Tập đoàn Đức Long thuê gần 900 ha rừng nhưng không triển khai dự án

(PLO)- Tập đoàn Đức Long thuê gần 900 ha rừng nhưng không triển khai dự án, UBND tỉnh Gia Lai cho tiếp tục triển khai không đúng chỉ đạo.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam

Ngày 14-8, nguồn tin PLO cho hay Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu UBND tỉnh Gia Lai chấm dứt hoạt động đối với dự án trồng cao su trên đất rừng nghèo do Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (Tập đoàn Đức Long) làm chủ đầu tư tại huyện Chư Pưh trên diện tích gần 900 ha đất rừng.

Lý do là chủ đầu tư không thực hiện nghĩa vụ tài chính, không thực hiện dự án, hết thời hạn đầu tư theo quy định.

Du-an-trong-cáou-tap-doan-duc-long-gia-lai-1.jpg
Khu vực đất rừng do Tập đoàn Đức Long thuê tại xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh. Ảnh: QM.

Theo Thanh tra Chính phủ, dự án trên được cấp chủ trương năm 2011, được UBND tỉnh Gia Lai cho thuê đất từ năm 2014 nhưng sau hơn 11 năm công ty chỉ mới thực hiện một số công đoạn chuẩn bị đầu tư. Đến nay, Tập đoàn Đức Long chưa trồng cao su, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước số tiền hơn 13,7 tỉ đồng.

Thanh tra Chính phủ xác định năm 2017 UBND tỉnh Gia Lai cho Tập đoàn Đức Long tiếp tục triển khai dự án trồng cao su trên diện tích 209 ha đất lâm nghiệp chưa có rừng và 554 ha đất có rừng tự nhiên nghèo kiệt là không đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trách nhiệm chính để xảy ra vi phạm, thiếu sót nêu trên thuộc về ông Kpă Thuyên, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai; giám đốc Sở KH&ĐT, cục trưởng Cục Thuế Gia Lai, các tổ chức, cá nhân liên quan qua các thời kỳ.

Thanh tra Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Gia Lai chấm dứt hoạt động đối với dự án đầu tư, thu hồi đất theo quy định; đồng thời thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Được biết, tháng 7-2016, Văn phòng Chính phủ có thông báo số 191/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020, trong đó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên không chuyển mục đích sử dụng 2,25 triệu héc-ta rừng tự nhiên hiện còn sang mục đích khác, kể cả các dự án, công trình đã được phê duyệt nhưng chưa triển khai (trừ các dự án phục vụ quốc phòng, an ninh đặc biệt phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt); Không chuyển đổi rừng tự nhiên nghèo sang trồng cây công nghiệp.

Cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên kiên quyết thu hồi diện tích rừng, đất lâm nghiệp thuộc các dự án vi phạm pháp luật, không thực hiện đúng quy định; đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng chủ trương cải tạo, chuyển đổi rừng nghèo kiệt để trục lợi.

Xin chuyển hơn 16.000 ha cao su "chết yểu"

Từ năm 2008 đến 2022, thực hiện chủ trương chuyển đổi 50.000 ha rừng nghèo sang trồng cao su, tỉnh Gia Lai đã cho 16 doanh nghiệp triển khai 44 dự án tại các huyện Chư Prông, Ia Grai, Chư Pưh, Đức Cơ, Ia Pa... Các doanh nghiệp đã chuyển đổi đất rừng, trồng được hơn 25.500 ha cao su.

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm, phần lớn cao su còi cọc, kém phát triển, bị chết. Trong đó có đến 16.000 ha cao su bị chết, kém phát triển.

Đầu tháng 8-2024, lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai đề nghị Bộ NN&PTNT hướng dẫn chuyển đổi diện tích rừng nghèo sang trồng cao su có hiện tượng chết, kém phát triển sang đầu tư các dự án khác.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đề nghị tỉnh Gia Lai chuẩn bị kỹ tài liệu, hồ sơ về chuyển đổi rừng này để các cơ quan chức năng xem xét, lấy ý kiến.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm