Trao 210 suất học bổng Phan Châu Trinh nhân 96 năm ngày mất của ông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tham dự buổi lễ, có đại diện lãnh đạo quận Tân Bình và người thân của cụ Phan Châu Trinh, cùng với nhiều học giả, nhà nghiên cứu văn hóa, đại diện hội đồng hương tỉnh Quảng Nam, giáo viên và học sinh từ nhiều quận huyện trong thành phố.

Ông Trương Tấn Sơn - Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình đã ôn lại thân thế và sự nghiệp hoạt động cách mạng, công cuộc duy tân của nhà ái quốc - nhà tư tưởng lớn Phan Châu Trinh: “Sinh thời bằng nhiều cuộc diễn thuyết thức tỉnh nhân tâm, Phan Châu Trinh còn sáng tác nhiều thơ ca, thi văn tố cáo chế độ cai trị của thực dân Pháp.

Ông là tấm gương sáng trong phong trào Duy Tân đầu TK20, một chí sĩ yêu nước nồng nhiệt dũng cảm và kiên cường. Là người suốt đời tận tâm, tận tụy cho đất nước, bất khuất trước cường quyền, một sĩ phu tiến bộ suốt đời hăng hái và kiên trì phấn đấu cho việc phát huy dân chủ - dân quyền ở nước ta.”

Đại diện quận Tân Bình, người thân và người dân vào thắp hương tại Khu di tích lăng mộ Phan Châu Trinh.

Người tham dự buổi lễ còn được nghe diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang chia sẻ về giá trị “Chi bằng học” của cụ Phan Châu Trinh. Đó là câu chuyện thể hiện lý tưởng của người thanh niên Phan Châu Trinh hơn 100 năm trước, đã đặt ra sứ mệnh, mục tiêu và tầm nhìn một cách rõ ràng.

Diễn giả Hồ Nhựt Quang nói: “Trước hết, đó là trách nhiệm của con dân đối với đất nước, vai trò của một thanh niên toàn cầu mang tư tưởng lớn về học tập năng động và sáng tạo, xác định tương lai sự nghiệp rõ ràng, yêu chuộng hòa bình quốc tế.

Kế tiếp, mục tiêu hướng đến trong sự nghiệp của ông hòa vào sự nghiệp lớn lao của dân tộc, đó là phải Khai dân trí - Chấn dân khí - Hậu dân sinh. Đối với cụ Phan, chìa khóa để đạt được các giá trị trên, không có chi quý bằng việc học. Đương thời, Cụ Phan Châu Trinh đã phản ánh rõ lối học vẹt, đồng thời nêu rõ ước mơ cho việc xây dựng chế độ giáo dục làm sao phải đạt hiệu quả tốt nhất”.

Đông đảo học sinh vào thắp hương cụ Phan Châu Trinh.

Trong chương trình buổi lễ, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn phối hợp cùng với gia tộc cụ Phan và trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn đã cho ra mắt Thư viện cộng đồng.

Thư viện bước đầu có hơn 1.500 đầu sách quý nhằm kết nối cộng đồng phát huy tinh thần Khai dân trí của cụ Phan và giúp nâng cao sở thích đọc sách nghiên cứu trong nhân dân.

Quỹ học bổng Phan Châu Trinh trao 210 suất học bổng cho các em học sinh vượt khó học giỏi.

Như thường niên, năm nay Quỹ học bổng Phan Châu Trinh đã trao 210 suất học bổng cho các em học sinh vượt khó học giỏi đến từ nhiều trường học mang tên Phan Châu Trinh, Phan Tây Hồ, Duy Tân…tọa lạc từ Đà Lạt, Kon Tum, Đắk Lắk đến Cà Mau.

Đây là quỹ học bổng được thực hiện từ năm 1992, tính đến nay đã giúp cho rất nhiều em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt được an tâm cắp sách đến trường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm