Tín đồ Hồi giáo Mỹ hồi hộp sống

Trong bài phát biểu trước toàn dân tối 6-12, Tổng thống Obama đã kêu gọi người dân xóa bỏ tư tưởng hằn thù, nghi kỵ với các tín đồ Hồi giáo vì bọn khủng bố Nhà nước Hồi giáo (tự xưng) không đại diện cho Hồi giáo.

Dù vậy, sau vụ tấn công khủng bố ở Pháp tối 13-11 và vụ xả súng ở bang California ngày 2-12, các tín đồ Hồi giáo ở Mỹ sống trong tâm trạng lo sợ.

Hôm đầu tuần, ứng viên chạy đua tranh cử tổng thống trong đảng Cộng hòa Donald Trump đã kích động hô hào đóng cửa biên giới đối với các tín đồ Hồi giáo.

Nhóm tranh cử của ông này đã phát một thông cáo với tiêu đề “Thông cáo của Donald Trump về ngăn chặn nhập cư Hồi giáo”.

Cuối tháng trước, Donald Trump khẳng định các tín đồ Hồi giáo ở Mỹ và trên thế giới đã ăn mừng vụ nước Mỹ bị tấn công khủng bố ngày 11-9-2001.

Ông Ahmed Shedeed, Giám đốc Trung tâm Hồi giáo ở Jersey City, phát biểu với AFP trong tâm trạng lo lắng: “Ông ấy đã trao cho mọi người cái quyền tấn công chúng tôi”.

Ủy ban Quan hệ Mỹ-Hồi giáo khẳng định đã ghi nhận nhiều trường hợp quấy rối, đập phá, phân biệt đối xử đối với tín đồ Hồi giáo trong tháng qua.

Biếm họa của JOEP BERTRAMS (báo Hà Lan The Netherlands) về phát ngôn của ứng viên Donald Trump.

Giới chức cộng đồng Hồi giáo bang New Jersey đã đến gặp công tố viên và đề nghị xem xét nghiêm túc các hành vi phân biệt đối xử đối với tín đồ Hồi giáo.

Trước đó đã xảy ra nhiều vụ khạc nhổ vào phụ nữ Hồi giáo che mạng, tài xế taxi bị ném bóng vào lưng, đầu heo bị bỏ trước đền thờ Hồi giáo ở Philadelphia.

Các tín đồ Hồi giáo địa phương cảm thấy sợ thực sự.

Bà Najiba Saleh là mẹ của bốn người con, đã sống ở Mỹ ba thập niên qua. Bà cho biết lần đầu tiên bà cảm thấy nguy hiểm. Bà nói: “Khi con cái rời khỏi nhà, tôi tự hỏi có ai đó chạy xe ngang qua rồi lấy chúng làm mục tiêu thì sao”.

Tại New York cuối tuần trước, ông chủ tiệm thuốc lá Sarker Haq cho biết ông đã bị một người đàn ông trạc ngũ tuần vừa đạp vừa hô: “Muốn giết hết bọn Hồi giáo”.

Ông bị đánh vào đầu, mặt, hông, môi bị bầm dập và bàn tay trái bị sai khớp. Ông nhận xét: “Tôi chưa bao giờ cảm thấy bất an như bây giờ. Ra đường tôi phải nhìn bên phải, bên trái”.

Nhà Trắng đã lên án mạnh mẽ phát biểu của ứng viên Donald Trump và kêu gọi đảng Cộng hòa cắt đứt quan hệ với ông này.

Tại Ai Cập, tổ chức Dar al-Iftaa (chức sắc tôn giáo cao nhất) đã lên án những lời của ông Donald Trump là “cực đoan và phân biệt chủng tộc”, muốn kích động căng thẳng trong xã hội Mỹ.

Tại Pháp, Thủ tướng Manuel Valls nhận xét đó là các phát biểu hổ lốn kích động căm thù.

Tại Anh, Thủ tướng David Cameron đã tố cáo các phát ngôn của ông Donald Trump là “xấu xa, vô ích và tự bản chất đã gieo rắc bất hòa”.

Trên trang web Quốc hội Anh đã xuất hiện bản kiến nghị kêu gọi không cho tỉ phú Donald Trump nhập cảnh vào Anh. Tính đến sáng 9-12, kiến nghị đã thu thập được 64.000 chữ ký. Nếu đủ 100.000 chữ ký, kiến nghị sẽ được Quốc hội xem xét.

Ngoài ra còn có một kiến nghị khác đề nghị rút lại danh hiệu tiến sĩ danh dự ĐH Robert Gorbon ở Scotland đã cấp cho ông Donald Trump năm 2010. Kiến nghị đã thu thập được hơn 17.500 chữ ký.

Theo báo cáo của Soufan Group (công ty nghiên cứu tình báo ở Mỹ) công bố hôm 8-12 (giờ địa phương), trong một năm rưỡi qua, quân số Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria từ 12.000 tên đã tăng gấp đôi, lên 27.000-31.000 tay súng nước ngoài của 86 quốc gia. Con số này tương đương quân dự bị của Pháp hoặc bằng quân số của Đan Mạch, Áo, Hungary. Khoảng 20%-30% tay súng nước ngoài quay trở lại cố hương.

____________________________________

Ông Donald Trump ngày càng giống người dẫn đầu đám đông sẵn sàng ném đá hành hình hơn là lãnh đạo một đất nước lớn như nước Mỹ.

Giám đốc Ủy ban Quan hệ Mỹ-Hồi giáo NIHAD AWAD

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm