Tết và sách

Tìm đỏ mắt khắp chốn thị thành, các tiệm sách lớn, sách nhỏ đều đóng cửa im ỉm - chỉ trừ một tiệm sách ở đường Nguyễn Thị Minh Khai. Chủ tiệm sách ăn Tết, nhân viên ăn Tết. Tất cả chỉ là công thức của mua bán. Ngày thường bán, ăn Tết nghỉ. Hay là do thói quen của người dân ta khi ăn Tết là nghỉ ngơi cái trò đọc sách?

Tết năm nay người mê sách sẽ tha hồ chọn sách mới cho mình và gia đình đầu năm. Lại có thêm một địa điểm vui chơi rất văn hóa cho người bộ hành du xuân. Đó là đường sách TP.HCM sẽ mở từ 28 tháng Chạp đến hết mùng 4 tết. Đường sách sẽ được trang trí để phù hợp với tính chất lễ hội của ngày tết. A, cũng có thể đón giao thừa ở đường sách được lắm chứ, tại sao không?

Đường sách TP.HCM không phải là cái gì đột phá mà chỉ là sự tiếp nối truyền thống có phát triển cao hơn.

Đường sách TP.HCM là một trong 10 sự kiện nổi bật tại TP.HCM năm 2016 và là mô hình đường sách đầu tiên trong cả nước. Sự hình thành đường sách này khởi nguồn từ bài báo “Đường sách nào cho TP.HCM?” (báo Tuổi Trẻ ngày 14-12-2014) đã gợi ý cho Hội Xuất bản TP đứng ra tổ chức một đường sách. Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản - Chi nhánh phía Nam, cùng một số người đam mê sách đã thực hiện ý tưởng này thành công hơn mong đợi. Chỉ đúng một năm sau, đường sách đã đạt doanh thu hơn 26 tỉ đồng. Hiện đường sách có 19 gian hàng của 14 đơn vị gồm các nhà xuất bản, công ty sách có thương hiệu tham gia kinh doanh. Các đơn vị có doanh thu cao là những đơn vị thường xuyên có đầu sách mới, tổ chức nhiều chương trình giao lưu, ra mắt, giới thiệu sách. Đã có hơn 1,5 triệu lượt người đến tham quan và mua sắm, trung bình mỗi ngày đạt 4.000-4.500 lượt. Theo ghi nhận, hầu hết sách mới, sách đáng chú ý đều được giới thiệu ở đường sách, mang lại cho đường sách một tính năng như hàn thử biểu để phản ánh mức độ quan tâm của công chúng với các đầu sách cụ thể. Đây cũng được xem là nơi lan tỏa thói quen đọc sách đến người dân và là điểm tham quan cho du khách trong và ngoài nước khi đến TP.HCM. Được biết TP Đà Nẵng và Hà Nội cũng đã và đang tổ chức đường sách theo mô hình của TP.HCM. Ông Lê Hoàng cho biết: “Người dân Sài Gòn-TP.HCM có truyền thống ham mê đọc sách. Trước kia, Sài Gòn có rất nhiều tiệm sách và con đường sách ngay trung tâm TP nhưng nay không còn nữa. Ngay sau khi đọc bài viết gợi ý trên báo Tuổi Trẻ, chúng tôi rất hứng khởi tiến hành mọi thủ tục để thành lập đường sách”.

Trong một cuộc nói chuyện với cánh nhà báo, ông Lê Hoàng còn cho biết thêm rằng đường sách TP.HCM không phải là cái gì đột phá mà chỉ là sự tiếp nối truyền thống có phát triển cao hơn. Trước kia khu vực đường Lê Lợi, Công Lý (Nam Kỳ Khởi Nghĩa), Đặng Thị Nhu rồi sau này là Trần Huy Liệu, Trần Nhân Tôn… là những khu chợ sách lộ thiên được người TP yêu thích nhưng không được tổ chức một cách có quy củ, thiếu các hoạt động nâng cao về mặt thẩm mỹ, các hoạt động liên quan đến sách. Đường sách chính là sự cải tiến và bổ sung cho những thiếu sót này.

Tết này, hãy dành thời gian để đi dạo đường sách, ngắm những cành mai, cành đào, dự những buổi trình diễn nghệ thuật bỏ túi để cho ba ngày xuân thêm phần ý vị - chẳng phải là nét mới trong sinh hoạt văn hóa của TP hay sao?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm