Thi tuyển phó hiệu trưởng: Hiến kế phát triển trường

(PLO)- Vòng thi đề án tuyển phó hiệu trưởng cho trường THPT ở TP.HCM đã tạo cơ hội cho các thí sinh hiến kế, trình bày ý tưởng phát triển cho trường.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 22-11, các thí sinh ứng tuyển chức danh phó hiệu trưởng ba trường THPT tại TP.HCM chính thức bước vào phần thi trình bày đề án. Trong ngày đầu tiên, hội đồng giám khảo tổ chức cho ứng cử viên thi vào Trường THPT An Nghĩa, huyện Cần Giờ.

Tạo cạnh tranh, công bằng

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết đây là lần đầu tiên ngành giáo dục TP tổ chức thi tuyển chức danh phó hiệu trưởng các trường THPT. Kỳ thi diễn ra hai vòng. Qua vòng thi đầu tiên, kết quả làm bài phần thi kiến thức chung của ứng cử viên khá tốt khi có 11/12 ứng cử viên đạt yêu cầu bước vào vòng 2 với yêu cầu trình bày đề án, vấn đáp. Ứng cử viên phải xây dựng đề án thể hiện các yêu cầu của ban tổ chức kỳ thi cũng như trả lời các câu hỏi chất vấn của ban giám khảo trong vòng 30 phút.

Huyện Cần Giờ đang có tình trạng sau 4-5 năm công tác, GV vững tay nghề có xu hướng chuyển công tác về nội thành. Thầy cô mới nhiệt huyết nhưng kỹ năng nghiệp vụ cũng ở mức độ nào đó. Từng là HS ở huyện nên tôi mong muốn ứng tuyển để xây dựng đội ngũ vững chuyên môn, nghiệp vụ và gắn bó lâu dài với trường.

Thầy giáo PHẠM HẢI DƯƠNG

Theo ông Hiếu, việc tổ chức kỳ thi sẽ tạo ra một sự cạnh tranh lành mạnh trong cán bộ quản lý được quy hoạch, bổ nhiệm xứng đáng người có năng lực chuyên môn và giỏi nghiệp vụ quản lý. Điều này cũng tạo tiền lệ hình thức bổ nhiệm cấp phó ở các đơn vị trực thuộc sở.

“Các thầy cô được quy hoạch vào vị trí cán bộ quản lý sẽ không chủ quan rằng chỉ cần bản thân thể hiện được năng lực tại trường của mình thì sẽ được bổ nhiệm vị trí cán bộ quản lý đó. Với cách thi tuyển này, có nhiều ứng cử viên ở các đơn vị khác sẽ cùng ứng tuyển. Điều này tạo ra sự cạnh tranh, khách quan, công khai để có thể lựa chọn được vị trí cán bộ quản lý tốt hơn” - ông Hiếu nhấn mạnh.

Tìm điểm mạnh, điểm yếu để khắc phục

Dự tuyển vào chính ngôi trường mình đang dạy, thầy Phạm Hải Dương, giáo viên (GV) Trường THPT An Nghĩa (huyện Cần Giờ), cho biết đã nghiên cứu tài liệu về chuyên môn và nghiệp vụ, chuẩn bị đề án phát triển trong hơn một tháng. Theo thầy Dương, bản thân là người dân địa phương lại là GV của trường tham gia ứng tuyển, đó vừa là lợi thế nhưng đồng thời cũng bị áp lực.

Hiện Trường THPT An Nghĩa có hiệu trưởng và một phó hiệu trưởng phụ trách cơ sở vật chất. Vì thế đề án của thầy Dương tập trung vào phần chuyên môn của trường.

Thầy Phạm Hải Dương, giáo viên Trường THPT An Nghĩa (huyện Cần Giờ), trình bày đề án trước hội đồng giám khảo. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Thầy Phạm Hải Dương, giáo viên Trường THPT An Nghĩa (huyện Cần Giờ), trình bày đề án trước hội đồng giám khảo. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Về công tác tại Trường THPT An Nghĩa từ năm 2010 đến giờ, thầy Dương cho biết trường có đội ngũ GV đoàn kết, phối hợp tốt trong công tác. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của trường là chất lượng đầu vào rất thấp.

“Nếu trúng tuyển vào vị trí phó hiệu trưởng của trường, tôi sẽ tập trung nâng cao chất lượng đầu vào của học sinh (HS) bằng việc nâng cao chất lượng đào tạo cũng như tạo nên thương hiệu cho trường. Khi trường có thương hiệu sẽ có nhiều HS muốn theo học” - thầy Dương nói.

Để phát triển nhà trường, đội ngũ GV đóng vai trò rất quan trọng. “Tôi sẽ đồng hành cùng đội ngũ GV trong việc xây dựng kế hoạch giảng dạy. Tập trung nâng cao tinh thần tự học, tự chủ của HS” - thầy Dương chia sẻ.

Công tác tại Trường THPT Nguyễn Khuyến, quận 10 nhưng thầy Nguyễn Hoàng Tấn chia sẻ mạnh dạn ứng tuyển vào trường ở vùng ngoại thành vì còn trẻ, chưa vướng bận gia đình và đang tràn đầy nhiệt huyết.

Đến với vòng 2 của kỳ thi, thầy Tấn đã tìm hiểu đặc thù, điểm mạnh và hạn chế của trường qua nhiều kênh thông tin. “Đề án tôi xây dựng dựa trên nền tảng một số hạn chế mà trường đang gặp phải” - thầy Tấn bày tỏ.

Theo thầy Tấn, Trường THPT An Nghĩa có hơn 50% HS có hoàn cảnh khó khăn, tỉ lệ HS nghỉ học nhiều, điểm đầu vào của HS khá thấp. Về cơ sở vật chất, trường chưa có một số hạng mục để đảm bảo cho việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 như chưa có máy tính, hệ thống Internet kết nối đến từng trường. Đội ngũ GV trên chuẩn còn chiếm tỉ lệ thấp, việc giao lưu học hỏi nâng cao chuyên môn cho GV còn ít.

Thầy Nguyễn Hoàng Tấn, giáo viên Trường THPT Nguyễn Khuyến (quận 10), chuẩn bị trước vòng thi trình bày đề án. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Thầy Nguyễn Hoàng Tấn, giáo viên Trường THPT Nguyễn Khuyến (quận 10), chuẩn bị trước vòng thi trình bày đề án. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Trước những khó khăn trên, với hơn 10 năm kinh nghiệm công tác ở trường nội thành, thầy Tấn đề xuất sẽ vận động các nguồn xã hội hóa để chăm lo cho trường. Cụ thể, kêu gọi học bổng hỗ trợ HS khó khăn, năm 2023-2024 lắp hệ thống Internet ở từng phòng, mục tiêu đến năm 2030 sẽ lắp hệ thống máy lạnh toàn trường.

Để nâng cao chất lượng GV, thầy Tấn đề xuất kết nối với các trường nội thành, tham mưu hiệu trưởng tổ chức các buổi dự giờ. Ngoài ra, thầy Tấn cũng nhận thấy việc tuyển dụng GV về công tác tại trường còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, thầy Tấn cũng có ý tưởng sử dụng nguồn HS tại trường có ý định về trường giảng dạy để bổ sung nhân sự về hưu.

Lãnh đạo tốt góp phần xây dựng môi trường giáo dục tốt

Các thầy cô đã tự tin tham gia và qua được vòng 1 thì ai cũng xứng đáng nhưng chắc chắn sẽ có người được chọn và không được chọn. Hy vọng qua kỳ thi, thầy cô có điều kiện soi lại mình, hoàn thiện tốt hơn và có cơ hội phát triển. Đối với người được chọn, cần phát huy năng lực, tinh thần đóng góp cho đơn vị mình trúng tuyển và ngành giáo dục TP. TP mong muốn xây dựng môi trường giáo dục thật tốt, hướng đến mục tiêu cho HS hưởng thụ nền giáo dục tốt nhất, minh bạch, công khai, trung thực. Việc chọn người lãnh đạo tốt là điều kiện tiên quyết để thực hiện được điều này.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM DƯƠNG ANH ĐỨC phát biểu tại lễ khai mạc vòng thi trình bày đề án

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm