cuộc tranh luận này, giới chức cũng như các ứng cử viên đảng Dân chủ vẫn rất thận trọng. Chính Tổng thống Obama cũng phải lên tiếng trấn an người dân Mỹ rằng cuộc chiến đang diễn ra không phải nhằm vào người Hồi giáo, càng không thể để nó trở thành cuộc đối đầu giữa Mỹ và cộng đồng Hồi giáo. Trong khi đó, ứng cử viên đảng Cộng hòa, tỉ phú Donald Trump được thể mạnh lời đối với những người theo đạo Hồi mà điển hình là yêu cầu đòi cấm cửa người Hồi giáo nhập cảnh vào đất Mỹ. Dù rằng các ứng cử viên khác của đảng Cộng hòa không hài lòng với phát ngôn của ông Trump nhưng phát ngôn này có thể sẽ khiến chính đảng Cộng hòa gặp khó khăn trong cuộc đối đầu với đảng Dân chủ.
Sự khác biệt trong cách tiếp cận về người nhập cư nói chung và người Hồi giáo nói riêng giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa càng thêm rõ ràng khi hơn 60% những người thuộc đảng Dân chủ cho rằng người Hồi giáo cũng bình thường như những cộng đồng người khác ở Mỹ trong khi chỉ hơn 30% những người theo đảng Cộng hòa ủng hộ quan điểm này. Với những khác biệt và lùm xùm như vậy, cuộc đua giữa hai đảng chính trị này dù chưa ngã ngũ vẫn khiến người dân của đất nước nhập cư này phân hóa trong sự ủng hộ đối với mỗi đảng.
Doanh số bán súng tăng vọt Kênh truyền hình Fox News (Mỹ) ngày 12-12 cho biết doanh số bán súng tại bang California đã bất ngờ tăng vọt những ngày sau vụ xả súng làm 14 người thiệt mạng tại thị trấn Bernardino. Mặc dù California là một trong những bang có luật về súng nghiêm ngặt nhất nước Mỹ, trung bình mỗi ngày vẫn có gần 6.000 khẩu súng được bán ra tại đây. Các con số được cung cấp bởi cơ quan tư pháp California cho biết chỉ bốn ngày sau vụ thảm sát đã có đến hơn 20.000 khẩu súng được bán ra. Trong khi chỉ bốn ngày trước đó, số súng bán ra được ghi nhận lại “chỉ có” 12.649 khẩu - một con số cũng cao đến bất ngờ. Không chỉ tại California, các nhóm kinh doanh và cửa hàng buôn bán súng trên toàn nước Mỹ cũng khẳng định doanh số bán súng đang tăng mạnh. Đa số người dân đến mua súng cho biết họ mua súng để tự vệ trước mối đe dọa từ những vụ thảm sát. Riêng trong ngày lễ mua sắm “Black Friday” vừa qua, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã tiến hành đến 175.754 lần điều tra lý lịch tội phạm liên quan đến các hoạt động mua bán súng. Các chuyên gia về quyền sử dụng súng trả lời trang Free Beacon (Mỹ) cho biết các cuộc tấn công khủng bố gần đây trên thế giới, cộng với chiến dịch vận động thắt chặt quyền mua bán súng của đảng Dân chủ tại Mỹ là những nguyên nhân chủ yếu thúc đẩy đợt tăng mua súng đột biến này. Hãng tin Fox News và tờ Huffington Post cùng chung quan điểm cho rằng dường như có một công thức chung thúc đẩy việc mua súng của người dân đó là sự sợ hãi và các khó khăn của nền kinh tế. Các dữ kiện của FBI chỉ ra rằng hoạt động kiểm tra lý lịch đối với việc mua bán vũ khí chỉ tăng đột biến khi xảy ra các vụ xả súng gây kinh hoàng nước Mỹ, cụ thể như hai vụ xả súng tại trường mẫu giáo Sandy Hook và sau đó là rạp chiếu phim Colorado cùng trong năm 2012, hay vụ xả súng tại doanh trại Fort Hood năm 2009. Trong tháng 11-2015, FBI đã ghi nhận hơn 19,8 triệu lượt rà soát an ninh. Với tốc độ này, năm 2015 nhiều khả năng sẽ kết thúc với một kỷ lục mới. |