Sửa luật để ‘xử’ tham nhũng hiệu quả

Kiến nghị đáng chú ý đầu tiên được nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Độ nêu ra là cần nâng cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc phát hiện, báo tin về tội phạm tham nhũng cho cơ quan chức năng. Muốn làm được như vậy, ngoài “trách nhiệm chính trị” thì phải quy định chế tài hình sự, hành chính, kỷ luật đối với người có trách nhiệm trong cơ quan, tổ chức.

Phải có chế tài

Theo ông Độ, Điều 25 BLTTHS quy định “các tổ chức, công dân có quyền và nghĩa vụ phát hiện, tố giác hành vi phạm tội…”. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành lại chỉ có chế tài với hành vi che giấu tội phạm, không tố giác tội phạm (Điều 313, Điều 314 BLHS) chứ không hề có chế tài hành chính hay kỷ luật nào với hành vi vi phạm nghĩa vụ phát hiện tội phạm. Thực tế hầu như không có cơ quan nào thông báo cho CQĐT, VKSND về hành vi tham nhũng xảy ra trong nội bộ hoặc lĩnh vực quản lý của mình.

Cũng theo ông Độ, hiện nay khi phát hiện tham nhũng, cơ quan thanh tra vẫn cố gắng ưu tiên xử lý bằng biện pháp hành chính, kỷ luật, kế đó mới là hình sự. Quy trình xử lý hiện nay đã làm giảm hiệu quả, kéo dài việc xử lý tội phạm tham nhũng, tạo điều kiện cho người phạm tội “che chắn”, đối phó, tiêu hủy chứng cứ, tẩu tán tài sản… gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử và nhất là thi hành án, thu hồi tài sản tham nhũng.

Từ đó, ông Độ đề nghị: “Trong bất kỳ cuộc thanh tra nào, khi có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, cơ quan thanh tra cần chuyển ngay hồ sơ, tài liệu cho CQĐT để xem xét, xác minh, khởi tố vụ án mà không phải chờ tiếp tục thanh tra, ra kết luận rồi mới chuyển”.

 
Ảnh minh họa: HTD

Quy định biện pháp điều tra đặc biệt

Một kiến nghị đáng chú ý khác của ông Trần Văn Độ là quy định các biện pháp điều tra đặc biệt như ghi âm, ghi hình bí mật, kiểm soát tài khoản thư điện tử… để áp dụng trong phát hiện, điều tra tội phạm tham nhũng, xâm phạm an ninh quốc gia và một số tội phạm khác.

Đồng tình nhưng Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh tra Chính phủ Nguyễn Tuấn Anh góp ý: Không nên quy định đương nhiên áp dụng các biện pháp điều tra đặc biệt khi thuộc một trong các trường hợp mà dự thảo BLTTHS (sửa đổi) đã đề xuất. Thay vào đó nên căn cứ vào tính chất, mức độ sai phạm, tình tiết thực tế... của vụ việc.

Về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết hiện vẫn đang diễn ra tranh luận là có nên luật hóa các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt hay không. Nếu luật hóa thì đến cỡ nào, thẩm quyền áp dụng ra sao để tránh lạm dụng tràn lan, vi phạm quyền công dân, nhất là vi phạm bí mật đời tư. Dự thảo BLTTHS (sửa đổi) mới nhất đã đưa ra ba biện pháp là ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật và thu thập bí mật dữ liệu điện tử; đề xuất về giai đoạn thực hiện biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt từ khi khởi tố vụ án.

Cho thẩm phán quyền miễn trừ

Cũng liên quan đến đề xuất hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm tăng cường phát hiện và xử lý hiệu quả tội phạm tham nhũng, ông Nguyễn Tuấn Anh kiến nghị quy định quyền miễn trừ (đặc quyền tư pháp) đối với một số chức danh tư pháp. Theo đó, các chức danh tư pháp này sẽ được miễn trừ trách nhiệm với quan điểm, quyết định đưa ra khi giải quyết án, trừ trường hợp cố ý vi phạm. Việc này sẽ bảo đảm tính khách quan, độc lập trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án.

Theo ông Tuấn Anh, trước mắt có thể quy định quyền miễn trừ của thẩm phán, chủ tọa phiên tòa và cụ thể hóa vào các quy định về quyền hạn của họ trong hoạt động xét xử. “Tuy nhiên, cũng cần quy định rõ và cụ thể các trường hợp không áp dụng quyền miễn trừ, kèm theo những ràng buộc về thẩm quyền, trình tự, thủ tục một cách chặt chẽ, công khai, minh bạch” - ông Tuấn Anh lưu ý.

Tám bất cập, vướng mắc

- Có quy định các tổ chức, công dân có quyền và nghĩa vụ phát hiện hành vi phạm tội nhưng không có chế tài xử lý vi phạm.

- Chưa có biện pháp hữu hiệu bảo vệ người tố giác tội phạm.

- Quy định về quy trình, trách nhiệm giải quyết tin báo, tố giác tội phạm thiếu chặt chẽ. VD: Khoản 2 Điều 103 BLTTHS quy định trong thời hạn 20 ngày (hoặc hai tháng) sau khi nhận được tin báo, tố giác về tội phạm, CQĐT phải kiểm tra, xác minh nguồn tin để quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự. Tuy nhiên, việc kiểm tra, xác minh đó được thực hiện theo thủ tục nào thì không có quy định.

- Thẩm quyền điều tra án tham nhũng chưa được phân định một cách cụ thể, rõ ràng giữa các CQĐT khác nhau, giữa CQĐT cấp trên với CQĐT cấp dưới.

- Đối tượng chứng minh quy định tại Điều 63 BLTTHS thiếu cụ thể, nhất là thiếu chứng cứ để có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn, biện pháp điều tra đặc biệt nhằm thu hồi tài sản tham nhũng.

- Chưa có đầy đủ biện pháp ngăn chặn có thể áp dụng trong việc quản lý, kê biên, nắm giữ tài sản, phong tỏa tài khoản, loại bỏ khả năng tẩu tán tài sản… của người phạm tội tham nhũng.

- Thiếu các biện pháp điều tra đặc biệt để phát hiện kịp thời, điều tra hiệu quả các vụ án tham nhũng phức tạp.

- Cơ chế phối hợp, chế ước được xác định chưa rõ ràng, chưa phù hợp với bản chất tố tụng tư pháp…

PGS-TS TRẦN VĂN ĐỘ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm