Giáo dục giới tính trong nhận thức chung của nhiều người là chuyện tế nhị, nhạy cảm, bí mật “dễ đùa khó nói”… Theo đó, không ít phụ huynh tỏ ra ái ngại khi con cái đặt các câu hỏi trực diện, còn giáo viên thì lúng túng, “đỏ mặt tía tai” khi phải giải đáp thắc mắc của học sinh.
Đoán con gái không thích nghe chuyện con trai
Nhận định về vấn đề này, Tiến sĩ giáo dục Đinh Thanh Tuyến, Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ: “Ai cũng nghĩ vấn đề về giới và giới tính là vô cùng nhạy cảm, người lớn tự cho mình quyền chỉ nói điều tế nhị này với nhau mà không muốn trẻ được biết”.
Theo đó, một số người né tránh, thậm chí cấm đoán trẻ tìm hiểu về giới tính, tình dục, sinh sản… khi chưa đủ tuổi. Đặc biệt, không khuyến khích hoặc hạn chế con trẻ tìm hiểu về cơ thể, giới tính của bạn khác giới vì những vướng mắc và nghi ngại chủ quan. Từ đó, dẫn đến quyết định tách riêng nam, nữ khi triển khai các hoạt động giáo dục giới tính cả trong lẫn ngoài trường học bất kể những khía cạnh thiếu hợp lý, khoa học của quyết định này.
Một lần, giáo viên TM (chủ nhiệm lớp 6 tại một trường quốc tế ở quận Bình Thạnh, TP.HCM) đề nghị tôi tách riêng nam, nữ thành hai nhóm và học lệch giờ với chủ đề “Phòng chống xâm hại tình dục” mà tôi sẽ đảm nhận. Tôi không khỏi ngạc nhiên, vì chưa từng có tiền lệ nào như vậy đối với việc mời dạy của các trường quốc tế - nơi được đánh giá là tiến bộ, cởi mở. Lý do được cô giáo đưa ra là: “Phụ huynh đề nghị như vậy!”. Cô TM cũng đồng tình và cô đoan chắc rằng con gái không muốn nghe “chuyện con trai” và ngược lại.
Tương tự, một giáo vụ trường tư thục tại Đồng Nai hỏi ý kiến tôi về việc hiệu trưởng của trường muốn bố trí khối tiểu học thành hai lớp nam nữ khi giáo dục giới tính.
Thạc sĩ Lê Minh Huân trong một tiết dạy Phòng chống xâm hại tình dục. Ảnh: NVCC |
Trước giờ, tôi vẫn giữ quan điểm không nên tách riêng nam nữ khi dạy/giáo dục giới tính trừ trường hợp rất cần thiết hoặc bất khả kháng. Chuyện nhạy cảm cần phổ cập cho cả hai giới, nội dung tế nhị thì truyền tải sao cho tinh tế, khéo léo để ai cũng thấy thoải mái, cởi mở nhìn nhận và tiếp thu.
Việc gộp chung nam, nữ khi dạy giới tính có ý nghĩa quan trọng với trẻ. Một phần học sinh sẽ biết rõ về bản thân, mặt khác biết về đặc điểm giới tính người khác giới, nhất là thông qua những câu hỏi, tình huống ứng xử ngay tại lớp học.
Một số lớp/chương trình học, tôi đề xuất phụ huynh, giáo viên và cán bộ, công nhân viên của trường tham gia cùng học sinh để hiểu các con học gì, biết và chưa biết kiến thức, kỹ năng gì. Từ đó điều chỉnh cho phù hợp, hiểu mình, hiểu trẻ và tiến tới tôn trọng, bảo vệ mình và không xâm hại, góp phần đảm bảo an toàn cho người khác.
Một lớp, một trường học hay cộng đồng an toàn phải là tập thể hiểu biết, có tri thức cơ bản như nhau, biết hành xử phù hợp với đặc điểm giới của chính mình và người khác. Tinh thần tôn trọng giới, bình đẳng giới nhờ đó ngày càng được nâng cao hơn.
Đồng tình, Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An, nguyên giảng viên Khoa Tâm lý học, Đại học Sư phạm TP.HCM nêu quan điểm không cần thiết phải tách riêng nam nữ khi giáo dục giới tính. Bởi mục đích của giáo dục giới tính là hướng đến việc cung cấp những kiến thức cơ bản, những kĩ năng thiết yếu về giới cho trẻ. Giáo dục giới tính chỉ trở nên toàn diện khi việc truyền thụ đảm bảo sự đa dạng, cập nhật và mở rộng vấn đề để các em không chỉ hiểu về giới của chính mình mà còn ở giới khác.
“Thứ nữa, khi giáo dục giới tính một cách tổng thể không tách riêng nam nữ sẽ giúp các em có thêm góc nhìn, giảm bớt sự tò mò, hoài nghi về giới. Kỳ thực sự tò mò về giới của lứa tuổi mới lớn có thể tìm ẩn những rủi ro. Theo đó, việc làm này còn mang tính giảm thiểu rủi ro cho trẻ vị thành niên” – Thạc sĩ An giải thích thêm.
Tách riêng dễ khiến cảm thấy giới tính là chuyện xấu hổ
Nhiều năm làm công tác tư vấn tâm lý, giảng dạy kỹ năng sống, kỹ năng mềm cho phụ huynh và trẻ em, Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hải Uyên, Chuyên viên tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM ủng hộ trong hầu hết trường hợp, giáo dục giới tính nên giữ nguyên, không tách lớp thành hai nhóm nam nữ.
Theo ThS Hải Uyên, thứ nhất, việc tách riêng nam, nữ khi giáo dục giới tính giống như hình thức “trò chuyện bí mật”, dễ khiến học sinh cảm thấy chuyện giới tính và các đặc điểm riêng của giới tính là chuyện xấu hổ, cần che giấu. Trong khi thực tế, đó là thông tin khoa học chính thống. Điều này còn nguy hại hơn khi các con có khó khăn liên quan đến sức khỏe thể chất hoặc tâm lý. Chẳng hạn, vì không thỏa mãn thắc mắc của bản thân nên trẻ tự mày mò, tìm hiểu các thông tin thiếu chọn lọc, không dám bày tỏ khi có bất thường về cơ thể, không dám đặt câu hỏi khi có băn khoăn cảm xúc với bạn khác giới, không dám kể lại khi có nguy cơ hoặc đã là nạn nhân bị xâm hại.
Thứ hai, việc giáo dục cùng giúp các con hiểu đặc điểm giới tính bản thân và giới còn lại, hình thành thái độ trân trọng, thấu hiểu và biết cách chăm sóc cho giới kia (bạn, người thân trong gia đình hoặc người yêu) và hướng tới bình đẳng giới trong giao tiếp.
Tiếp cận ở góc độ phổ quát hơn, Tiến sĩ Xã hội học, Thạc sĩ tâm lý lâm sàng Phạm Thị Thúy, Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia tại TP.HCM cho rằng, khi giáo dục giới tính, có một số đề tài sâu ở khía cạnh giới nên tách riêng nam nữ, còn lại những nội dung cơ bản, tiếp cận chung cho cả hai giới nên dạy chung.
Như vậy, việc dạy giáo dục giới tính về thực chất không cần phải tách riêng nam, nữ như một số trường học, cơ sở giáo dục đang làm. Những lo ngại trẻ mắc cỡ, ái ngại hay rụt rè hoặc không thích nghe thông tin của bạn khác phái cần được giải tỏa và nhìn nhận theo hướng cởi mở, tiến bộ và khoa học hơn. Điều quan trọng cần lưu tâm chính là dạy giới tính cho trẻ càng sớm càng tốt, giúp trẻ biết cách phòng chống xâm hại, bảo vệ chính mình, chăm sóc sức khỏe sinh sản và ứng xử văn minh phù hợp với bạn bè khác giới.
Nếu giáo dục giới tính thiên lệch, thiếu bài bản, cấm đoán sẽ dễ dẫn đến tình trạng yêu sớm bỏ bê học hành, quan hệ tình dục bừa bãi, mang thai ngoài ý muốn, phá thai... Người lớn không cần cảm thấy quá lo lắng rằng chúng ta đang “vẽ đường cho hươu”, thay vào đó hãy “vẽ đường cho hươu chạy đúng”.