Thấy gì qua lá phiếu tín nhiệm của Quốc hội?

Hôm qua, 25-10, Quốc hội (QH) đã bỏ phiếu kín đánh giá tín nhiệm 48/50 chức danh thuộc diện QH bầu, phê chuẩn (tân Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và bộ trưởng Bộ TT&TT chưa được lấy phiếu tín nhiệm vì vừa được QH bầu và phê chuẩn ở kỳ họp này).

Đây là lần “lấy phiếu” duy nhất cho các chức danh quan trọng của bộ máy nhà nước trung ương, nhiệm kỳ 2016-2021. Đấy cũng là điểm khác so với khóa trước, khi phương pháp đánh giá tín nhiệm này lần đầu tiên được áp dụng và tổ chức liền hai năm 2013-2014. Kết quả được công bố ngay sau đó cho thấy mấy điểm đáng chú ý.

Uy tín của Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng

Trong nhóm chức danh đang công tác tại QH, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nhận số phiếu tín nhiệm cao nhiều nhất (437 phiếu) và có số phiếu tín nhiệm thấp cũng rất ít (bốn phiếu).

Trong hai lần QH lấy phiếu tín nhiệm trước đây, ở vị trí phó chủ tịch QH, bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng dẫn đầu danh sách về số phiếu tín nhiệm cao. Bà đứng đầu không chỉ trong khối QH mà cả so với các khối còn lại như Chính phủ, tư pháp… Còn so với các phó chủ tịch cơ quan lập pháp khác, bà Ngân cũng giữ cự ly khá xa: Ông Uông Chu Lưu 374 phiếu tín nhiệm cao, chín phiếu tín nhiệm thấp (viết gọn là 374 cao/9 thấp); con số này ở bà Tòng Thị Phóng là 372/11; ông Phùng Quốc Hiển là 362/7.

Cũng trong QH, xét tương quan 13 chức danh đứng đầu cơ quan chuyên môn của QH, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, có kết quả khả quan nhất với 338 phiếu tín nhiệm cao. Trong khi đó bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội và ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhận được số phiếu tín nhiệm cao ít nhất trong nhóm này, lần lượt là 210 và 263 phiếu. Tuy nhiên, người thẳng thắn, quyết liệt như bà Nga nhận được 19 phiếu tín nhiệm thấp. Dù vậy, đây cũng là mức tín nhiệm rất tốt với người lần đầu tiên từ cấp phó lên cấp trưởng ở một ủy ban của QH.

Ở bảng Chính phủ, trong 26 chức danh đưa ra lấy phiếu tín nhiệm lần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được nhiều phiếu tín nhiệm cao nhất (393) và ít phiếu tín nhiệm thấp (14). Người bám sát nút ông là Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh với 377 cao/10 thấp. Kết quả cho các phó thủ tướng khác là: ông Vương Đình Huệ 354 cao/17 thấp, ông Trương Hòa Bình 336 cao/15 thấp, ông Vũ Đức Đam 305 cao/28 thấp, ông Trịnh Đình Dũng 210 cao/50 thấp.

Các đại biểu thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp. Ảnh: TTXVN

Bộ trưởng GD&ĐT và GTVT nhận nhiều phiếu tín nhiệm thấp

Còn nếu so sánh mức tín nhiệm mà QH dành cho các thành viên Chính phủ hàm bộ trưởng thì Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch được đánh giá cao nhất với 341 cao/12 thấp, kế tiếp là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng với 339 cao/11 thấp. Sinh năm 1970, ông Hưng là thành viên Chính phủ trẻ nhất của khóa này.

Còn các vị trí khác có mức độ tín nhiệm khá thấp so với nhóm dẫn đầu. Trong đó, tư lệnh ngành giáo dục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, có 140 phiếu tín nhiệm cao và nhận gần bằng đó phiếu tín nhiệm thấp, 137 phiếu. Ông Nhạ cũng là người đứng thấp nhất trong danh sách 48 chức danh được lấy phiếu tín nhiệm lần này.

Điều này không khó lý giải khi cách đây mới bốn tháng, ngành giáo dục đối mặt với hàng loạt gian lận trong kỳ thi quốc gia tốt nghiệp THPT, làm cơ sở để xét tuyển đại học, cao đẳng. Dư luận chưa kịp lắng xuống thì ngay sau đó nổ ra tranh cãi về sách công nghệ giáo dục, rồi bất cập, lãng phí trong xuất bản, sử dụng sách giáo khoa, đến mức phải đưa vào báo cáo về kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp QH lần này. Phản ứng khá lúng túng của người đứng đầu ngành giáo dục ảnh hưởng không ít đến uy tín của ngành, đó là chưa kể những tồn đọng từ nhiều khóa trước chưa được giải quyết.

Bám sát nút Bộ trưởng Nhạ từ dưới lên là tư lệnh ngành giao thông, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, với 142 phiếu cao và 107 phiếu thấp. Ông Thể mới được QH phê chuẩn vào chức danh này đúng một năm trước. Bộ GTVT trải qua hơn nửa nhiệm kỳ vẫn đang tìm hướng giải quyết, tháo gỡ những bất cập, hạn chế trong triển khai các dự án BOT của khóa trước, thời ông Đinh La Thăng còn làm tư lệnh.

Thủ tướng có nhiều dấu ấn

Việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đạt được số phiếu tín nhiệm cao nhiều nhất trong các thành viên Chính phủ, tôi cho rằng điều đó chứng tỏ từ năm 2016 đến nay chúng ta lập ra một chính phủ kiện toàn. Trong đó, ưu tiên hàng đầu của Chính phủ là kiến tạo, phục vụ nhân dân, liêm chính, nhất là phải thực hiện được chức năng phục vụ nhân dân tốt nhất. Theo hướng đó Chính phủ đã thúc đẩy kinh tế phát triển, các vấn đề xã hội được bảo đảm an toàn và những tiến bộ xã hội rõ rệt. Cho nên kết quả thu được tốt hơn.

Dấu ấn cá nhân của Thủ tướng là đầy nhiệt huyết, trách nhiệm; còn những sáng kiến, sáng tạo dần dần đã đi vào cuộc sống. Bước đầu có hiệu quả và hiệu quả đó được xã hội ghi nhận.

 ĐBQH VŨ TRỌNG KIM

ĐỨC MINH - VIẾT LONG ghi

Bộ trưởng Y tế vượt lên đáng kể

Tư lệnh ngành y tế cũng được chú ý trong lần lấy phiếu tín nhiệm này, bởi hai lần trước cũng ở cương vị bộ trưởng Y tế, bà Nguyễn Thị Kim Tiến bị đánh giá thấp, trong đó năm 2014 bà đứng cuối bảng với 97 phiếu tín nhiệm cao, 192 phiếu tín nhiệm thấp. Ở lần này, với những tiến bộ rõ rệt của ngành và bằng thái độ vào cuộc tích cực, bà Tiến đã lội ngược dòng, tiến lên nhóm “trung bình” của Chính phủ. Bà nhận 224 phiếu tín nhiệm cao và 53 phiếu tín nhiệm thấp. Kết quả này đã phản ánh khá sát cho những nỗ lực của bà trong nửa nhiệm kỳ tiếp tục phụ trách lĩnh vực rất nóng, rất đụng chạm đến người dân như y tế.

Phần còn lại của danh sách lấy phiếu tín nhiệm là Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí và Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc. Trong số này, ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án, nhận số phiếu tín nhiệm 286 cao/18 thấp, tốt hơn khá nhiều so với khi ông là viện trưởng VKSND Tối cao trong lần lấy phiếu tín nhiệm năm 2014: 207 cao/43 thấp. Điều này cũng tương đồng với vị thế chính trị của ông, là bí thư Trung ương Đảng, thay vì ủy viên trung ương như khóa trước. Ông Lê Minh Trí nhận được 204 phiếu tín nhiệm cao và 41 phiếu tín nhiệm thấp. Con số này ở ông Phớc là 245 cao/36 thấp.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT PHÙNG XUÂN NHẠ:

“Tôi sẽ cố gắng hơn nữa”

Thấy gì qua lá phiếu tín nhiệm của Quốc hội? ảnh 2
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT PHÙNG XUÂN NHẠ

Trước hết tôi chân thành cám ơn tới các đại biểu (ĐB) QH và đông đảo cử tri cả nước đã luôn đồng hành, chia sẻ với sự nghiệp giáo dục và đào tạo…

Lĩnh vực giáo dục luôn liên quan đến mọi người, mọi nhà, có những vấn đề không chỉ trong một sớm một chiều giải quyết được mà phải có thời gian. Vừa rồi, bản thân tôi và ngành rất nỗ lực, có một số việc có kết quả, một số việc cần có thời gian.

Tôi coi kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này là động lực để bản thân và toàn ngành cố gắng hơn nữa. Bên cạnh đó có nhiều giải pháp quyết liệt hơn để đáp ứng sự kỳ vọng của Đảng, nhân dân, cử tri đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo…

Về lấy phiếu tín nhiệm, tôi cho rằng đúng như tinh thần nghị quyết của QH đã chỉ rõ, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ giúp người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động.

Trưởng ban Dân nguyện NGUYỄN THANH HẢI:

Đánh giá của đại biểu là khách quan”

Thấy gì qua lá phiếu tín nhiệm của Quốc hội? ảnh 3
Trưởng ban Dân nguyện NGUYỄN THANH HẢI

Tôi nghĩ rằng sự đánh giá của các ĐBQH là khách quan, dân chủ. Tôi rất cảm ơn các vị ĐBQH và hiểu rằng họ đã đại diện cho cử tri đưa ra đánh giá qua từng lá phiếu.

Qua kết quả nhận được, cá nhân tôi cũng phân tích để thấy những gì mình đã làm được, những gì chưa làm được. Với những phiếu tín nhiệm thấp thì qua đó để mình cố gắng hơn nữa khắc phục những hạn chế, những điểm còn yếu của mình, làm tốt hơn công việc, nhiệm vụ được giao phó. Tôi cũng coi những phiếu tín nhiệm cao dành cho mình là sự động viên, khích lệ để mình phát huy và đó là động lực để mình phấn đấu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm