Thám tử tư, nghề nguy hiểm…

(PLO)- Không xác định được ranh giới pháp lý an toàn, các thám tử tư dễ đối mặt nguy cơ đứng trước vành móng ngựa trong quá trình hành nghề phục vụ thân chủ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thông thường, các công ty dịch vụ thám tử tư sẽ cung cấp các dịch vụ theo dõi ngoại tình, điều tra an ninh công ty, xác minh nhân thân, cung cấp thông tin, tìm chủ nhân biển số xe, tìm chủ thuê bao điện thoại, cung cấp chứng cứ cho các văn phòng luật...

Tuy nhiên, việc thực hiện hoạt động điều tra, theo dõi, giám sát, xác minh các vụ việc một cách độc lập, không có sự trợ giúp của cơ quan chức năng là không hề dễ dàng. Để vượt qua khó khăn, không ít thám tử tư tìm lối tắt, đầy nguy hiểm.

Ba giám đốc hầu tòa trong vụ án Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông. Ảnh: CTV

Ba giám đốc hầu tòa trong vụ án Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông. Ảnh: CTV

Ba giám đốc hầu tòa…

Vụ án đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông mà TAND Hà Nội vừa xử cách đây mấy ngày là một trường hợp như vậy.

Trong số tám bị cáo hầu tòa, có ba bị cáo nguyên là giám đốc các công ty cung cấp dịch vụ thám tử tư, gồm Phạm Ngọc Tỉnh (Giám đốc Công ty 247 Việt Nam), Nguyễn Thế Hùng (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ TT Hà Nội) và Nguyễn Bắc Tích (Giám đốc TNHH Cung cấp thông tin Toàn Tâm).

Ba người này để cung cấp dịch vụ cho khách hàng, đã tìm tới dữ liệu số điện thoại, lịch sử cuộc gọi, định vị, sao kê tài khoản… từ nhân viên nhà mạng. Hành vi này đã bị cấp sơ thẩm tuyên phạm vào tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, với mức án 12-15 tháng tù cho ba vị giám đốc dịch vụ thám tử.

Không chỉ các thám tử tư bị rủi ro, nhiều khách hàng đến ba công ty này để thuê dịch vụ cũng bị cơ quan điều tra gọi hỏi. Năm khách hàng gồm cả nam và nữ thừa nhận có thuê công ty thám tử tìm người, theo dõi. Nhưng hành vi của họ không liên quan trực tiếp việc mua bán thông tin viễn thông trái phép, nên không bị xử lý hình sự.

Khoảng trống pháp lý

Theo luật sư Giang Hồng Thanh, Đoàn Luật sư Hà Nội, hoạt động thám tử tư chưa có khung pháp lý rõ ràng. Đây không phải là ngành, nghề cấm theo Luật Đầu tư và cũng không thuộc nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam ghi nhận mã ngành về dịch vụ điều tra là 803 - 8030 - 80300. Nhóm này gồm dịch vụ điều tra và thám tử. Các hoạt động của tất cả các thám tử tư nhân, thuộc các loại khách hàng hoặc mục đích điều tra đều nằm trong nhóm này.

Nhưng Bộ luật Dân sự lại có quy định bảo hộ thông tin thuộc bí mật đời tư, bí mật gia đình, cũng như bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Như vậy, dịch vụ thám tử tư rất dễ phạm phải quy định này.

''Khi pháp luật chưa có khung pháp lý rõ ràng để điều chỉnh hoạt động thám tử tư thì ranh giới dễ dẫn đến vi phạm pháp luật rất mong manh'', luật sư Thanh bình luận.

Theo ông Thanh, người sử dụng dịch vụ thám tử cần tránh đưa ra những yêu cầu có khả năng vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội. Nếu không, khi hoạt động thám tử ấy bị kết luận là trái phép thì căn cứ vào hợp đồng dịch vụ, người thuê thám tử rất có thể phải chịu trách nhiệm liên đới...

''Giải pháp cấp thiết hiện nay là cần đưa ra các quy định nhằm quản lý hoạt động này theo khuôn khổ như: giới hạn phạm vi được theo dõi, điều tra đối với nghề thám tử; đưa hoạt động thám tử vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện; yêu cầu người hành nghề phải qua đào tạo, tuyển chọn; xác định cơ quan quản lý nhà nước với ngành nghề này...'', luật sư Giang Hồng Thanh gợi ý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm