Lên tiếng khi bị xâm hại tình dục: Không bao giờ là quá muộn

(PLO)- Tọa đàm phân tích các khía cạnh liên quan đến việc lên tiếng của những người bị bạo lực và xâm hại tình dục tại Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 14-4, Mạng lưới Phòng ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam - GBVNet tổ chức toạ đàm LÊN TIẾNG - Không bao giờ là quá muộn.

Nêu dẫn chứng về những vụ việc các em gái, phụ nữ lên tiếng tố cáo bị quấy rối, xâm hại tình dục, tọa đàm đánh giá, đặc điểm chung của các vụ này là nạn nhân bị quấy rối, xâm hại tình dục trong một thời gian dài, trải qua các vấn đề về tâm lý, sau rất nhiều năm mới dám lên tiếng, thậm chí hàng chục năm.

Câu hỏi dư luận hay đặt ra là “Tại sao bây giờ mới lên tiếng?” “Sao lên tiếng muộn như vậy?” “Những vụ sau hàng chục năm nạn nhân mới lên tiếng liệu có còn hiệu lực pháp lý”.

Các diễn giả tham dự tọa đàm, Ảnh: VT

Các diễn giả tham dự tọa đàm, Ảnh: VT

Nhà báo Trương Anh Ngọc bày tỏ: “Việc nạn nhân lên tiếng tố cáo tuy gợi cho chúng ta những cảm xúc buồn, tiếc và cả phẫn nộ, nhưng ở khía cạnh khác, đây cũng là chuyển biến tích cực và đáng mừng, bởi nạn nhân đã dũng cảm lên tiếng, như một sự khích lệ để những người rơi vào hoàn cảnh tương tự cũng lên tiếng, không im lặng nữa.

Từng là “người trong cuộc”, TS. Ngữ văn Nguyễn Thị Thanh Lưu chia sẻ: “Khi tôi là nạn nhân của quấy rối, xâm hại, tôi đã sợ hãi, cảm thấy là sự cố đáng xấu hổ của cuộc đời mình, không dám chia sẻ với ai ngoài chồng tôi, lúc đó là người yêu là người nước ngoài".

Chị cho biết, sau 7 năm khi gặp lại thủ phạm chị cảm thấy nỗi đau sống lại ngùn ngụt trong lòng mình. “Tôi rất thấu hiểu với các nạn nhân khi sau rất nhiều năm, thậm chí hàng chục năm mà nỗi đau vẫn còn đó”- chị nói.

Nói về việc “lên tiếng muộn” thì vấn đề pháp lý sẽ như thế nào, luật sư Nguyễn Hữu Long chia sẻ: Xét về góc độ pháp lý, pháp luật Việt Nam có đầy đủ cơ sở để xử phạt mọi hành vi quấy rối, xâm hại tình dục. Việc lên tiếng, tố giác cũng như thu thập bằng chứng cần được thực hiện sớm ngay khi hành vi xảy ra, các hành vi có thể cấu thành tội phạm hình sự hoặc xử lý trách nhiệm hành chính.

“Nếu đã có cấu thành tội phạm thì sẽ ngăn chặn, xử phạt, và có thể việc này sẽ tránh được các vụ quấy rối xâm hại tình dục tiếp sau. Lên tiếng không bao giờ là muộn nhưng sớm sẽ tốt hơn", luật sư Nguyễn Hữu Long nói.

TS Hoàng Tú Anh – chủ tịch GBVNET bày tỏ, chúng ta hay dạy trẻ em gái, phụ nữ phải làm vợ, làm mẹ như thế nào, phải biết tự bảo vệ bản thân, nhưng lại không dạy cho trẻ em nam, nam giới phải tôn trọng phụ nữ, cách để thể hiện tình yêu thương với phụ nữ. Đã đến lúc thay đổi, hãy dạy thế hệ trẻ em của chúng ta biết dù là giới tính nào cũng cần xử sự văn minh.

TS Nguyễn Thu Giang, Phó viện trưởng Viện LIGHT thì đề cập đến việc lên tiếng của những nạn nhân. Bà cho rằng, lên tiếng có thể có nhiều hình thái khác nhau, dù ở hình thái nào, việc lên tiếng không bao giờ là vô ích, vô nghĩa.

“Tất cả chúng ta đều hướng đến mục tiêu xã hội không còn ai là nạn nhân của bạo lực, vì vậy sự lên tiếng của bạn sẽ góp phần mang đến những điều tốt đẹp hơn. Hãy tự hào khi mình là một phần của sự lên tiếng", TS Nguyễn Thu Giang nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm