Thẩm phán được bổ nhiệm phải tuyên thệ

(PLO)- Thẩm phán TAND bị bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở, nơi làm việc thì cơ quan điều tra phải thông báo ngay cho Chánh án TAND Tối cao biết.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 22-7, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố các Luật vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 7, trong đó có Luật Tổ chức TAND.

Mở đầu cuộc họp báo, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch Nước Phạm Thanh Hà đề nghị các đại biểu dự họp báo dành một phút mặc niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tại họp báo, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Tiến cho hay Luật Tổ chức TAND năm 2024 gồm 9 chương, 152 điều; giảm 2 chương nhưng tăng 54 điều so với Luật ban hành năm 2014. Trong đó, Luật sửa đổi, bổ sung 101 điều, bổ sung mới 48 điều và giữ nguyên 3 điều.

IMG_20240722_095224.jpg

Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Tiến

Luật sư, giảng viên đại học có thể làm Thẩm phán TAND Tối cao

Ông Nguyễn Văn Tiến cho hay Luật vừa ban hành có nhiều điểm mới đáng chú ý liên quan đến chế định về Thẩm phán.

Theo đó, về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán, Luật bổ sung tiêu chuẩn về độ tuổi, phải từ đủ 28 tuổi trở lên.

Đối với người được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền điều động đến để đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo tại các Tòa án, Luật quy định không cần điều kiện phải được “đào tạo nghiệp vụ xét xử”.

Thay vào đó, người được điều động phải có thời gian làm công tác pháp luật từ đủ 10 năm trở lên nếu được điều động sang làm lãnh đạo tại các TAND cấp huyện; từ đủ 15 năm trở lên nếu được điều động đến để đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo TAND sơ thẩm chuyên biệt, TAND cấp tỉnh, TAND cấp cao, Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Tòa án quân sự trung ương.

Về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán TAND Tối cao, Luật vừa được thông qua bổ sung tiêu chuẩn về độ tuổi (từ đủ 45 tuổi trở lên) và phải có từ đủ 20 năm trở lên công tác tại Tòa án, trong đó có từ đủ 10 năm trở lên làm Thẩm phán TAND.

“Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền quyết định nhưng phải có từ đủ 5 năm trở lên làm Thẩm phán TAND” - Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Tiến cho hay.

Ngoài ra, Luật cũng bổ sung trường hợp luật sư, giảng viên đại học có trình độ cao về pháp luật, giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, bảo đảm quy trình theo quy định thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Thẩm phán TAND Tối cao.

Luật giới hạn số lượng Thẩm phán TAND Tối cao được tuyển chọn, bổ nhiệm từ nguồn ngoài Toà án không quá 2 người.

Một điểm mới khác, liên quan đến nhiệm kỳ của Thẩm phán, Luật quy định nhiệm kỳ của Thẩm phán TAND Tối cao được tính từ khi được bổ nhiệm đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.

Trong khi đó, Thẩm phán TAND được bổ nhiệm lần đầu có nhiệm kỳ 5 năm, Thẩm phán được bổ nhiệm lại có nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.

IMG_20240722_095227.jpg
Quang cảnh buổi họp báo công bố các Luật vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 7, trong đó có Luật Tổ chức TAND.

Thẩm phán và thân nhân được bảo vệ khi bị đe dọa do thực hiện nhiệm vụ

Thông tin thêm, Phó Chánh án Nguyễn Văn Tiến cho biết Luật Tổ chức TAND 2014 đã bổ sung quy định về chế độ bảo vệ, miễn trừ trách nhiệm đối với Thẩm phán.

Cụ thể, Điều 11 quy định Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc của Thẩm phán, Hội thẩm dưới bất kỳ hình thức nào.

Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm và chức danh tư pháp khác của Tòa án không phải giải trình, không được thông tin về quan điểm xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc đang trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ án, vụ việc đó.

Đặc biệt, Luật quy định không điều tra đối với Thẩm phán, Hội thẩm về việc xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc đang trong quá trình tố tụng, trừ trường hợp có căn cứ xác định Thẩm phán, Hội thẩm vi phạm pháp luật hình sự trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc đó.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi can thiệp vào việc xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc của Thẩm phán, Hội thẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Luật cũng dành điều 102 quy định về “bảo vệ Thẩm phán”. Đáng chú ý, điều luật này quy định trường hợp an toàn cá nhân hoặc thân nhân của Thẩm phán bị đe dọa do việc thực hiện nhiệm vụ, Chánh án Tòa án nơi Thẩm phán công tác đề nghị cơ quan công an có thẩm quyền tiến hành các biện pháp cần thiết để bảo vệ an toàn cá nhân hoặc thân nhân của Thẩm phán.

Cơ quan công an nhận được đề nghị có trách nhiệm xem xét tính chất, mức độ của hành vi đe dọa để có biện pháp bảo vệ phù hợp.

Ngoài ra, điều luật này cũng quy định Thẩm phán đã ra bản án, quyết định mà bản án, quyết định đó bị hủy, sửa chỉ phải chịu trách nhiệm khi có lỗi chủ quan theo quy định của pháp luật. Chánh án TAND Tối cao quy định chi tiết khoản này.

Còn điều 105 quy định việc thông tin về Thẩm phán vi phạm pháp luật. Theo đó, trường hợp Thẩm phán TAND Tối cao bị tạm giữ vì phạm tội quả tang; bị bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở, nơi làm việc thì cơ quan ra quyết định tạm giữ/cơ quan điều tra phải báo cáo ngay Chủ tịch nước và thông báo cho Chánh án TAND Tối cao biết.

Trường hợp Thẩm phán TAND bị tạm giữ vì phạm tội quả tang; bị bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở, nơi làm việc thì cơ quan ra quyết định tạm giữ/cơ quan điều tra phải thông báo ngay cho Chánh án TAND Tối cao biết.

Luật cũng bổ sung nhiều quy định đề cao trách nhiệm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương và giám sát Thẩm phán. Chẳng hạn, Tòa án thực hiện công khai hoạt động xét xử và hoạt động khác theo quy định của pháp luật để nhân dân giám sát.

Theo quy định, Thẩm phán được bổ nhiệm phải tuyên thệ tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao một cách trung thực, tận tâm; thực hành công lý, khách quan và công bằng, chỉ tuân theo pháp luật; tuân thủ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán.

Luật giao Chánh án TAND Tối cao quy định cách thức tuyên thệ của Thẩm phán.

Ngoài ra, Luật cũng quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của Thẩm phán và những điều Thẩm phán không được làm…

Thẩm phán có thể được xem xét công nhận là liệt sĩ

Luật Tổ chức TAND năm 2014 đã bổ sung quy định Thẩm phán được hưởng chế độ, chính sách như thương binh hoặc được xem xét để công nhận là liệt sĩ và chế độ, chính sách khác theo quy định của pháp luật khi bị tổn hại tính mạng, sức khỏe vì lý do công vụ…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm