Vì sao Đại sứ Nga bị ám sát?

Đêm 19-12 giữa thủ đô Ankara, tại một buổi triển lãm ảnh được Đại sứ quán Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức, Đại sứ Nga Andrei Karlov đã bị một tay súng bắn gục từ sau lưng. Hung thủ Mevlut Mert Altintas, một cựu cảnh sát chống bạo động chỉ mới 22 tuổi, đã lạnh lùng nã ít nhất 11 phát đạn vào người nhà ngoại giao Nga trước sự chứng kiến của báo giới quốc tế và nhiều quan khách tham dự sự kiện. Thổ Nhĩ Kỳ chấn động. Nước Nga đau buồn.

Moscow và Ankara đã đồng loạt lên tiếng cáo buộc vụ khủng bố nhằm phá hoại mối quan hệ song phương. Một đội chuyên án với đại diện của hai nước đã được thiết lập để điều tra về “hành động khủng bố”, theo như lời lên án của Bộ Ngoại giao Nga. Thế nhưng đến lúc này, câu trả lời cuối cùng về việc ai chủ mưu vụ ám sát làm rúng động Thổ Nhĩ Kỳ và thời sự quốc tế vẫn chưa có lời giải.

Những giả thuyết

Theo trang tin Russia Beyond The Headlines (RBTH), hiện có nhiều giả thuyết được đưa ra lý giải về vụ ám sát nhà ngoại giao người Nga tại Ankara. Giải thuyết thứ nhất cho rằng vụ ám sát được chủ mưu bởi những người ủng hộ giáo sĩ Hồi giáo Fethulla Gulen và bất đồng với sự “nồng ấm” hiện nay trong mối quan hệ giữa Ankara với đối thủ chiến lược là Moscow.

Kể từ sau vụ đảo chính bất thành tại Ankara và Istanbul vào tháng 7-2016, chính quyền của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã cáo buộc giáo sĩ Gullen cùng những người ủng hộ ông đứng sau âm mưu tạo phản. Ông Erdogan cáo buộc vị giáo sĩ, vốn đang tự tuyên bố tị nạn chính trị trên đất Mỹ, là một “kẻ thù của nhân dân” đất nước Thổ Nhĩ Kỳ. Tay súng Altintas sau khi bắn chết Đại sứ Andrei Karlov đã nhiều lần hô vang khẩu hiệu đầy hận thù “Hãy nhớ lấy Aleppo! Hãy nhớ lấy Aleppo!”. Rất có thể những người phản đối ông Erdogan cũng bất bình khi quyền kiểm soát TP Aleppo từ tay lực lượng phiến quân, từng được cho là có sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ, lại rơi vào tay “đối thủ” là Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Cũng có người nghi ngờ rằng vụ khủng bố được lên kế hoạch thực hiện bởi các tổ chức Hồi giáo cực đoan mà cái tên được nghĩ đến đầu tiên là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Không những thế Thổ Nhĩ Kỳ cũng từng có lịch sử “đi đêm” với các tổ chức Hồi giáo cực đoan gốc Sunni có liên hệ đến lực lượng phiến quân tại Syria. Với kết cục hiện nay tại chiến trường Aleppo, có thể một trong các tổ chức cực đoan đó đã cảm thấy bị phản bội, trang RBTH nhận định.

Cố đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrei Karlov (trái) bước cạnh Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải). Ảnh: REUTERS

 

Ngoài ra, nhiều người cũng không loại trừ khả năng Altintas và có thể là cả các đồng phạm của tay súng này thực hiện vụ khủng bố hoàn toàn độc lập chứ không có tổ chức nào đứng sau. Các tổ chức cực đoan đòi ly khai của người Kurd cũng có khả năng đã lên kế hoạch cho vụ xả súng. Với các hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực phía bắc Syria, nơi được xem là hậu phương của các tổ chức cực đoan người Kurd, vụ ám sát đại sứ Nga cũng có thể là một hành động báo thù lấy cái cớ là chiến sự đẫm máu tại Aleppo.

Vì sao lại nhắm vào đại sứ?

Sau cái chết của ông Andrei Karlov, ngoại trưởng Ukraine, ông Pavlo Klimkin, đã đăng tải trên Twitter như sau: “1/2 nước Nga phải chịu trách nhiệm cho những vi phạm kinh khủng về nhân quyền và cái chết của hàng ngàn người vô tội tại Syria và Ukraine”. Ông sau đó cũng nói thêm rằng “không gì có thể biện bạch” cho tội ác gây ra đối với nhà ngoại giao Nga. Klimkin phần nào đó nói đúng. Dẫu chưa xác định được ai chủ mưu gây ra cái chết của nhà ngoại giao Nga, giờ đây Moscow có lẽ đã bắt đầu cảm nhận rõ được rằng quyền lực có thể “phải trả giá bằng máu”, tờ The Chicago Tribune nhận định.

Các nhà ngoại giao bị ám sát vì họ là người đại diện cho một quốc gia và cả những chính sách và hành động của quốc gia đó, cây bút Leonid Bershidsky bình luận trên chuyên mục Bloomberg View. Các đại sứ trở thành mục tiêu “lý tưởng” cho những kẻ muốn tạo tiếng vang cho sự chống đối của mình với những chính sách và hành động của quốc gia mà các nhà ngoại giao đại diện. Sự can dự của nước Nga vào Trung Đông đang nung nấu thêm sự thù hằn từ nhiều tổ chức khủng bố. Nhiều nhóm cực đoan thù ghét nước Nga cũng nhiều như họ thù ghét nước Mỹ và phương Tây, Bershidsky nhận định.

Người cảnh sát chống bạo động bắn gục ông Karlov rất nhiều khả năng là một người ủng hộ mạnh mẽ cho phiến quân tại Syria, vừa bị lực lượng thân Assad và hỏa lực của Nga đánh bại tại Aleppo. Cái chết của ông Karlov là lời nhắn đẫm máu mà Altintas muốn gửi đến Nga chống đối sự can thiệp tại Syria. Moscow có thể nghĩ rằng sự hiện diện của họ tại Syria là để tạo một đối trọng với sự can thiệp quân sự bạo lực của nước Mỹ. Nhưng đối với những phần tử cực đoan, bảo vệ các giá trị bảo thủ của Hồi giáo, Moscow chỉ đơn giản là một quốc gia “thập tự chinh” khác đang xâm phạm vùng đất của họ, ông Bershidsky nhận định.

Quy tội cho giáo sĩ Gulen

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu (trái) và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (phải) đặt hoa viếng lễ tang của cố đại sứ Karlov. Ảnh: AP

Dù rằng chưa có kết luận điều tra cuối cùng về cái chết của ông Andrei Karlov, chính quyền của Tổng thống Erdogan đã nhanh chóng chỉ tay quy trách nhiệm cho giáo sĩ Gulen. Chỉ vài tiếng sau khi vụ ám sát xảy ra, nhiều quan chức và các kênh truyền thông ủng hộ ông Erdogan đã mô tả “sát thủ” Altintas như một “điệp viên ngầm” của ông Fethullah Gullen, tờ The New York Times cho biết.

The Daily Sabbah, một tờ báo ủng hộ chính phủ của ông Erdogan, khẳng định Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và khẳng định: “Cả Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đều biết rằng giáo phái khủng bố của Gulen đứng sau vụ ám sát Đại sứ Andrey Karlov”.

Kể từ sau vụ đảo chính bất thành vào tháng 7-2016, chính phủ Ankara đã nhiều lần yêu cầu Washington cho dẫn độ giáo sĩ Gulen về nước để điều tra và xét xử. Thế nhưng đến nay phía Mỹ vẫn xem xét yêu cầu này và chưa đưa ra quyết định cuối cùng. Nhiều nhà quan sát cho rằng ông Erdogan đang muốn tận dụng bi kịch lần này để chỉ tay đổ tội, gây sức ép để Mỹ cho trục xuất giáo sĩ Gulen.

Hung thủ bắn đại sứ Nga đến 11 phát đạn

Theo kết quả điều tra ban đầu, hung thủ người Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Mert Altıntas đã bắn 11 phát đạn về hướng Đại sứ Nga Andrey Karlov lúc ông phát biểu khai mạc cuộc triển lãm ảnh tại Ankara. Tám phát đạn đã trúng đại sứ Nga. Ngoài đại sứ Nga còn có ba khách tham quan triển lãm bị thương.

Hãng tin RIA Novosti (Nga) ngày 21-12 đưa tin căn cứ thông báo phát trên Internet, nhóm khủng bố Jabhat Fateh al-Sham (đang đánh nhau tại Syria) đã nhận trách nhiệm vụ bắn chết đại sứ Nga. Nhóm Hồi giáo cực đoan này đổi tên từ Mặt trận Al Nusra vốn là cánh khủng bố Al Qaeda ở Syria.

Tại Ankara, chính quyền đã triển khai thêm cảnh sát và xe vòi rồng bảo đảm an ninh quanh đại sứ quán Nga. Báo chí Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin một tuần trước khi gây án, hung thủ (là cảnh sát) đã được phân công bảo vệ đại sứ quán Nga tại Ankara trong lúc nhiều cuộc biểu tình chống Nga bùng nổ để phản đối chiến dịch tái chiếm Aleppo.

Sau thị trưởng Ankara, đến lượt Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Çavusoglu khẳng định với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry rằng mạng lưới của giáo sĩ người Thổ Nhĩ Kỳ Fethullah Gulen (đang sống lưu vong ở Mỹ) đứng sau vụ bắn chết đại sứ Nga.

Tối 20-12, thi hài của Đại sứ Nga Andrey Karlov đã được máy bay Nga đưa về Moscow sau nghi thức tiễn đưa tại sân bay Ankara. Tại sân bay ở Moscow, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ cùng gia đình nạn nhân đã đón linh cữu trong nghi thức quân đội.

PH.QUỲNH

Vì sao không bắt sống?

Theo ông Boris Dolgov, Viện Trung Đông thuộc Học viện Khoa học của Nga, sát thủ giết hại ông Karlov đáng lẽ ra nên bị bắt sống để tra khảo thêm. “Thật lạ là Altintas bị bắn hạ. Vẫn có cơ hội bắt sống hắn và tra khảo” - ông Dolgov cho biết.

Andrei Popov, thành viên kỳ cựu của đội Alpha, biệt đội chuyên chống khủng bố và giải thoát con tin của Nga, phân tích: “Rõ ràng vào thời điểm đặc nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ đến nơi, tay súng đã tự ra mặt. Hắn cũng không ngăn người khác rời khỏi tòa nhà và không bắt ai làm con tin. Hoàn toàn có thể bắt sống”. Ông Popov cũng không loại trừ giả thuyết Altintas có một hoặc một số đồng phạm có khả năng tác động đến quyết định tại hiện trường của đặc nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ. Có thể những người đó đã ra lệnh bắn hạ tay súng để triệt đầu mối.


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm