Tạm ngừng phiên tòa chuyến bay giải cứu để bị cáo nộp chứng cứ khắc phục hậu quả: Đúng luật!

(PLO)- Theo chuyên gia, việc tạm ngừng phiên tòa để các bị cáo xuất trình chứng từ nộp tiền khắc phục hậu quả là hoạt động thu thập thêm chứng cứ nhằm có lợi cho các bị cáo; điều này phù hợp với quy định pháp luật.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 18-7, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án chuyến bay giải cứu. Đáng chú ý, tại phiên tòa hôm qua (17-7), HĐXX đã tạm ngừng phiên tòa để luật sư, bị cáo cung cấp tài liệu chứng cứ nộp tiền khắc phục hậu quả vụ án.

Nhiều bạn đọc thắc mắc là việc tạm ngừng phiên tòa như vậy có đúng quy định của pháp luật hay không.

Các bị cáo tại phiên tòa ngày 17-7. Ảnh: NAM ANH
Các bị cáo tại phiên tòa ngày 17-7. Ảnh: NAM ANH

Luật sư (LS) Nguyễn Minh Cảnh (nguyên thẩm phán TAND TP.HCM) cho hay theo khoản 1 Điều 251 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) 2015 thì việc xét xử có thể tạm ngừng khi thuộc một trong các trường hợp cần phải xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa và có thể thực hiện được trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày tạm ngừng phiên toà.

Việc tạm ngừng phiên tòa phải được ghi vào biên bản phiên tòa và thông báo cho những người tham gia tố tụng biết. Hết thời hạn tạm ngừng phiên tòa, việc xét xử vụ án được tiếp tục. Trường hợp không thể tiếp tục xét xử vụ án thì phải hoãn phiên tòa.

Vì vậy, theo LS Cảnh, việc HĐXX quyết định tạm dừng xét xử để cập nhật số tiền khắc phục trong vụ án hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.

Cạnh đó, các trường hợp hoãn phiên tòa được quy định tại Điều 297 BLTTHS 2015. Cụ thể, HĐXX sẽ hoãn phiên tòa trong các trường hợp cần thay đổi người tiến hành tố tụng; bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ vắng mặt; cần tiến hành giám định bổ sung, giám định lại; giám định bổ sung, giám định lại... Thời hạn hoãn phiên tòa không được quá 30 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa.

Việc HĐXX tạm ngừng phiên tòa để luật sư, bị cáo cung cấp tài liệu chứng cứ nộp tiền khắc phục hậu quả vụ án là để có cơ sở xem xét các tình tiết giảm nhẹ của các bị cáo cũng như quyết định mức hình phạt phù hợp. Bởi vì một trong những tình tiết giảm nhẹ được quy định tại Điều 51 BLHS 2015 là “Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại và khắc phục hậu quả”.

TS-LS Nguyễn Thị Kim Vinh, nguyên thẩm phán TAND Tối cao

Điều 297 BLTTHS 2015 cũng có quy định việc hoãn phiên tòa khi cần phải xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa. Tuy nhiên, khác với hoãn phiên tòa là việc tạm ngừng phiên tòa để thu thập chứng cứ có thể thực hiện được trong thời hạn năm ngày kể từ ngày tạm ngừng phiên tòa. Có nghĩa là HĐXX được tạm ngừng tối đa năm ngày, hết năm ngày này mà chưa thể tiếp tục xét xử thì phải hoãn.

Đồng tình,TS-LS Nguyễn Thị Kim Vinh (nguyên thẩm phán TAND Tối cao) cho rằng căn cứ khoản 1 Điều 251 BLTTHS 2015, HĐXX tạm ngừng phiên tòa là đúng quy định.

Trong vụ án này, HĐXX tạm ngừng phiên tòa để các bị cáo xuất trình chứng từ nộp tiền khắc phục hậu quả là thu thập thêm chứng cứ nhằm có lợi cho các bị cáo là phù hợp. Việc thu thập thêm chứng cứ nhằm có lợi cho bị cáo là một trong những chính sách nhân đạo của pháp luật Việt Nam, là điểm tích cực của pháp luật hình sự.

TS-LS Kim Vinh cho hay chính sách này đã được quy định từ lâu, được áp dụng rất nhiều và dẫn chứng Công văn số 276/TANDTC-PC ngày ngày 13-9-2016 của TAND Tối cao (về hướng dẫn áp dụng một số quy định có lợi cho người phạm tội của BLHS 2015).

Theo công văn này, việc quy định có lợi cho người phạm tội của BLHS 2015 bao gồm các quy định về xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội.

Theo TS-LS Kim Vinh, đáng chú ý, công văn này nêu rõ quy định của BLTTHS 2015 để thi hành các quy định có lợi cho người phạm tội của BLHS 2015 là các quy định về thủ tục tố tụng áp dụng với nhiều trường hợp.

Trong đó, có chuyển hình phạt tử hình sang hình phạt tù chung thân đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 40 BLHS 2015 là trường hợp người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm...

Việc HĐXX tạm ngừng phiên tòa để luật sư, bị cáo cung cấp tài liệu chứng cứ nộp tiền khắc phục hậu quả vụ án là để có cơ sở xem xét các tình tiết giảm nhẹ của các bị cáo cũng như quyết định mức hình phạt phù hợp. Bởi vì một trong những tình tiết giảm nhẹ được quy định tại Điều 51 BLHS 2015 là “Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại và khắc phục hậu quả”.

Mặt khác, việc các bị cáo khắc phục hậu quả còn thể hiện thái độ ăn năn hối cải vì hành vi sai phạm của mình và việc thu hồi số tiền này còn ảnh hưởng đến việc khắc phục hậu quả như trả lại cho người bị thiệt hại, đảm bảo quyền lợi của người dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm