Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với thẩm phán xử oan do thiếu trách nhiệm, có lẽ lịch sử lập pháp của Việt Nam mới có trường hợp độc nhất vô nhị là trường hợp ông Phạm Tuấn Chiêm (chủ tọa phiên tòa phúc thẩm vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang). Việc khởi tố ông Chiêm gây xôn xao dư luận, đặc biệt đối với các thẩm phán đang đương chức cũng như đã về hưu đều có một tâm trạng hoang mang. Có thẩm phán là đại biểu Quốc hội từng phải thốt lên rằng: “Nếu cứ thế này thì chính tôi cũng có thể bị khởi tố bất kỳ lúc nào”!
Quy định tiến bộ, thực thi chưa nghiêm túc
Thực tế hiện nay chất lượng xét xử của nhiều tòa còn những vấn đề phải uốn nắn, tình trạng hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế không phải là hiếm. Dư luận bức xúc với nhiều bản án của tòa có dấu hiệu oan sai. Nhiều phiên xử thẩm phán không chịu lắng nghe ý kiến của luật sư và người tham gia tố tụng, nhất là lời kêu oan của bị cáo mà cứ ép bị cáo phải nhận tội theo ý chủ quan của mình; không tranh tụng để làm rõ các tình tiết của vụ án, để chứng minh sự thật. Tình trạng án “bỏ túi” vẫn chưa được khắc phục.
Hiến pháp và pháp luật đã quy định “khi xét xử, thẩm phán, hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” nhưng trong hoàn cảnh và tình hình kinh tế-xã hội ở nước ta hiện nay thì quy định này vẫn chưa được thực thi nghiêm túc.
Theo tinh thần cải cách tư pháp mà Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị đã đề ra thì phải đề cao việc tranh tụng giữa những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng; bản án của tòa phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Nhưng thực tế nhiều thẩm phán vẫn vi phạm, vẫn xét xử theo kiểu “án tại hồ sơ”; quá tin vào các tài liệu, chứng cứ do cơ quan điều tra thu thập, bất chấp diễn biến tại phiên tòa như thế nào. Rồi còn tâm lý ỷ lại vào cấp trên, vào quy chế bất thành văn là “án đã duyệt, đã thỉnh thị” nên tình trạng “án bỏ túi” là khó tránh khỏi.
Nếu thẩm phán và hội thẩm thực hiện đúng các quy định của BLTTHS và tinh thần Nghị quyết 49 thì chắc chắn án oan sẽ giảm hẳn. Trên thế giới chẳng có nước nào không có án oan, chỉ có nhiều hay ít mà thôi.
Án oan luôn gây ra hậu quả đau lòng cho người bị oan và gia đình họ. Trong ảnh: Công an huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) tổ chức xin lỗi công khai một người dân bị làm oan hồi tháng 6-2014. Ảnh: G.TUỆ
Quan trọng là trách nhiệm của thẩm phán
Xử lý thẩm phán, hội thẩm làm oan người vô tội cũng có nhiều cách chứ không chỉ là truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc xử lý thẩm phán làm oan người vô tội cũng còn tùy vào cách đánh giá của cơ quan chủ quản và người đứng đầu ở đó, có nơi xử lý nghiêm nhưng cũng có nơi chỉ nhắc nhở qua loa cho xong chuyện. Nay lại đòi pháp luật phải quy định “quyền miễn trừ” thì liệu có nên không? Miễn trừ trách nhiệm hình sự, thế còn trách nhiệm hành chính, kỷ luật thì có miễn trừ không? Quyền miễn trừ cũng nên hiểu sao cho thấu đáo, nếu không sẽ phản tác dụng.
Thẩm phán có thể không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về việc vô ý làm oan người vô tội nhưng phải chịu trách nhiệm kỷ luật, trách nhiệm hành chính. Không nên đặt vấn đề miễn trừ rồi muốn xử thế nào cũng được. Nhưng nếu đặt ra quyền được miễn trừ thì đúng là rất dễ dẫn đến tình trạng ra bản án, quyết định một cách cẩu thả, gây oan sai tràn lan.
Ở nước ta, trong điều kiện hiện nay, khi mà đội ngũ thẩm phán còn chưa đạt yêu cầu của tiến trình phát triển đất nươc, lại còn bị phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan khác thì quy định quyền miễn trừ hay không đều là chưa phù hợp. Nếu một vị thẩm phán vì thiếu trách nhiệm, không chịu nâng cao trình độ, suốt ngày chỉ lo đi chơi golf, đánh tennis, ỷ vào cấp trên, bất chấp pháp luật mà làm oan một người vô tội thì cần phải bị xử lý thật nghiêm, kể cả xử lý về hình sự cũng chẳng có gì phải băn khoăn!
Thay vì đòi quyền miễn trừ trách nhiệm, các tòa cần tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; nâng cao trình độ pháp luật và áp dụng pháp luật, nhất là kỹ năng xét xử cho thẩm phán và hội thẩm, đồng thời phải xử lý nghiêm minh, công bằng đối với trường hợp do thiếu trách nhiệm hoặc nể nang, chấp hành một cách mù quáng vào ý kiến chỉ đạo dẫn đến làm oan người vô tội. Mặt khác, cũng phải loại bỏ những yếu tố khách quan can thiệp, tác động trái pháp luật đến thẩm phán chứ không nên quy định trong luật quyền miễn trừ hay không miễn trừ.
Thẩm phán cũng là công chức Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là tội phạm về chức vụ chứ không phải là tội phạm hoạt động tư pháp, là tội phạm đối với người có chức vụ, quyền hạn trong tất cả cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội chứ đâu chỉ có thẩm phán và hội thẩm. Thẩm phán cũng là công chức nên cũng phải bị pháp luật điều chỉnh như những công chức khác. Nếu đòi quyền miễn trừ cho thẩm phán làm oan do thiếu trách nhiệm thì pháp luật lại không công bằng đối với những người có chức vụ, quyền hạn khác. Đòi hỏi như vậy vừa vi hiến, vừa trái quy định của pháp luật. |