Dù là họng súng của sát thủ, là đánh bom khủng bố hay mưa bom lửa đạn tại Syria, các nhà báo vẫn quên đi sự an nguy cho bản thân mình và cố hoàn thành nhiệm vụ đưa thông tin đến với mọi người. Đã có không ít câu chuyện về lòng quả cảm và sự chuyên nghiệp hiểm nguy.
Quên mình vì nhiệm vụ
Những tấm ảnh ghi lại hiện trường vụ ám sát Đại sứ Nga Andrey Karlov vào ngày 19-12 vừa qua đã làm chấn động Thổ Nhĩ Kỳ và làng báo thế giới. Được ghi lại bởi hãng tin AP, chỉ trong vài giờ đồng hồ, những hình ảnh ghi lại chân dung sát thủ Altintas và vụ ám sát đã thu hút hơn 18 triệu người trên Facebook với hơn 430.000 người dùng tương tác và chia sẻ. Chúng xuất hiện đồng loạt trên trang nhất của các tờ báo hàng đầu thế giới, tại mọi quốc gia trên thế giới. Hình ảnh này có sức lan tỏa mạnh mẽ không phải chỉ vì sự kinh hoàng của vụ án mạng mà còn vì sự quả cảm và chuyên nghiệp đáng khâm phục của phóng viên (PV) ảnh Burhan Ozbilici.
Ozbilici là PV đại diện cho hãng tin AP đến tham dự và chụp ảnh cho buổi triển lãm mang tên “Nước Nga trong mắt người Thổ”, tại thủ đô Ankara nơi xảy ra vụ ám sát. Anh đã tận mắt chứng kiến Altintas nã gần 11 phát đạn với tám phát găm vào lưng nhà ngoại giao Nga. Trước họng súng của sát thủ, cũng như tất cả quan khách trong khán phòng, Ozbilici cũng khiếp sợ. Nhưng thay vì tìm nơi ẩn nấp, PV tìm đến chiếc máy ảnh. “Tôi là một PV. Tôi có nhiệm vụ cần phải làm. Tôi có thể bỏ chạy mà không chụp tấm ảnh nào. Nhưng rồi tôi sẽ chẳng biết trả lời thế nào nếu có ai đó hỏi tôi: “Vì sao anh không chụp được tấm nào?””.
Nhiều đồng nghiệp đã dành lời khen ngợi cho sự quả cảm và chuyên nghiệp đáng nể của Ozbilici. Karl Vick, PV của tạp chí Time, mô tả bức ảnh là một “hình tượng mẫu mực”. Nhiếp ảnh gia/nhà văn Serbia Dunja Djudjic nhận định: “Chính nhờ một nhiếp ảnh gia quả cảm và cực kỳ chuyên nghiệp, chúng ta đã có được những bức ảnh tư liệu mạnh mẽ và ấn tượng nhất của năm nay”.
Ozbilici đã quả cảm ghi lại bức ảnh chụp cận cảnh sát thủ Altintas sau khi đại sứ Nga bị bắn gục. Ảnh: AP
Đường chạy bỗng nhuốm máu
Vào ngày 15-4-2013, TP Boston (Mỹ) rúng động vì hai quả bom tự tạo bằng nồi áp suất phát nổ ngay gần vạch đích của sự kiện chạy việt dã nổi tiếng khiến ba người thiệt mạng và 264 người khác bị thương. Lần thứ hai trong lịch sử đương đại của Mỹ, một vụ đánh bom khủng bố xảy ra trên lãnh thổ nước này, kể từ sau thảm họa khủng bố Trung tâm thương mại Thế giới ngày 11-9-2001.
Vào thời điểm vụ đánh bom diễn ra, PV của tờ The New York Times, anh John Eligon, vừa về đến nhà sau khi hoàn thành phần chạy của mình, hoàn toàn không hay biết gì về buổi chiều bi kịch của Boston. Bất ngờ anh nhận được tin nhắn của bạn bè hỏi thăm anh có an toàn không. Rồi một cuộc gọi nhỡ của tòa soạn và lời nhắn đến ngay hiện trường tác nghiệp. Eligon dần hiểu đã có một sự kiện tồi tệ xảy ra nơi ít phút trước anh vừa rời khỏi. Nhà báo 30 tuổi lao ngay đến hiện trường.
Eligon là một trong nhiều nhà báo Mỹ đã tham gia chạy trong cuộc thi việt dã của TP Boston. Thời điểm ấy Michael Rezendes, PV điều tra của Boston Globe, tham gia cuộc chạy và đã chạy hơn 40 km, trang Hufington Post cho biết. Nghe tin vụ nổ, điều anh làm là lao ngay vào quán bar và gọi về cho tòa soạn. “Ngay khi hiểu rõ rằng một thảm kịch vừa xảy ra, tôi chỉ lập tức hành động như quán tính” - Rezendes kể lại. Anh mượn nhanh một cây viết và một tờ giấy, lao lại ra đường phỏng vấn hai nhân chứng, lấy thông tin từ cảnh sát và chạy ngay về tòa soạn để nộp bài.
Trong vụ đánh bom khủng bố sự kiện chạy việt dã ở Boston vào năm 2013, nhiều nhà báo đưa tin cũng chính là vận động viên tham gia cuộc chạy này. Ảnh: Reuters
Vernon Loeb của tờ The Washington Post may mắn về đích khoảng 15 đến 20 phút trước khi hai quả bom phát nổ. “Tiếng nổ lớn kinh hoàng. Sau tiếng nổ, bất chợt mọi âm thanh như chết lặng. Rồi gần như ngay lập tức, còi hụ vang đồng loạt. Cảnh sát rồi xe cứu thương lũ lượt đổ đến” - Loeb trả lời kênh truyền hình MSNBC. PV của The Wall Street Journal, cô Colleen McCain Nelson, thậm chí còn may mắn hơn Loeb, cô cách vụ nổ chắc chỉ tầm chục mét. “Tiếng reo hò phấn khích lập tức được thay bởi sự im lặng, rối ren và xa hơn là tiếng la hét kêu gào. Những khán giả vừa chúc mừng tôi ít phút trước, giờ đây bê bết máu và được chuyển nhanh đến các lều cứu thương được chuẩn bị sẵn cho vận động viên” - Nelson hồi tưởng.
Trong chớp mắt, tất cả nhà báo tham dự cuộc thi đều “lột xác” từ vận động viên trở lại nhiệm vụ tác nghiệp tại hiện trường. Họ không trốn chạy khỏi nguy cơ còn quả bom nào đó chưa phát nổ, bất chấp rằng liệu các nghi phạm có còn ở gần hiện trường hay không dù có tin báo cảnh sát đang đấu súng với một đối tượng nào đó. Từ một trung tâm tin tức dã chiến bên đường đua nhuốm máu, họ đưa những thông tin nóng nhất, mới nhất về cho tờ báo.
“Phóng viên” bảy tuổi giữa bom đạn Syria Trên trang mạng Twitter, cô bé Syria bảy tuổi Bana Alabed đã thường xuyên đăng tải hình ảnh và chia sẻ về cuộc sống của gia đình mình giữa TP bom đạn Aleppo. Tài khoản @AlabedBana của cô bé hiện được hơn 360.000 người theo dõi kể từ khi thành lập vào tháng 9 năm nay. Bé Bana Alabed cùng cha mẹ và hai em sống ở TP Aleppo, nơi diễn ra cuộc xung đột kéo dài giữa quân chính phủ Syria và phiến quân nổi dậy. Theo BBC, bà Fatemah Alabed, mẹ bé Bana, là một giáo viên tiếng Anh. Bà đã dạy cho con gái ngôn ngữ này từ khi cô bé mới bốn tuổi. Còn cha của Bana là luật sư tại một trung tâm pháp lý trong TP. Dưới sự giúp đỡ của mẹ, bé Bana thường xuyên đăng tải hình ảnh về cuộc sống thường ngày của mình trong lửa đạn Aleppo với hy vọng TP nhận được sự hỗ trợ của quốc tế. Ngày 26-9, cô bé đăng hình ảnh đang ngồi đọc sách trong ngôi nhà ở miền Đông Aleppo cùng chú thích: “Xin chào buổi chiều từ Aleppo, tôi đang đọc sách để quên đi chiến tranh”. Hằng ngày Bana kể về nỗi khiếp sợ mà những người xung quanh bé phải chịu trong thảm kịch chiến tranh. “Tôi đang nghĩ đến bạn bè của mình đêm nay” - Bana viết. “Bạn ấy đến nhà ông nội, bây giờ thì tôi không biết bạn ấy, anh trai và cha bạn ấy có còn sống hay không. Họ bị kẹt dưới đống đổ nát của tòa nhà bị đánh bom”. Cô bé cũng thường đăng hình ảnh của các tòa nhà đổ nát với chú thích như: “Bom đã rơi trúng căn nhà bên cạnh, tôi cũng có thể chết bất cứ lúc nào dưới bom đạn ở đây”. Bana và mẹ không nói về chính trị mà chỉ nói rằng mong muốn hòa bình. “Tôi muốn Syria được hòa bình” - cô bé bảy tuổi nói. “Tôi yêu Syria và chỉ muốn sống ở đây mãi mãi”. Cô bé Bana từng viết rằng em ước mơ trở thành giáo viên giống mẹ, tuy nhiên trường học đã bị đánh bom khiến bé không thể tiếp tục đến trường. Giống bất kỳ đứa trẻ bảy tuổi nào khác, Bana luôn muốn được đến trường và chơi đùa cùng bạn bè mình. Trong một cuộc trò chuyện với BBC, bà Fatermah cho biết Bana thực sự “muốn thế giới được nghe giọng nói của chúng tôi”. “Con bé nói: “Mẹ, sao không ai giúp chúng ta?”” - bà Fatermah kể lại. “Tôi muốn nói với mọi người trên thế giới về những gì mà những đứa trẻ và người dân tại miền Đông Aleppo phải gánh chịu do bom đạn, vì ở đó cuộc sống thực sự không còn tồn tại” - bà Fatermah nói. “Chúng tôi đã thành lập tài khoản Twitter để nói với người dân trên toàn thế giới về những gì đang diễn ra tại đây”. Theo The New York Times, với việc các nhà báo phương Tây không thể tiếp cận được một số khu vực ở Syria, những dòng chia sẻ của bé Bana đã mang đến một “góc khuất khác của câu chuyện”. Báo The Washington Post trong một bài đăng hôm 19-12 đã gọi cô bé là “Anne Frank của cuộc nội chiến Syria”. Tờ The Washington Post viết: “Bana - một bé gái nhỏ nhắn với mái tóc đen dài, đôi mắt nâu to tròn và một giọng nói du dương đã nhanh chóng trở thành biểu tượng mới cho chiến tranh khủng khiếp đang diễn ra ở Syria”. |