Không phải là báo chữ ra đời sớm hơn và báo hình (tivi) mới ra đời trong những năm gần đây, mà do tính định hình của từng tờ báo, có ấn phẩm khác nhau và tivi với gần 90 kênh như hiện nay và nhiều hơn nữa trong nay mai thì theo thói quen thông tin trên các kênh tivi, người ta vẫn gọi chung là… tivi có tin này, nọ.
Thời gian gần đây, trên tivi xuất hiện nhiều kênh mới, đặc biệt là kênh hài và kênh karaoke. Mặc dù tấu hài là một hiện tượng có thật trong đời sống xã hội và trên sân khấu, nhưng nghiêm túc mà nhìn nhận cứ 10 chương trình hài cũng chỉ có khoảng 2, 3 cái giúp vui, thư giãn. Điều đó giải thích tại sao cho đến bây giờ sau khoảng 15 năm tấu hài phát triển, chưa có một tác giả hài nào được nhớ, chứ chưa nói là nổi tiếng. Có chăng chỉ là một vài diễn viên tấu hài mà một số người xem hoặc chính diễn viên tự phong là danh hài. Và ai diễn tấu hài đều có thể được phong danh hài.
Trước hết phải kể đến sự sáng tạo của Đài Truyền hình TPHCM với chương trình “Trong nhà ngoài phố” và tiếp đến là “Gặp nhau cuối tuần” của Truyền hình Việt Nam. Sau đó là các chương trình “Gala cười”, “Siêu thị cười”. Thời lượng của các chương trình này chỉ 1 tuần 1 lần. Hiện nay, hầu như tất cả chương trình tấu hài được tung lên sóng 24/24 giờ mỗi ngày của gần như tất cả kênh truyền hình mà bà con gọi vui là “Nhà đài phát tấu hài đã luôn”. Trên VCVT1, tấu hài có người dẫn chuyện với nhiều lời giải thích, giới thiệu, hướng dẫn… trong khi các kênh khác cứ như đầu máy video phát hết băng này tới băng khác, nhiều chương trình chất lượng xấu và nội dung lộn xộn, bát nháo. Giống như các tụ điểm tấu hài, các diễn viên hài thả sức diễn cương.
Một kênh tivi khác là kênh phát các băng karaoke. Được phát nhiều giờ, kênh tivi karaoke cũng phát đi phát lại một bài hát có nội dung nhàm chán, buồn bã mà ta vẫn thường hay gọi là nhạc kẹo kéo…
Khách quan mà nói, trong sự phát triển chung, việc tivi phát nhiều kênh, nhiều chương trình là đáp ứng được tính đa dạng nhu cầu đời sống tinh thần của quần chúng, mặt khác nó lại khiến cho người xem không phân biệt được đâu là tivi nhà nước, đâu là tivi “xã hội hóa”, đâu là VHVN chuyên nghiệp - nghiệp dư.
Nhiều bạn đọc gửi thư qua báo phản ánh tình trạng đưa tấu hài, karaoke “xe kẹo kéo” vào xóm vào nhà là có thật.
Theo ĐÔN THUẬN (SGGP)