Tái hiện vai diễn Thi Sách của nhà yêu nước Phan Châu Trinh ở đường sách TP.HCM

(PLO)-  CLB Nghiên cứu và Vinh danh Văn hóa Nam Bộ đã tái hiện lại vai diễn Thi Sách - chồng Bà Trưng Trắc mà cụ Phan Châu Trinh từng dàn dựng và biểu diễn lần đầu tiên tại nhà tù Côn Lôn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nằm trong chuỗi chương trình kỷ niệm 150 năm ngày sinh nhà yêu nước Phan Châu Trinh (9-9-1872 – 9-9-2022), chiều 11-6, tại đường sách Nguyễn Văn Bình (quận 1, TP.HCM), CLB Nghiên cứu và Vinh danh Văn hóa Nam Bộ đã phối hợp cùng Khoa Du Lịch - Trường Đại học Hoa Sen tổ chức chương trình “Danh nhân Phan Châu Trinh - Cuộc đời và dấu ấn”.

Tại đây, diễn giả Văn hóa Hồ Nhựt Quang - Chủ nhiệm CLB Nghiên cứu và Vinh danh Văn hóa Nam Bộ đã chia sẻ với đông đảo khán giả về tinh thần yêu nước, thương dân bằng những hành động thiết thực của cụ Phan Châu Trinh thông qua tư tưởng Chi Bằng Học.

Ông Nguyễn Đông Hòa (trái) - cháu cố của cụ Phan Châu Trinh giao lưu cùng khán giả tại đường sách Nguyễn Văn Bình. Ảnh: N.Q
Ông Nguyễn Đông Hòa (trái) - cháu cố của cụ Phan Châu Trinh giao lưu cùng khán giả tại đường sách Nguyễn Văn Bình. Ảnh: N.Q

Chương trình có sự góp mặt và chia sẻ của ông Nguyễn Đông Hòa - cháu cố của cụ Phan Châu Trinh. Hiện ông Hòa cũng là người trực tiếp quản lý khu đền thờ của danh nhân Phan Châu Trinh tại quận Tân Bình.

Ông Nguyễn Đông Hòa bày tỏ sự xúc động khi tinh thần Chi Bằng Học với quan điểm “Khai dân trí - Chấn dân khí - Hậu dân sinh” của thế hệ tiền nhân, cũng là ông của mình vẫn có tính thời đại cho đến ngày nay. Hạnh phúc và tự hào hơn cả là tinh thần này đang được các thế hệ ngày nay tìm hiểu và làm “sống dậy” với những điều tác động tích cực nhất cho thế hệ trẻ hôm nay.

Đặc biệt, trong chương trình, CLB Nghiên cứu và Vinh danh Văn hóa Nam Bộ đã tái hiện lại vai diễn Thi Sách - chồng Bà Trưng Trắc mà cụ Phan Châu Trinh từng dàn dựng và biểu diễn lần đầu tiên tại nhà tù Côn Lôn hồi năm 1910 trong tuồng “Trưng Vương bình ngũ lãnh”. Trích đoạn được diễn giả Hồ Nhựt Quang chuyển thể cải lương từ nguyên tác của ông Huỳnh Thúc Kháng và Phan Châu Trinh.

Trích đoạn Trưng Vương bình ngũ lãnh do các nghệ sỹ Lý Trung Tín (vai Thi Sách), Minh Hòa (vai Thái thú Tô Định) và Nhựt Quang (vai Ưng Trành) trình diễn. Ảnh: N.Q
Trích đoạn Trưng Vương bình ngũ lãnh do các nghệ sỹ Lý Trung Tín (vai Thi Sách), Minh Hòa (vai Thái thú Tô Định) và Nhựt Quang (vai Ưng Trành) trình diễn. Ảnh: N.Q

Trích đoạn “Trưng Vương bình ngũ lãnh” được trình diễn bởi các nghệ sỹ Minh Hòa, Nhựt Quang và Lý Trung Tín. Trích đoạn tái hiện khoảng 15 phút cảnh Thi Sách đối đầu với thái thú Tô Định, Ưng Trành (nhân vật Chương Hầu trong “Tiếng trống Mê Linh”) và bị bọn chúng chém đầu. Tuy chỉ là một trích đoạn ngắn nhưng đã làm rõ tinh thần yêu nước của Thi Sách, người đã chấp nhận cái chết chứ không đầu hàng trước kẻ gian tham, cướp nước và bán nước.

Tiết mục nhận được những tràng pháo tay nhiệt liệt của khán giả có mặt tại chương trình. Đặc biệt, bà Lê Thị Sáu - cháu dâu của nhà yêu nước Phan Châu Trinh bày tỏ xúc động khi được xem lại vai diễn của ông.

Các nghệ sỹ chụp ảnh lưu niệm cùng gia đình cụ Phan Châu Trinh và khán giả. Ảnh: N.Q
Các nghệ sỹ chụp ảnh lưu niệm cùng gia đình cụ Phan Châu Trinh và khán giả. Ảnh: N.Q

“Nhờ tham gia chương trình mà em được hiểu nhiều hơn về nhà yêu nước Phan Châu Trinh. Em thấy thương và ngưỡng mộ cụ vì đã có tinh thần yêu nước, luôn mong muốn mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân”, Trâm Nguyễn - Khoa Du lịch trường ĐH Hoa Sen chia sẻ.

Trước đó, hôm 14-5, tại đền thờ của ông (9 Phan Thúc Duyện, phường 4, quận Tân Bình) đã diễn ra chương trình đầu tiên “Tìm hiểu Danh nhân Văn hóa Phan Châu Trinh” cũng đã mang đến nhiều sự xúc động cho người xem.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm