Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá đề xuất mua Su-35 của Nga thay F-35

Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ chịu trách nhiệm mua sắm vũ khí đang rà soát khả năng mua máy bay chiến đấu Su-35 của Nga theo đề nghị của Công ty quốc phòng Nga Rosoboronexport, nhật báo Yeni Safak đưa tin ngày 11-8.

Theo Yeni Safak, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu chủ tịch Công nghiệp quốc phòng (SSB), Bộ Chỉ huy không quân Thổ Nhĩ Kỳ và các tổ chức hữu quan cho đánh giá về đề xuất của Rosoboronexport.

Tiêm kích Su-35S, Su-34 và T-50 của Nga bay cùng nhau. Ảnh: SPUTNIK

Nhật báo Thổ Nhĩ Kỳ cho biết thêm nếu kế hoạch mua tiêm kích của Nga nhận được phản hồi tích cực, các cuộc đàm phán chính thức với Nga về vấn đề này sẽ được bật đèn xanh để khởi động.

Hiện các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ chưa bình luận về thông tin trên.

Phó Thủ tướng Nga Yuri Borisov tháng trước thông báo Nga sẵn sàng bán máy bay chiến đấu cho Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi người đứng đầu tập đoàn xuất khẩu vũ khí nhà nước Rostec của Nga Sergey Chemezov nói rằng Nga sẵn sàng cung cấp Su-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Công ty Rosoboronexport đề nghị bán tiêm kích Su-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh truyền thông đăng tải các thông tin Ankara có thể đang xem xét lựa chọn này do gặp vấn đề về việc mua tiêm kích tàng hình hiện đại F-35 của Mỹ.

Mỹ đã đình chỉ cung cấp F-35 và các chương trình huấn luyện cho phi công Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Ankara từ chối rút lại thương vụ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga theo yêu cầu của Mỹ.

Mỹ cho rằng những hệ thống của Nga có thể phơi bày những điểm yếu của F-35, đồng thời đề nghị bán hệ thống phòng không Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này từ bỏ S-400.

Tuy nhiên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan từ chối phục tùng yêu cầu của Mỹ, nói rằng Nga đưa ra gói chào hàng S-400 tốt hơn. Ông Erdogan đã đề nghị lập nhóm làm việc chung với Mỹ nhằm giải quyết những lo ngại về S-400, song Mỹ phớt lờ đề xuất.

Sự bất đồng về S-400 và F-35 đánh dấu sự rạn nứt lớn trong quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ. Washington đã đe dọa trừng phạt Ankara và loại khỏi khối quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Thổ Nhĩ Kỳ dọa bán "bảo bối" F-35 cho nước ngoài

Tên lửa không đối đất được thiết kế cho máy bay chiến đấu F-35 có thể được sử dụng cho máy bay chiến đấu quốc gia của riêng nước này và máy bay không người lái, Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ Thổ Nhĩ Kỳ Mustafa Varank tuần trước cho biết trong buổi họp báo lễ hội giám sát bầu trời quốc gia lần thứ 22 ở Antalya, theo tờ The Daily Sabah.

Ông cho biết Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã phát triển tên lửa hành trình SOM-J.

Ông Varank nhấn mạnh các quốc gia tham gia chương trình F-35 muốn mua loại tên lửa hành trình này thì “chúng tôi có thể dễ dàng bán những tên lửa này ngày cả khi chúng tôi bị loại khỏi chương trình”.

Ông Varank cho biết thêm tên lửa SOM-J cũng có thể được tích hợp với các UAV Akıncı do Công ty Baykar của Thổ Nhĩ Kỳ phát triển.

Tên lửa SOM-J. Nguồn: Roketsan

SOM-J là tên lửa hành trình không đối đất tầm trung thế hệ mới, có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết.

SOM-J dự kiến tích hợp trên phiên bản Block 4 của dòng F-35. Tên lửa được trang bị đầu đạn nổ mảnh bán xuyên giáp nặng 140 kg, tầm bắn trên 240 km, có thể tấn công mục tiêu trên bộ lẫn trên biển. Khối lượng khoảng 455 kg cho phép SOM-J gắn được vào giá treo trong khoang vũ khí nhỏ hẹp của F-35.

Việc tích hợp SOM-J vào khoang vũ khí vừa giúp tiêm kích F-35 duy trì khả năng tàng hình, vừa có thể tấn công các mục tiêu ngoài tầm hoạt động của hệ thống phòng không đối phương. Điều này giúp phi công Mỹ và đồng minh tung đòn tấn công uy lực từ khoảng cách an toàn.

SOM-J có khả năng tàng hình, được ứng dụng nhiều tính năng mới như thay đổi mục tiêu trong khi bay. Độ chính xác được tăng cao nhờ đầu dò ảnh hồng ngoại, trong khi quả đạn đường dẫn đường bằng vệ tinh và khớp ảnh địa hình, có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết. SOM-J có tốc độ cận âm khoảng 1.100 km/giờ.

"Việc tích hợp tên lửa SOM-J lên F-35 giúp phi công tấn công mục tiêu tầm xa, đồng thời bảo đảm khả năng tàng hình quan trọng của chiến đấu cơ này" - ông Frank St. John, Phó giám đốc chương trình tên lửa và kiểm soát hỏa lực của hãng Lockheed Martin, khẳng định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm