Iran chấp nhận ngưng chương trình hạt nhân để được quốc tế dỡ bỏ hàng loạt lệnh trừng phạt đã khiến nền kinh tế nước này chao đảo. Thế nhưng, bất chấp hàng loạt nghị quyết trừng phạt của LHQ, Triều Tiên cũng không có dấu hiệu dừng các chương trình hạt nhân, tên lửa.
Biện pháp trừng phạt hiệu quả trong kiềm chế Iran, nhưng với Triều Tiên thì không. Năm 2010 là năm trừng phạt từ Mỹ và quốc tế lên đỉnh điểm với Iran, các cửa ngõ đầu tư nước ngoài vào Iran bị đóng chặt. Mỹ với sức mạnh của mình đã tìm kiếm sự hợp tác từ quốc tế trong trừng phạt Iran thông qua hàng loạt biện pháp trừng phạt thứ phát và nỗ lực ngoại giao.
Mỹ dễ dàng phong tỏa được nền kinh tế Iran vốn có thế mạnh là xuất khẩu dầu khí, cũng như qua các quan hệ thương mại với các đối tác nước ngoài quan hệ chặt với hệ thống tài chính toàn cầu mà Mỹ có vị thế áp đảo. Hạn chế về thương mại và các giao dịch nước ngoài khác với Iran có thể nhìn thấy rõ. Với Triều Tiên, siết chặt trừng phạt dường như có hiệu quả ngược lại. Ngược lại, Mỹ và quốc tế càng trừng phạt, Triều Tiên càng quyết tâm theo đuổi vũ khí hạt nhân.
Lãnh đạo Triều Tiên trong một lần thị sát tập trận bắn tên lửa. Ảnh: SCMP
Câu trả lời có thể không nằm ở bản thân lệnh trừng phạt, mà ở bất đồng chính trị quốc tế, theo ông James Birkett, đồng Giám đốc công ty tư vấn kinh doanh Alaco (Anh).
Với Iran, Mỹ có thể huy động và dựa vào sự ủng hộ toàn diện của quốc tế, nhưng với Triều Tiên thì không. Dù Mỹ có ra tay thế nào, Triều Tiên vẫn còn quan hệ kinh tế gắn chặt với Trung Quốc. Dù gần đây có dấu hiệu Trung Quốc dần bất mãn với thái độ của Triều Tiên, Mỹ vẫn không dễ thuyết phục được Trung Quốc hoàn toàn ngã về phía mình. Mặt khác, với đe dọa bủa vây khắp nơi đặc biệt từ Mỹ, Triều Tiên ngày càng khẳng định vũ khí hạt nhân là phương tiện duy nhất đảm bảo sự tồn tại của mình.
Máy bay ném bom B-1 Lancer của Mỹ được triển khai đến Hàn Quốc. Triều Tiên xem đây là một sự đe dọa. Ảnh: SCMP
Một lý do nữa đảm bảo hiệu quả của phương án trừng phạt với Iran là hứa hẹn về viễn cảnh tốt hơn nếu Iran từ bỏ hạt nhân. Và điều này đã hiển hiện trước mắt sau khi thỏa thuận hạt nhân Iran ký với nhóm P5+1 (Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và Đức) đi vào thực hiện. Iran tiếp tục xuất khẩu dầu khí, khôi phục các quan hệ thương mại với EU. Thực ra, nếu tiếp tục tôn trọng thỏa thuận dù Mỹ có rút đi, Iran vẫn có cơ hội phát triển quan hệ với Liên minh châu Âu.
Theo ông Birkett, trường hợp Triều Tiên, trước khi quyết định tăng áp lực kinh tế, Mỹ cần bày ra cho nước này thấy các lợi ích nếu chọn gắn bó với cộng đồng quốc tế, không chỉ là đe dọa như hiện tại.