Thị trường tài chính toàn cầu tuần qua đã có nhiều biến động chưa từng thấy trong nhiều năm.
Trong sự kết hợp của nỗi sợ hãi và hoảng loạn, trong ngày 2 và ngày 5-8-2024, chỉ số chứng khoán MSCI AC của thị trường tài chính thế giới giảm 5%, ba chỉ số chứng khoán lớn của Mỹ giảm 4-6%, trong khi Nikkei của Nhật Bản lao dốc gần 18%.
Trong thời gian này, đồng yên Nhật tăng giá 3,5% so với USD (đồng tiền này đã tăng hơn 10% kể từ mức thấp nhất là 161,69 vào ngày 10 tháng 7) khi chỉ số đô la Mỹ (DXY) giảm 1,7%. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm và 10 năm lần lượt giảm 22,8 điểm cơ bản và 18,7 điểm cơ bản.
Chỉ số biến động VIX hay thường được gọi là chỉ số sợ hãi trên thị trường tài chính tăng vọt lên 38,57 vào ngày 5-8, mức cao nhất kể từ tháng 11-2020.
Theo chuyên gia UOB, sự kết hợp của nhiều yếu tố bao gồm việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) bất ngờ tăng lãi suất, báo cáo bảng lương phi nông nghiệp đáng lo ngại của Hoa Kỳ và căng thẳng gia tăng ở Trung Đông đã gây ra làn sóng bán tháo hoảng loạn và tâm lý e ngại rủi ro trên thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, chuyên gia UOB cho rằng sự hoảng loạn trên thị trường tài chính toàn cầu dường như quá mức và không cần thiết. Dữ liệu hiện tại và các chỉ số căng thẳng tài chính cho thấy nền kinh tế Mỹ chưa bên bờ vực “hạ cánh cứng”, mặc dù vẫn chưa xác định được tâm lý tiêu cực và trạng thái hoảng loạn trên thị trường sẽ kéo dài bao lâu.
Nếu không có bằng chứng về sự suy giảm đáng kể trong các yếu tố kể trên, chuyên gia UOB giữ nguyên dự báo về kịch bản giảm lãi suất 2 lần của Fed với mức 25 điểm cơ bản vào năm 2024 và 4 lần với mức 25 điểm cơ bản cho đến năm 2025, mặc dù vẫn có nguy cơ Fed sẽ cắt giảm nhiều hơn và sớm hơn.
Chuyên gia cho rằng diễn biến trên thị trường tài chính toàn cầu như vậy chỉ tạo ra những tác động ngắn hạn lên thị trường tài chính Việt Nam chứ không gây ra các ảnh hưởng dài hạn đến triển vọng dòng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Theo phân tích của các chuyên gia ngân hàng HSBC tại Việt Nam trong báo cáo Vietnam At A Glance mới công bố, chi phí cạnh tranh và môi trường đầu tư thuận lợi đóng vai trò trọng yếu trong thu hút các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là công ty sản xuất, đến Việt Nam xây dựng nhà máy và xuất khẩu hàng hóa từ đây đi.
Chuyên gia HSBC nhận xét trong tháng 7, sự phục hồi trong hoạt động thương mại tiếp tục mạnh mẽ hơn và lan rộng sang các nhóm hàng ngoài điện tử, mặc dù tình hình hoạt động trong nước không được như vậy. Tuy nhiên chuyên gia lo ngại về lạm phát, trong khi lạm phát có khả năng giảm trong những tháng tới, tình hình lạm phát liên tiếp tiến sát trần 4,5% là một lần nhắc nhở cần phải thận trọng với những rủi ro về giá và hoạt động.
Trong vòng 20 năm qua, Việt Nam đã vươn mình trở thành một cứ điểm sản xuất lớn và hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Xuất khẩu đã tăng hơn 13% bình quân hàng năm từ 2007, chiếm lĩnh chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
HSBC chỉ ra yếu tố Việt Nam thu hút nhà đầu tư nước ngoài nhất đến từ chi phí lao động thấp nhưng chất lượng lao động lại tương đối tốt, giá điện cho kinh doanh tại Việt Nam thấp thứ hai so với các quốc gia khác; giá dầu diesel, vốn được sử dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp, rất cạnh tranh.
Ngoài ra, hệ thống thuế của Việt Nam cũng vô cùng hấp dẫn nhà đầu tư ngoại. Việt Nam có vị thế cạnh tranh so với các quốc gia khác nhờ mức thuế thu nhập doanh nghiệp theo luật định 20% và có thể ưu đãi hơn tùy trường hợp.
HSBC chỉ ra điểm đáng mừng là xuất hiện dấu hiệu cho thấy nhiều kiến thức và quy trình sản xuất phức tạp thâm nhập vào Việt Nam. Năm 2022, Samsung thành lập một trung tâm nghiên cứu và phát triển ở Hà Nội nhằm phát triển thêm năng lực sản xuất, đồng thời bắt đầu sản xuất một số thành phần bán dẫn.
Apple cũng gia tăng tầm ảnh hưởng ở Việt Nam, phân bổ nguồn lực phát triển sản phẩm cho iPad.