Hồi ấy, quê tôi chỉ có hai mùa chính là mùa bấc (từ tháng 9 đến hết tháng 2 năm sau) và những tháng còn lại là mùa nam. Mùa bấc quê tôi tiết trời rất lạnh nên chủ yếu trồng tỏi, hành tây. Còn mùa nam thì nóng nên phù hợp trồng dưa hấu hoặc đậu phộng, đậu bi. Mùa nam chỉ khoảng bốn tháng, hai tháng còn lại (7-8 âm lịch) đất để không, không trồng cây gì. Ông bà mình nói không trồng cây gì trong hai tháng này là để cho đất hít, đất thở. Hít là ban ngày thu mọi nắng, mưa; thở là ban đêm đất bốc mùi thải độc, sau khi hấp thụ những tinh túy của vũ trụ…
Hình ảnh người nông dân quê cuốc đất bỏ ải ngày càng hiếm thấy. Ảnh: BÙI PHỤ
Vì thế, sau Trung thu nhà nhà phải đi cuốc đất để bỏ ải là thế. Trong vòng một tháng này đất phải cuốc lại ba lần. Đến mùa cuốc đất vui lắm, trai tráng thì cuốc từ sáng đến trưa, từ chiều đến tối. Phụ nữ, trẻ em, con gái thì lo nấu cơm, nước… Có những gia đình cuốc vần công thì 3-4 gia đình dồn lại cuốc hết đất nhà này rồi sang nhà khác. Vui nhất là nấu cơm ăn chung cả mấy gia đình, khi mặt trời lặn đốt lửa giữa rẫy thì càng vui hơn. Nhiều đôi trai gái nên duyên chồng vợ cũng do mùa cuốc đất bỏ ải này.
Nhờ cuốc đất bỏ ải mà cây trồng được tươi tốt, giảm sâu rầy đáng kể, giảm chi phí phân thuốc rất nhiều. Những năm 1985, vì phong trào trồng nho nhiều nên mùa cuốc đất bỏ ải chỉ còn lại một tháng. Nhưng một tháng đó rất sôi động, vui như hội… Đến sau năm 2000, mùa cuốc đất bỏ ải bị mai một dần dần do đô thị hóa, đất nông nghiệp bị hẹp dần nhường cho những khu đô thị. Không còn mùa cuốc đất bỏ ải, vùng quê cũng dần mất vui…
Mai mốt quê tôi sẽ không còn ai biết chuyện “cuốc đất bỏ ải” là gì.
Đất nông nghiệp tiếp tục bị thu hồi làm dự án. Đất nông nghiệp của tỉnh Ninh Thuận vừa qua bị thu hồi làm đất công nghiệp rất nhiều nhưng nhiều nơi người ta thu hồi rồi bỏ hoang như huyện Thuận Bắc và huyện Thuận Nam…
Người nông dân quê tôi bây giờ rất thèm một mùa cuốc đất bỏ ải ở quê…