Sau hai ngày xét xử phúc thẩm, sáng nay (15-12), TAND tỉnh Đắk Nông đã nhận định dù tại hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm lần đầu, các bị cáo thay đổi lời khai nhưng trong hồ sơ vẫn có căn cứ để kết luận các bị cáo phạm tội hủy hoại rừng.
Cụ thể, theo HĐXX, trong hồ sơ, các bị cáo đã khai nhận diện tích rừng mà mình khai phá. Cũng theo HĐXX, trước khi các bị cáo phá rừng thì rừng tương đối rậm rạp, sau khi bị phá thì rừng bị chặt nham nhở. Tuy trong giai đoạn điều tra đã có một số thiếu sót nhất định nhưng không ảnh hưởng đến nội dung vụ án.
Từ đó, TAND tỉnh Đắk Nông đã không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Theo hồ sơ, tại cuộc họp tháng 1-2015, cho rằng rừng (loại rừng sản xuất) đã bị lấn chiếm nên Chi hội CCB thôn 6 (xã Trường Xuân, huyện Đắk Song) thống nhất phát dọn rừng để lấy đất trồng cây keo gây quỹ. Trong hai ngày tháng 1-2015, bảy CCB của chi hội đã chặt cây bụi, cây nhỏ, dây leo với diện tích 0,4 ha; trong hai ngày tháng 4-2015 họ dọn tiếp 0,38 ha.
Vì hành vi trên, bảy CCB bị khởi tố, truy tố về tội hủy hoại rừng. Các cơ quan tố tụng thị xã Gia Nghĩa xác định họ gây thiệt hại hơn 42 triệu đồng. Tháng 4-2016, TAND thị xã Gia Nghĩa xử sơ thẩm lần đầu đã phạt họ 6-7 tháng tù. Các bị cáo kháng cáo kêu oan, cho rằng thời điểm họ dọn dẹp thì rừng đã không còn nữa.
Các bị cáo sẽ tiếp tục kêu oan lên cấp giám đốc thẩm. Ảnh: N.NGA
Tại phiên xử phúc thẩm lần đầu của TAND tỉnh Đắk Nông, đại diện VKS tỉnh đề nghị hủy án sơ thẩm. Theo đại diện VKS, Chi cục Kiểm lâm thị xã Gia Nghĩa xác định cả khu rừng 0,98 ha (nơi các bị cáo phát dọn 0,78 ha) đã thiệt hại 100% từ trước tháng 3-2015. Vì vậy, việc cấp sơ thẩm tính cả 0,38 ha mà các bị cáo dọn dẹp hồi tháng 4-2015 vào diện tích rừng bị hủy hoại là không phù hợp... Đồng tình, tòa phúc thẩm đã hủy án sơ thẩm.
Tháng 9-2017, xử sơ thẩm lần hai, TAND thị xã Gia Nghĩa vẫn kết luận bảy bị cáo hủy hoại tổng cộng 0,78 ha rừng và phạt họ 6-7 tháng tù.
Sau khi Pháp Luật TP.HCM phản ánh về vụ án, rất nhiều chuyên gia pháp luật đã lên tiếng phân tích rằng theo quy định hiện hành thì không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ có thể xử phạt hành chính bảy CCB này.
HĐXX phúc thẩm lần hai có tới hai phó chánh án. Ảnh: N.NGA
Trong phần tranh luận sáng nay, các luật sư (LS) cho rằng chứng cứ buộc tội trong vụ án còn yếu và có nhiều mâu thuẫn, giá như cấp phúc thẩm đến hiện trường vụ án thì có cái nhìn rõ nét hơn. Bên cạnh đó, VKS không thể căn cứ vào cuốn sổ ghi chấm công mà các bị cáo thống nhất đi dọn dẹp rừng để kết tội họ được. Từ đó các LS tha thiết mong HĐXX có phán quyết công tâm, đúng người đúng tội.
LS Nguyễn Thanh Huy (Đoàn LS tỉnh Đắk Nông) nhấn mạnh: “Tòa phúc thẩm phải mạnh dạn xem xét bản án của cấp sơ thẩm. Tòa cần kiến nghị CQĐT làm rõ trách nhiệm của những người thực thi nhiệm vụ đẩy người không phạm tội thành có tội”.
Đối đáp lại, đại diện VKSND tỉnh Đắk Nông nói: "VKS và HĐXX chỉ xem xét hồ sơ của cấp sơ thẩm chứ không có trách nhiệm đến hiện trường. Việc các LS tới hiện trường đó là chuyện của các LS. Vị trí hiện trường này đều do các bị cáo dẫn đi, được các cơ quan chức năng ghi nhận. Còn việc các LS tới tận nơi nhận định xung quanh rừng có những trụ tiêu, cây cà phê từ 6-8 năm trước đó là chuyện các LS suy luận".
Cuối cùng, HĐXX đã tuyên phạt các bị cáo như trên.
Sau phiên tòa, gia đình các bị cáo cho biết sẽ tiếp tục gửi đơn kêu oan, khiếu nại giám đốc thẩm đến VKSND Cấp cao tại TP.HCM, TAND Cấp cao tại TP.HCM, VKSND Tối cao và TAND Tối cao.